Permanent Doctor 096 232 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Tìm hiểu về viêm gan A và cách phòng ngừa tối ưu

Monday, 28/11/2022, 08:00 GMT+7

Ngoài viêm gan B là nỗi lo của nhiều người thì viêm gan A cũng là một loại bệnh gây nên sự suy giảm chức năng gan và có nguy cơ lây nhiễm cao. Hiện nay, tỉ lệ người Việt mắc viêm gan A là rất cao và tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm.

1. Viêm gan A là gì?

1.1. Khái niệm

Viêm gan siêu vi A (hay HAV - Hepatitis A Virus) là một loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi Virus ARN lây truyền qua đường tiêu hóa.

Ở người mắc bệnh Viêm gan A, virus được tìm thấy nhiều nhất trong phân và cả trong nước bọt. Các chất thải của người bệnh được thải ra ngoài sẽ làm phát tán virus rộng rãi. Những đường lây lan chính của virus viêm gan A bao gồm:

  • Ăn thức ăn chế biến bởi người viêm gan A không rửa tay kỷ sau khi đi vệ sinh.

  • Uống nước ở nguồn nước ô nhiễm.

  • Tiếp xúc thường xuyên với người bệnh viêm gan A.

  • Quan hệ tình dục với người đang mang virus viem gan A.

1.2. Dịch tễ học

Bệnh Viêm gan A có thể gặp trên toàn thế giới, tản phát và gây dịch lưu hành. Trên thế giới ước tính hằng năm có khoảng 1,4 triệu trường hợp. Ở một số quốc gia có >75% người lớn có tiếp xúc với HAV. Tại Hoa Kỳ, năm 2016 đã có 2.000 trường hợp đã được báo cáo.

Khu vực có mức độ bệnh cao: các nước thu nhập thấp và trung bình có điều kiện vệ sinh kém, nhiễm trùng là tình trạng phổ biến ở hầu hết trẻ em (90%) đã bị nhiễm Virus Viêm gan A trước 10 tuổi, thường không có triệu chứng.

Khu vực có mức độ thấp, trung bình các nước thu nhập cao với điều kiện vệ sinh tốt, tỷ lệ nhiễm trùng thấp. Bệnh có thể xảy ra ở thanh thiếu niên, người trưởng thành và nhóm nguy cơ cao.

1.3 Triệu chứng của bệnh Viêm gan A :

Một số người không biểu hiện bất kỳ triệu chứng lâm sàng khi mắc bệnh. Nếu có triệu chứng thường khoảng 2 đến 6 tuần sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, người bệnh sẽ có các biểu hiện: 

  • Vàng da.

  • Vàng mắt.

  • Phân nhạt màu, thường có màu xám.

  • Nước tiểu màu nâu sẫm.

  • Đau bụng.

Ngoài ra còn xuất hiện một số triệu chứng toàn thân như:

  • Ngứa toàn thân.

  • Sốt.

  • Mệt mõi.

  • Biếng ăn.

  • Buồn nôn, nôn.

Vàng da là một trong những biểu hiện của viêm gan A

2. Phương thức lây nhiễm và đối tượng nguy cơ :

Phương thức lây nhiễm chính của virus Viêm gan A là từ người sang người đường phân - miệng, rất hiếm lây qua đường máu vì rất ít virus trong máu.

Đối tượng nguy cơ nhiễm:

  • Những người làm việc hoặc đi du lịch ở những nơi trên thế giới có lưu hành HAV mức độ cao hoặc trung bình.

  • Nhân viên phòng xét nghiệm có thể tiếp xúc với viêm gan A.

  • Những người có quan hệ tình dục (đồng giới và khác giới) với nhiều bạn tình.

  • Những người viêm gan mạn bao gồm viêm gan B hoặc C, sẽ có nguy cơ bị viêm gan tối cấp do HAV.

  • Những người tiếp xúc trực tiếp với người bị viêm gan A.

  • Những người bị rối loạn yếu tố đông máu.

3. Biến chứng 

Trong hầu hết các trường hợp Viêm gan A hồi phục trong vòng 1 đến 2 tháng mà không có tổn thương kéo dài. Ở người già và người bị các bệnh khác như suy tim ứ huyết, tiểu đường, thiếu máu thời gian hồi phục có thể dài hơn và diễn biến bệnh có thể nặng hơn.

Trong một số trường hợp viêm gan bùng phát tình trạng đe dọa tính mạng gây suy gan có thể xảy ra. Đặc biết có nguy cơ là ở những người bị bệnh gan mãn tính hoặc ghép gan. Ngoài ra viêm gan A có thể góp phần gây cứng động mạch.

 4. Phòng bệnh 

Để phòng bệnh viêm gan A, có hai biện pháp được áp dụng rộng rãi là biện pháp dự phòng và tiêm vaccin phòng bệnh.

Biện pháp dự phòng:

Tuyên truyền, giáo dục sức khỏe.

  • Giữ vệ sinh chung và vệ sinh cá nhân.

  • Xử lý rác thải. Cung cấp thường xuyên và rộng khắp nước sạch.

  • Những người đến các vùng có dịch lưu hành cần tiêm phòng vaccin phòng bệnh viêm gan A.

Vệ sinh phòng bệnh: kiểm soát bệnh nhân, người tiếp xúc và môi trường.

  • Cách ly bệnh nhân trong thời gian bị bệnh, ít nhất sau khi vàng da 1 tuần.

  • Sát khuẩn, tẩy uế các chất thải cho hợp vệ sinh.

  • Điều tra nguồn lây.

Tiêm chủng: 

Hiện nay, bệnh viêm gan A chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người đã khỏi viêm gan vẫn có thể tái nhiễm bệnh. Việc tiêm ngừa viêm gan A là rất cần thiết. Với nhóm đối tượng có nguy cơ, trẻ em từ 12 tháng tuổi và người lớn đều cần tiêm ngừa sớm.

Tiêm ngừa là biện pháp phòng viêm gan A hiệu quả

Hiện tại phòng tiêm ngừa Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp đã có Vacxin tiêm ngừa Viêm Gan A. Quý khách hàng có nhu cầu tiêm ngừa, vui lòng liên hệ Phòng tiêm ngừa BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp hoặc Tổng đài 02773.875.993 (vào giờ hành chánh) để được tư vấn. 

                

 

Bác sĩ Phạm Minh Tú

Bác sĩ Phòng tiêm ngừa Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp