Monday, 10/07/2023, 15:06 GMT+7
*Bài viết được tư vấn chuyên môn từ Bác sĩ CKI Lê Quốc Nam - Bác sĩ khoa Nội BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp.
Theo tổ chức đột quỵ thế giới thì đột quỵ là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 trên thế giới và là nguyên nhân đứng đầu gây tàn phế. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 17 triệu người bị đột quỵ và cứ mỗi 6 giây có 1 người chết vì đột quỵ. Theo số liệu năm 2022 của tổ chức y tế thế giới thì trong 4 người sẽ có 1 người bị đột quỵ trong tương lai. Cho nên chúng ta cần hiểu rõ đột quỵ là gì và cách phòng ngừa đột quỵ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người bệnh.
1. Đột quỵ là gì ?
Đột quỵ còn được gọi là tai biến mạch máu não. Bệnh thường xảy ra một cách đột ngột, nguyên nhân là do nguồn máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, bị gián đoạn hoặc suy giảm. Lúc này, não sẽ bị thiếu dinh dưỡng và oxi, các tế bào não sẽ chết dần trong vài phút. Đột quỵ có hai dạng chính là:
- Đột quỵ xuất huyết: là tình trạng chảy máu não do mạch máu bị vỡ gây nên.
- Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: tình trạng này, các mạch máu bị tắc nghẽn do các cục máu đông khiến máu không lưu thông được.
Trong đó, khoảng 80% các ca đột quỵ là do thiếu máu cục bộ, 20% còn lại là đột quỵ do vỡ mạch máu ở não.
Ảnh minh họa đột quỵ
2. Triệu chứng của đột quỵ là gì ?
Ảnh minh họa dấu hiệu của đột quỵ
Quy tắc FAST là một trong những cách giúp nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ nhanh nhất và xử lý đúng.
- F (face): bệnh nhân có thể bị méo miệng, liệt mặt, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười khuôn mặt bị mất cân đối.
- A (arm): yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó thì có khả năng người đó bị đột quỵ.
- S (speech): gặp tình trạng khó nói, nói ngọng, dính chữ. Đề nghị bệnh nhân lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có hiểu không? Có lặp lại được không? Nghe xem có bị đớ, ngọng hay dính chữ không? Nếu có thì người đó có dấu hiệu bị đột quỵ.
- T (time): khi một người có những triệu chứng trên thì rất có thể họ đã bị đột quỵ, vì vậy hãy gọi ngay cấp cứu (115) hoặc đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất có điều trị đột quỵ.
Nhận biết nhanh đột quỵ bằng ba triệu chứng
3. Làm gì để phòng tránh đột quỵ
- Biết mình có tăng huyết áp không: kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần mỗi năm nếu bình thường. Nếu tăng huyết áp, khám điều trị để kiểm soát tốt huyết áp.
- Khám tim xem có bị rung nhĩ hay các loại bệnh tim khác không. Nếu có vấn đề tim mạch phải khám điều trị ngay và thường xuyên.
- Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ ngay.
- Nếu có uống rượu bia, chỉ uống rất điều độ tối đa 1 chun rượu nhỏ hoặc 1 lon bia mỗi ngày.
- Nếu có tăng cholesterol: tập luyện, tiết chế ăn uống và uống thuốc theo toa.
- Nếu có đái tháo đường: khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết thật tốt.
- Năng vận động, tránh ngồi một chỗ nhiều, tập thể dục đều đặn
- Chế độ ăn ít muối (tránh ăn mặn), ít mỡ béo
Lưu ý: điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim phải liên tục suốt đời.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp với đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và các trang thiết bị y tế hiện đại có thể tầm soát hiệu quả các nguy cơ từ đột quỵ. Đây là tiền đề giúp ngăn ngừa những biến chứng phát sinh do đột quỵ từ rất sớm. Quý khách hàng có nhu cầu thực hiện tầm soát đột quỵ có thể tham khảo gói khám tầm soát đột quỵ tại đây. Để được tư vấn và thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài: 02773.875.993.