Monday, 25/05/2020, 11:14 GMT+7
TỔNG QUAN VỀ BỆNH TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ
Tiêu chảy cấp là gì?
Tiêu chảy cấp ở trẻ là tình trạng khi trẻ đi ngoài nhiều hơn 3 lần mỗi ngày, với tình trạng phân lỏng, nhiều nước. Tình trạng này chỉ diễn ra không quá 14 ngày.
Nguyên nhân thường gặp trong tiêu chảy cấp ở trẻ
Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn đường ruột.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ, trong đó nguyên nhân chính được cho là nhiễm khuẩn đường ruột.
- Trẻ bị tiêu chảy do nhiễm phải vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Theo các nghiên cứu cho thấy Rotavirus là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng tiêu chảy nặng ở trẻ. Và có nguy cơ gây tử vong rất lớn ở những trẻ dưới 2 tuổi. Các vi khuẩn nhiễm trùng đường ruột gây tiêu chảy phổ biến nhất là E-Coli, trực khuẩn lỵ và phẩy khuẩn tả. Không những thế, tiêu chảy cấp còn có thể do bị nhiễm một số ký sinh trùng như Giardia, amip...
- Những bệnh nhiễm khuẩn ngoài đường ruột cũng có thể gây biến chứng tiêu chảy cấp ở trẻ như: Nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn đường tiểu hay viêm màng não.
Hoặc khi sử dụng một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc nhuận tràng cũng có thể khiến trẻ bị tiêu chảy.
Ở một số trẻ khi ăn phải thức ăn lạ, hoặc thức ăn mà cơ thể khó hấp thu hoặc không hấp thu sẽ gây tiêu chảy để tống đẩy hết những chất này ra. Tùy thuộc vào mỗi cơ địa mà mỗi trẻ có thể dị ứng với các loại thức ăn khác nhau như sữa tôm, cua, hải sản hay sữa bò...
Ngoài ra tiêu chảy ở trẻ có thể do một số nguyên nhân khác như: rối loạn tiêu hóa, viêm ruột khi hóa trị - xạ trị, hay viêm ruột thừa cấp. Thậm chí khi thiếu vitamin thiết yếu, hay uống những kim loại nặng cũng có thể làm trẻ bị tiêu chảy.
Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ.
Các yếu tố nguy cơ gây tiêu chảy cấp
- Độ tuổi: Có đến 80% trẻ bị tiêu chảy là các bé dưới 2 tuổi, trong đó nhiều nhất là các bé trong giai đoạn từ 6 đến 18 tháng.
- Thể trạng: Các bé bị suy dinh dưỡng, các bệnh suy giảm miễn dịch như sởi, HIV sẽ dễ bị tiêu chảy do sức đề kháng yếu.
- Thói quen: Phong tục tập quán ở từng địa phương cũng là yếu tố can thiệp đến tỷ lệ trẻ bị tiêu chảy cấp. Ví dụ như, bé không được nuôi bằng sữa mẹ từ 4 đến 6 tháng đầu, hoặc bé được cai sữa quá sớm, hay phong tục ăn gỏi sống, đồ ăn nấu tái...
- Thời tiết: Người ta còn nhận thấy rằng mùa hè các bé mắc tiêu chảy nhiều hơn mùa đông do mùa hè vi khuẩn phát triển nhiều hơn. Còn tiêu chảy ở mùa đông tiêu chảy chủ yếu do Rotavirus.
Trẻ dưới 2 tuổi có nguy cơ bị tiêu chảy cấp cao.
LÀM SAO ĐỂ CHẨN ĐOÁN TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ?
Để chẩn đoán tiêu chảy cấp ở trẻ, trước tiên người ta dựa vào các triệu chứng ở trẻ, rối các xét nghiệm lâm sàng và các biến chứng ở trẻ để được điều trị phù hợp.
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng và xét nghiệm cận lâm sàng
Triệu chứng rõ rệt nhất của bệnh đó là trẻ đi ngoài phân lỏng - nước ít nhất 3 lần, thậm chí là rất nhiều lần trong ngày. Các triệu chứng này diễn ra không lâu hơn 14 ngày.
Đồng thời, các bác sĩ sẽ làm nghiệm pháp soi tươi hoặc cấy phân để tìm nguyên nhân nhiễm khuẩn gây tiêu chảy ở trẻ.
Các xét nghiệm lâm sàng khác như điện giải đồ, công thức máu hay CRP được dùng khi trẻ có biến chứng mất nước và chẩn đoán mức độ mất nước.
Chẩn đoán các biến chứng có thể gặp phải.
Một trong những biến chứng thường gặp nhất ở trẻ bị tiêu chảy là biến chứng mất nước.
Ở trẻ bị tiêu chảy cấp có các mức độ mất nước từ không mất nước đến mất nước nhẹ và mất nước nặng như sau:
• Ở những trẻ bị mất nước từ nhẹ đến trung bình sẽ có các biểu hiện trên toàn thân là vật vã, mắt trũng, khát nước và háo uống nước, véo vào da thấy mất nếp chậm. Khi trẻ có 2 trong các triệu chứng trên, sẽ được xác định là mất nước nhẹ hoặc trung bình.
• Với những trẻ bị mất nước nặng thì ngủ li bì, mắt trũng sâu, khát nước nhưng uống kém, khi véo vào da trẻ thấy rất lâu mất nếp. Nếu trẻ có 2 trong các dấu hiệu trên thì được chẩn đoán là mất nước nặng.
• Còn nếu trẻ không đủ các điều kiện để chẩn đoán như trên thì coi là không mất nước.
- Ngoài ra, còn có thể gặp một số biến chứng khác ở trẻ bị tiêu chảy cấp như: rối loạn kali máu, nhiễm toan chuyển hóa gây thở nhanh và sâu, môi đỏ. Đặc biệt, ở một số trẻ còn có thể bị biến chứng suy thận cấp, rất nguy hiểm đến tính mạng.
Tiêu chảy cấp gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
LIỆU PHÁP ĐIỀU TRỊ TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ
Trong điều trị tiêu chảy cấp cho trẻ nhỏ, cần phải tuân theo nguyên tắc điều trị sau:
• Bổ sung nước và các chất điện giải, để điều trị và dự phòng mất nước ở trẻ.
• Điều trị nguyên nhân gây bệnh, cụ thể là sử dụng kháng sinh nếu có nhiễm khuẩn.
• Điều chỉnh cân bằng dinh dưỡng cho trẻ.
Cách bù nước và điện giải cho trẻ tiêu chảy cấp
Dựa vào tình trạng mất nước ở trẻ mà ta bổ sung nước và điện giải sao cho phù hợp.
Với trường hợp trẻ chưa có dấu hiệu của hiện tượng mất nước:
Mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường để đề phòng mất nước.
- Bạn có thể bổ sung Oresol cho trẻ tại nhà như sau:
• Với các bé dưới 2 tuổi: Lượng oresol bổ sung cho bé cả ngày là 500ml. Đồng thời, sau mỗi lần bé đi vệ sinh, bạn cho bé uống 50 đến 100ml dung dịch Oresol.
• Với các bé từ 2 đến 10 tuổi, mỗi ngày bổ sung cho bé 1000ml Oresol và 100 đến 200ml sau mỗi lần bé đi ngoài.
• Còn các bé từ 10 tuổi trở lên thì cho bé uống đến khi bé thấy hết khát. Lượng Oresol cần cho cả ngày là 2000ml.
Với trường hợp các bé có tình trạng mất nước từ nhẹ đến vừa:
Song song với việc cho trẻ uống đủ nước, bạn cần bổ sung cho bé Oresol theo cân nặng của bé như sau: Trong 4 giờ đầu tiên, cần bổ sung cho bé lượng Oresol với liều 75ml/ kg.
Với các bé bị mất nước mức độ nặng:
Bé cần phải tiêm truyền tĩnh mạch bằng dung dịch Ringe Lactate (hoặc dung dịch muối sinh lý) theo đúng chỉ định của bác sĩ.
- Mẹ cho bé uống Oresol như sau:
+ Các bé nhỏ hơn 2 tuổi, bé được bổ sung điện giải bằng đường uống, theo từng thìa hoặc từng ngụm. Mẹ căn thời gian, mỗi 1 đến 2 phút lại cho bé uống 1 lần.
+ Nếu trẻ bị nôn ra thì tạm thời không cho bé uống, 10 phút sau cho bé uống với tốc độ chậm hơn.
+ Sau 4 giờ phải kiểm tra lại tình trạng mất nước của trẻ để bổ sung Oresol với liều phù hợp. Riêng trường hợp bé phải bổ sung điện giải bằng đường tiêm truyền thì sau 1 đến 2 giờ lại đánh giá lại tình trạng mất nước. Đồng thời có sự điều chỉnh phù hợp.
Cần bổ sung nước và điện giải cho trẻ bị tiêu chảy cấp.
Sử dụng kháng sinh để điều trị tiêu chảy cấp có nhiễm khuẩn.
Không phải trường hợp tiêu chảy cấp nào cũng dùng kháng sinh. Chỉ sử dụng khi có nhiễm khuẩn qua các điều kiện sau:
- Đi ngoài phân có máu.
- Khi xác định được là tiêu chảy do vi khuẩn.
- Trẻ mắc tiêu chảy, cùng với đó là các bệnh lý nhiễm trùng khác: viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm khuẩn tiết niệu…
Khi trẻ bị tiêu chảy do vi khuẩn tả: Cho bé dùng Erythromycin với liều theo cân nặng là 12,5mg/kg, mỗi ngày dùng 4 lần. Hoặc có thể dùng kháng sinh khác thay thế là Tetracyclin, mỗi lần dùng 12,5mg/kg, dùng trong 3 ngày liên tiếp, mỗi ngày uống 4 lần.
Nếu trẻ bị nhiễm trực khuẩn lỵ: Dùng kháng sinh Ciprofloxacin, mỗi lần dùng 15mg với mỗi kg cân nặng, dùng 2 lần mỗi ngày trong 3 ngày liên tiếp. Hoặc dùng thay thế bằng Pivmecillinam với liều 20mg/kg cho mỗi lần dùng, ngày dùng 4 lần, dùng trong 5 ngày liên tiếp.
Trẻ bị tiêu chảy do Campylorbacter thì dùng Azithromycin 6 – 20mg/kg mỗi ngày, dùng từ 1 đến 5 ngày.
Trường hợp bị lỵ amip dùng Metronidazole 10 mg/kg mỗi lần, ngày uống 3 lần, dùng liên tiếp từ 5 đến 10 ngày.
Khi trẻ bị tiêu chảy do Giardia, cho trẻ uống Metronidazole với liều 5 mg/kg mỗi lần, ngày dùng 3 lần và sử dụng liên tiếp trong 5 ngày.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiêu chảy cấp
- Với trẻ bị tiêu chảy cấp, bạn vẫn phải cho trẻ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cho trẻ ăn thành nhiều bữa trong ngày. Thức ăn nấu mềm, loãng hơn bình thường cho trẻ dễ ăn, dễ tiêu hóa.
- Nếu trẻ còn bú sữa mẹ thì mẹ cần cho trẻ bú nhiều lần hơn, và bú lâu hơn bình thường.
- Trường hợp trẻ đã cai sữa, bạn cho trẻ uống sữa bình thường. Nên dùng sữa không có lactose, không pha loãng sữa.
- Ngoài việc sử dụng thuốc, điều chỉnh dinh dưỡng, ở trẻ bị tiêu chảy cấp cùng cần bổ sung thêm kẽm trong vòng 10 đến 14 ngày. Các bé dưới 6 tháng tuổi thì uống mỗi ngày 10mg, còn các bé từ 6 tuổi trở lên thì mỗi ngày uống 20mg.
CÁC BIỆN PHÁP DỰ PHÒNG TIÊU CHẢY CẤP Ở TRẺ
- Nuôi con bằng sữa mẹ để trẻ có sức đề kháng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu sau sinh.
- Sử dụng vaccine phòng bệnh theo đúng khuyến cáo của bộ y tế.
- Luôn cho trẻ ăn chín uống sôi, nguồn nước sạch và giữ đúng nguyên tắc an toàn thực phẩm. Không dùng đồ ăn dễ lên men, khó tiêu.
- Thực hành an toàn vệ sinh thực phẩm khi chế biến hoặc bảo quản thức ăn.
- Hướng dẫn và giúp bé hình thành thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn bất cứ đồ ăn nào.
Nguồn: https://trungtamthuoc.com