Thursday, 04/07/2019, 08:16 GMT+7
Khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm các bệnh lý còn trong giai đoạn tiềm ẩn và có kế hoạch điều trị sao cho phù hợp nhất. Nhưng khám sức khỏe tổng quát là cần khám những gì không phải ai cũng biết đâu nhé!
Những điều cần biết khi khám sức khỏe tổng quát
Tài sản quý giá nhất của con người đó chính là sức khỏe, nhưng nhiều người khá chủ quan để “bệnh rồi mới đi khám”. Vì thế mà có nhiều căn bệnh mãi đến giai đoạn cuối mới được chữa trị.
Theo các bác sĩ, khám sức khỏe tổng quát định kỳ là nhằm phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm để có hướng điều trị hiệu quả hơn, đặc biệt là đối với những chứng bệnh nguy hiểm như: viêm gan siêu vi B và C, ung thư (vú, cổ tử cung, tiền liệt tuyến, gan, đường tiêu hoá, buồng trứng, phổi…), tăng huyết áp, tiểu đường, loãng xương. rối loạn mỡ máu. suy thận...
Tùy theo giới tính, tuổi tác, các yếu tố nguy cơ về gia đình, bản thân, nghề nghiệp, hoàn cảnh kinh tế, điều kiện tài chính... của mỗi người mà lịch khám sức khỏe định kỳ sẽ khác nhau và các xét nghiệm cũng không giống nhau.
Theo tư vấn của các bác sĩ, từ 18-24 tuổi, cứ mỗi 5 năm đi khám sức khỏe tổng quát một lần. Sau 30 tuổi, mỗi 3 năm. Từ 40-60 tuổi thì cách 1 năm. Ngoài 60 tuổi, nên khám tổng quát hằng năm. Tuy nhiên, các bác sĩ khuyên nếu có điều kiện, tốt nhất tất cả mọi người nên đi kiểm tra sức khỏe hằng năm, như thế sẽ an toàn, yên tâm hơn cho mỗi chúng ta. Đặc biệt, Những người chuẩn bị kết hôn cũng nên sử dụng gói khám sức khỏe tổng quát vì sẽ được đánh giá tình trạng sức khỏe chung như tim mạch, tiêu hóa, hô hấp … các bệnh lây nhiễm HIV, viên gan siêu vi B, giang mai; … và được tư vấn cách phòng ngừa, điều này sẽ giúp bạn yên tâm hơn trong đời sống hôn nhân gia đình.
Các cặp đôi nên khám sức khỏe tổng quát trước khi kết hôn
KHÁM SỨC KHỎE TỔNG QUÁT LÀ KHÁM NHỮNG GÌ?
1. Khám tổng quát: Chiều cao, cân nặng, huyết áp...
Thao tác đầu tiên trong khám tổng quát là đo chiều cao và cân nặng. Từ đó, chúng ta có thể tính chỉ số BMI (chỉ số khối cơ thể) để xem cân nặng có đạt mức lý tưởng chưa. Nếu chưa, chúng ta có thể tự điều chỉnh chế độ ăn uống để có chỉ số phù hợp. Theo khuyến cáo, chỉ số cân nặng lý tưởng đồng nghĩa với việc cơ thể có thể hạn chế đến mức tối đa nguy cơ bệnh tật.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ thực hiện đo huyết áp. Huyết áp trung bình của cơ thể chúng ta là 120/80 mmHg. Như vậy, nếu biết huyết áp cao hay thấp, chúng ta sẽ có phương pháp điều trị thích hợp. Hơn nữa, thông qua huyết áp, bác sĩ có thể phần nào biết được tình trạng tim mạch của bạn như thế nào.
2. Xét nghiệm công thức máu
Xét nghiệm công thức máu nhằm xác định định lượng các thành phần của máu (hồng cầu, bạch cầu..) và một số tính chất của chúng (ví dụ như độ lớn, lượng hêmôglôbin) trong mẫu thử máu thường lấy ra từ mạch máu gần khuỷu tay. Nó cho ta biết cơ thể có gì bất thường không: bị nhiễm trùng, bệnh ung thư máu… Ngoài số lượng hồng cầu, bạch cầu, người ta còn đếm số lượng bạch cầu trung tính và bạch huyết bào.
3. Đo đường máu
Xét nghiệm đo đường máu giúp xác định nồng độ đường trong máu (nhằm xác định nguy cơ mắc bệnh tiểu đường). Việc lấy máu phải được thực hiện sau ít nhất 8 giờ nhịn đói. Chế độ ăn những ngày trước khi làm thử nghiệm phải bình thường. Không được hút thuốc trước khi lấy máu.
4. Xét nghiệm mỡ máu
Nhằm đo hàm lượng cholesterol và triglycerid, trong đó có lượng cholesterol toàn phần, LDL (cholesterol xấu) và HDL (cholesterol tốt). Xét nghiệm này giúp chẩn đoán tăng cholesterol máu được đặt ra nếu hàm lượng chất này trong máu cao hơn 2,50 g/l. Triglycerid được coi là cao nếu tăng quá 2 g/l.
5. Xét nghiệm men gan
Đó là các men alanine amino transferase (ALAT hoặc SGPT) và men aspartate amino transferase (ASAT hoặc SGOT). Những thông số này cho phép chẩn đoán bệnh ở gan (do virus, rượu hoặc ung thư), tuy nhiên nồng độ các men này cũng tăng ở bệnh viêm tuyến tụy hoặc nhồi máu cơ tim.
6. Xét nghiệm nước tiểu
Xét nghiệm này cho thông tin không chỉ về hoạt động của thận, mà qua đó còn biết về hoạt động của các bộ phận khác (ví dụ gan và tụy). Nó cũng cho biết trong hệ thống bài tiết nước tiểu có viêm nhiễm không.
Ngoài ra, còn một số xét nghiệm nên làm định kỳ như: xét nghiệm kiểm tra chức năng thận, kiểm tra axit uric, các xét nghiệm chẩn đoán ung thư sớm…
7. Siêu âm
Thường khi đi khám sức khỏe, bác sĩ sẽ cho chúng ta làm siêu âm tim, bụng tổng quát (bao gồm gan, túi mật...). Kết quả siêu âm tim cho ta biết: chức năng co giãn của tim, các van tim có bị tổn thương không, đóng mở van có bình thường không và độ rộng của lỗ van tim, van đóng kín hay hở, độ hở hay hẹp là bao nhiêu... từ đó giúp tiên lượng và có cách xử trí theo mức độ. Còn siêu âm bụng tổng quát sẽ cho chúng ta biết được tình trạng của các bộ phận trong cơ thể, xem túi mật có sỏi hay không... Bên cạnh siêu âm, chúng ta còn được đo điện tim để phát hiện những bệnh lý tim mạch.
8. Chụp X-quang
Đây là một phương pháp tốt cho việc chẩn đoán, giúp các bác sĩ thấy được bên trong cơ thể bạn, từ đó chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Thông thường, chúng ta sẽ chụp X-quang tim, phổi để biết rõ hơn tình trạng bệnh của mình. Hầu hết chúng ta chỉ chụp X-quang khi bác sĩ yêu cầu, trong trường hợp cần chẩn đoán bệnh hoặc xem xét một vài biến đổi bất thường ở bộ phận nào đó trong cơ thể.
Một vài lưu ý khi đi khám tổng quát
Theo tư vấn của các bác sĩ chuyên khoa hàng đầu, bệnh nhân cần chú ý những điều này trước khi đi khám tổng quát:
- Nhịn ăn 10 tiếng trước khi kiểm tra sức khỏe. Có nghĩa là chúng ta sẽ không ăn, không uống gì, chỉ được nhấp một ít nước lọc. Làm như vậy sẽ giúp kết quả xét nghiệm glucose và cholesterol chính xác hơn.
- Trong trường hợp muốn làm kiểm tra phân, không nên ăn thịt có màu đỏ và uống thuốc sắt trước 3 ngày kiểm tra.
- Đối với chụp X-quang, chúng ta cũng nên lưu ý một số điều: Phụ nữ đang mang thai, cần thông báo cho bác sĩ biết. Vào ngày kiểm tra, không nên đeo các loại nữ trang vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến phim X-quang.
- Phụ nữ nên khám thêm phụ khoa và cánh mày râu nên khám thêm niệu khoa để tầm soát ung thư cổ tử cung và ung thư tuyến tiền liệt.
Khám sức khỏe tổng quát được kiểm chứng là phương pháp bảo vệ an toàn cho sức khỏe của bạn, bởi qua quá trình thực hiện nếu cơ thể của khách hàng có phát sinh vấn đề gì không tốt sẽ được kịp thời phát hiện. Có rất nhiều trường hợp may mắn thoát khỏi bệnh hiểm nghèo nhờ thường xuyên đi khám tổng quát. Đừng ngần ngại, hãy chăm sóc cho sức khỏe của bạn ngay hôm nay, có sức khỏe rồi làm việc gì cũng dễ dàng may mắn và thành công hơn.