*Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Trần Thị Ngọc Huệ - Bác sĩ Chuyên khoa I Nội tiêu hóa Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp.
Hiện nay viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa ngày càng phổ biến. Khi phát hiện sớm, bệnh dễ dàng được chữa khỏi; nhưng khi để kéo dài, bệnh sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như chảy máu dạ dày, thủng dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí là ung thư dạ dày. Việc hiểu biết rõ bệnh viêm loét dạ dày là điều cần thiết để phòng và trị bệnh hiệu quả hơn.
1. Viêm loét dạ dày là gì ?
Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương viêm sưng, loét dần tạo thành những vết loét gây biến chứng. Có 2 loại là viêm dạ dày cấp và mạn:
- Viêm loét dạ dày cấp: là biểu hiện sưng, viêm đột ngột ở niêm mạc dạ dày, xuất hiện những cơn đau dữ dội và theo từng đợt ngắn
- Viêm loét dạ dày mạn: viêm loét dạ dày cấp tính không được điều trị sẽ khiến tình trạng viêm sưng kéo dài, sau một thời gian sẽ chuyển sang mãn tính. Các tổn thương lan tỏa, có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm như: viêm teo, hẹp môn vị, xuất huyết, thủng, ung thư dạ dày.
Bệnh viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày cấp hoặc mạn tính có ảnh hưởng lớn đến một bộ phận quan trọng làm nhiệm vụ thực dưỡng cho cơ thể. Loét dạ dày là vết loét hở vi khuẩn có thể lây nhiễm dễ dàng, vì vậy chúng ta không nên xem thường nó. Đặc biệt là khi viêm loét dạ dày mạn tính, nó bào mòn lớp niêm mạc dạ dày gây ra dị sản hoặc loạn sản. Đây chính là các thay đổi tiền ung thư trong tế bào và sẽ dẫn đến ung thư nếu không được điều trị.
Bệnh viêm loét dạ dày, tá tràng có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào kể cả nam và nữ, thường gặp ở người trên 50 tuổi. Một số người có nguy cơ cao dễ mắc viêm loét dạ dày như:
- Người thường xuyên hút thuốc lá, thường xuyên uống rượu hay các thức uống có cồn khác.
- Thường xuyên rơi vào tình trạng, căng thẳng, lo lắng
- Người có chế độ ăn uống và sinh hoạt không điều độ
2. Các triệu chứng và dấu hiệu của viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ thường có nhiều triệu chứng và dấu hiệu tương tự như các bệnh đường tiêu hóa khác. Một số dấu hiệu tiêu biểu nghi ngờ mắc bệnh viêm loét dạ dày như:
- Cảm giác nóng rác, cồn cào và đau vùng thượng vị
- Đầy hơi, khó tiêu
- Thường buồn nôn hay nôn
- Ợ hơi, ợ chua
- Cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn và còn đau
- Có thể mệt, mỏi, suy nhược
- Đi cầu phân đen hoặc ra máu
- Sụt cân nhanh
3. Biến chứng của viêm loét dạ dày
Bệnh nhân bị viêm loét dạ dày nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư dạ dày. Một số biến chứng thường gặp là:
- Chảy máu dạ dày hay xuất huyết tiêu hóa: là biến chứng thường gặp nhất. Khi bị chảy máu dạ dày khiến người bệnh mất máu, chóng mặt, da nhợt nhạt, nôn ra máu hay đại tiện ra máu (phân có màu đen).
- Thủng dạ dày là khi ổ loét ăn sâu và ăn hết thành dạ dày tạo thành lỗ thủng khiến bệnh nhân đau bụng, đột ngột, dữ dội và có thể phải gọi cấp cứu.
- Hẹp môn vị là biến chứng có những biểu hiện như bệnh nhân đau bụng và nôn ói rất dữ dội, bụng óc ách thức ăn cũ, sụt cân nhanh.
- Ung thư dạ dày là biến chứng rất đáng lo lắng của viêm loét dạ dày đặc biệt là do nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori).
Viêm loét dạ dày gây nhiều biến chứng
4. Biện pháp phòng ngừa viêm loét dạ dày
Viêm loét dạ dày là một chứng bệnh khó chịu và dai dẳng, tuy nhiên chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng những cách sau:
- Bỏ hút thuốc lá, tránh uống nhiều rượu bia và caffein.
- Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, tránh tình trạng căng thẳng, lo âu,... kéo dài.
- Vận động phù hợp, tập thể dục, thể thao đều đặn tăng cường sức khỏe.
- Hạn chế thuốc, kháng viêm, giảm đau, Ibuprofen, aspirin,...
- Duy trì và thực hiện một lối sống lành mạnh, sử dụng một chế độ ăn uống bổ dưỡng, cân bằng giàu trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt sẽ giúp cho chúng ta ngăn ngừa bệnh loét dạ dày, cải thiện đáng kể tình trạng sức khỏe của chính mình.
- Hạn chế ăn các loại đồ ăn sống như rau sống, gỏi và các loại thức ăn lên men như mắm tôm, mắm ruốc, vì đa số loại thực phẩm này không được vệ sinh sạch sẽ, dễ gây ra các bệnh đường tiêu hóa, trong đó có nhiễm vi khuẩn HP.
- Ăn cháo, uống sữa, hạn chế ăn thức ăn chế biến ngoài hàng quán.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
Bệnh viêm loét dạ dày ở thời kỳ sớm và được phát hiện kịp thời sẽ dễ dàng điều trị. Nếu để bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính thì sẽ khó chữa khỏi dứt điểm và thường gây các biến chứng đáng tiếc. Do vậy, khi chúng ta phát hiện ra những dấu hiệu hay triệu chứng nghi ngờ mình có khả năng bị viêm loét dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện, phòng khám gần nhất để được chẩn đoán; đồng thời có các phương pháp, phác đồ điều trị bệnh thích hợp.
Lê Trần Ân
Phòng Kinh Doanh Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp