Permanent Doctor 096 242 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp: Phẫu thuật thành công sản phụ bị nhau tiền đạo trung tâm

Monday, 16/05/2016, 01:18 GMT+7

Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp

PHẪU THUẬT THÀNH CÔNG 
SẢN PHỤ BỊ NHAU TIỀN ĐẠO TRUNG TÂM

 
bs-nghia

Bác sĩ Đoàn Hữu Nghĩa
Trưởng Khoa sản, BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp

Ngày 10/05 vừa qua, Khoa sản Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã phẫu thuật thành công Nhau tiền đạo trung tâm cho chị Trương Thị Mỹ G. (29 tuổi, ngụ tại ấp Tân An, xã Tân Huề, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp).

Bác sĩ Đoàn Hữu Nghĩa, Trưởng Khoa sản Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp cho biết: chị Trương Thị Mỹ G. lần thứ 2 sinh con, trước đây từng đã mổ u nang buồng trứng, thai 37 tuần, ngôi đầu chưa chuyển dạ. Sau khi phẫu thuật chị G. đã sinh 1 bé trai nặng 2,7kg, hiện tại mẹ và bé vẫn khỏe và chuẩn bị xuất viện.

nhau-tien-dao-1   nhau-tien-dao-2

Bác sĩ Đoàn Hữu Nghĩa cũng cho bạn đọc biết thêm về căn bệnh này.

Nhau tiền đạo là gì?
Bình thường, bánh nhau bám ở vùng đáy hoặc thân tử cung. Trong trường hợp bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, che một phần hay che kín cổ tử cung thì được gọi là Nhau tiền đạo.
Nhau tiền đạo nghĩa là bánh nhau nằm trước đường đi của thai nhi khi sanh ngã âm đạo. Do đó, trong những trường hợp này đa số phải mổ lấy thai.

Các dấu hiệu nghi ngờ nhau tiền đạo?
Trong 3 tháng cuối thai kỳ, đột ngột thai phụ bị ra huyết đỏ tươi, có thể nhiều hoặc ít, đông cục lại, không kèm theo đau bụng.
Triệu chứng ra huyết âm đạo có thể lập lại nhiều lần và lần sau thường ra huyết nhiều hơn lần trước
Nếu thai phụ đi lại nhiều, làm việc nặng, giao hợp…thì dễ bị ra huyết hơn.

Làm thế nào để phát hiện nhau tiền đạo trước sanh?
Hiện nay phương pháp an toàn và được dùng nhiều nhất tại Việt Nam là siêu âm.
Có thể phát hiện sớm từ tuần lễ thứ 20 của thai kỳ nhờ vào siêu âm.
Qua siêu âm, ngoài việc khảo sát hình thái thai nhi, ước tính trọng lượng qua các số đo… bác sĩ có thể xác định vị trí bánh nhau bám vào tử cung: ở đáy, thân, mặt trước, mặt sau, bám thấp, tiền đạo trung tâm hay bán trung tâm.

Tại sao phụ nữ mang thai bị nhau tiền đạo?
Nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, người ta thấy thường gặp nhau tiền đạo ở những người:
- Sanh nhiều lần.
- Nạo thai, sẩy thai nhiều lần.
- Viêm nhiễm tử cung trước đó.
- Có nhau tiền đạo lần mang thai trước.
- Tuy nhiên, ở những người có thai lần đầu vẫn có thể bị nhau tiền đạo.

Những ảnh hưởng của nhau tiền đạo trên mẹ và thai là gì?
Ảnh hưởng trên mẹ: Ra huyết âm đạo gây thiếu máu. Nếu ra huyết nhiều có khi gây tử vong.
Ảnh hưởng trên thai:
- Do mẹ bị thiếu máu vì ra huyết nhiều nên thai nhi dễ suy dinh dưỡng, suy thai.
- Khi mẹ bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ nên bác sĩ phải mổ lấy thai sớm không kể đến thai đủ tháng hay chưa. Khi đó khả năng thai non tháng rất cao và bé dễ bị suy hô hấp vì non tháng và tử vong.
Vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang…

Cần phải làm gì khi đuợc chẩn đoán nhau thai tiền đạo?
•    Nếu có ra huyết âm đạo: Cần phải vào bệnh viện có khoa sản gần nhất để được điều trị.
•    Tùy theo mức độ ra huyết và sự trưởng thành của thai nhi mà bác sĩ sẽ quyết định chấm dứt thai kỳ hay dưỡng thai thêm.
•    Nếu được dưỡng thai thêm: thai phụ cần nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, ăn uống bổ dưỡng.
•    Nếu không ra huyết âm đạo và thai nhi còn non tháng: nghỉ ngơi, hạn chế đi lại, tránh đi chơi xa, không làm việc nặng, kiêng giao hợp.
•    Không ra huyết âm đạo và thai lớn hơn hoặc bằng 37 tuần: vào bệnh viện có khoa sản.

Có phải mổ lấy thai cho tất cả các trường hợp nhau tiền đạo?
Không phải mổ lấy thai cho tất cả các trường hợp nhau tiền đạo. Chỉ cần mổ lấy thai cho những trường hợp:
•    Nhau tiền đạo ra huyết nhiều bất kể tuổi thai.
•    Nhau tiền đạo trung tâm và thai đủ trưởng thành (có khả năng sống được khi ra khỏi buồng tử cung).
•    Nhau tiền đạo bám trung tâm.
Còn những trường hợp nhau bám thấp hay bám mép có thể sanh ngã âm đạo được nếu không kèm một bất thường nào khác.
Có những trường hợp ở tuần 27 của thai kỳ là nhau tiền đạo trung tâm nhưng đến khi thai đủ trưởng thành nhau lại chỉ bám thấp và vẫn có thể sanh ngã âm đạo được. Do đó, bác sĩ sẽ cho thai phụ siêu âm kiểm tra lại vị trí bánh nhau trước khi quyết định cách sanh.

Làm gì để dự phòng nhau tiền đạo?
- Không nên sanh đẻ nhiều.
- Không nạo phá thai nhiều lần.


Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp: Phẫu thuật thành công sản phụ bị nhau tiền đạo trung tâm
Thành Tín