Tuesday, 15/04/2025, 14:48 GMT+7
Khuyến cáo về chăm sóc sức khỏe học sinh/sinh viên trong trường học
1. KHUYẾN CÁO VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE MÙA NẮNG NÓNG
- Hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng nóng, đặc biệt từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Khi đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột, nên tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời để cơ thể thích nghi với môi trường bên ngoài.
- Mặc quần áo sáng màu, thoáng mát và thấm mồ hôi.
- Tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hàng ngày.
- Đặc biệt cần uống tối thiểu 1,5 – 2 lít nước/ ngày, uống nhiều lần trong ngày, không uống quá nhiều trong một lần.
- Rèn luyện thân thể để nâng cao sức đề kháng và sức chống chịu của bản thân với điều kiện thời tiết nắng nóng.
2. KHUYẾN CÁO VỀ PHÒNG BỆNH KHI THỜI TIẾT TRỞ LẠNH
- Hạn chế đi ra ngoài trời khi thời tiết quá lạnh và gió mạnh, đặc biệt trong khoảng thời gian từ 9 giờ đêm đến 6 giờ sáng. Khi ra ngoài thì nên trang bị đủ trang phục ấm che chắn được gió lùa như áo khoác, quần dài đủ dầy để giữ nhiệt, khăn choàng, mũ, găng tay, tất, khẩu trang, …
- Luôn giữ cơ thể khô ráo, tránh bị ẩm ướt đặc biệt là vùng cổ, tay, chân mỗi khi ra đường và khi ngủ để hạn chế các bệnh do cảm lạnh.
- Tránh tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp than, không nên uống rượu bia, đồ uống có chứa chất kích thích.
- Không nên tắm khuya sau 22 giờ, tắm quá lâu hoặc tắm nơi không kín gió vì dễ bị sốc nhiệt, nguy hiểm đến tính mạng. Nên sử dụng nước ấm để tắm, vệ sinh thân thể. Cần vệ sinh miệng, họng sạch sẽ thường xuyên hằng ngày như đánh răng đều đặn trước và sau khi ngủ dậy, súc miệng bằng nước ấm có pha muối loãng giúp sát trùng cổ, họng và hạn chế viêm họng. Thường xuyên rửa tay với xà phòng để loại bỏ vi khuẩn.
- Tiêm vắc xin để phòng ngừa bệnh cúm.
- Ăn, uống đủ chất đảm bảo năng lượng cho cơ thể chống rét. Tránh ăn uống đồ lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh ra vì dễ làm cơ thể nhiễm lạnh.
- Rèn luyện thân thể, tập thể thao thường xuyên.
3. KHUYẾN CÁO VỀ SAY NẮNG, SAY NÓNG
- Say nắng, say nóng là tình trạng rối loạn cân bằng nước, điện giải toàn thân, rối loạn điều hòa thân nhiệt do nắng nóng, từ đó dẫn tới những rối loạn bệnh lý khác. Say nắng, say nóng hay xảy ra khi hoạt động ngoài trời: thể thao, đi dã ngoại, hoặc các sinh hoạt lao động ngoài đồng. Liên quan đến thời tiết nhất là vào mùa hè.
- Mức độ nhẹ: choáng váng, chuột rút.
- Mức độ vừa (Kiệt sức do nóng): Mất khả năng gắng sức, trạng thái tâm thần kinh bình thường.
Xử trí: Nằm nghỉ ngơi tư thế đầu thấp trong bóng mát. Cởi bỏ quần áo ngoài. Tăng cường làm mát cơ thể. Giảm co cứng cơ: Ngừng hoạt động, duỗi cơ và xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ bị chuột rút. Bù nước điện giải: Uống oresol, nước mát.
- Mức độ nặng (Đột quỵ do nóng): Tăng nhiệt độ cơ thể ≥40℃ kèm theo các biểu hiện rối loạn hệ thống thần kinh trung ương, có thể dẫn đến suy đa phủ tạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Xử trí: Gọi ngay xe cấp cứu/đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Trong lúc chờ xe cấp cứu đến cần nhanh chóng làm các biện pháp sau:
+ Đưa người bệnh vào bóng râm, cởi bớt quần áo. Tưới nước mát, đắp khăn ướt lên người. Dùng quạt để hạ thân nhiệt. Đặt túi chườm đá ở nách, bẹn, hai bên cổ.
+ Cho uống nước mát/lạnh/oresol nếu người bệnh còn tỉnh táo. Theo dõi thân nhiệt, làm mát liên tục cho đến khi thân nhiệt xuống dưới 39°C. Tiến hành hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực nếu người bệnh ngừng thở, ngừng tim.
Các biện pháp phòng tránh
- Hạn chế ra ngoài khi trời nắng, nóng. Trường hợp bắt buộc, phải đội mũ, đeo kính, mặc quần áo chống nắng.
- Sắp xếp lịch luyện tập, lao động vào thời gian mát mẻ trong ngày; thường xuyên nghỉ giải lao khi hoạt động lâu dưới ánh nắng mặt trời hoặc trong môi trường nóng bức.
- Uống nước lọc/trái cây/muối loãng/oresol thường xuyên ngay cả khi chưa cảm thấy khát, đặc biệt là những người luyện tập, lao động ngoài trời.
- Ăn nhiều chất bổ dưỡng, hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
4. KHUYẾN CÁO PHÒNG BỆNH KHI TẬP TRUNG ĐÔNG NGƯỜI
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang khi đến cơ sở y tế, nơi tập trung đông người.
- Che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối.
- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất.
- Tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng.
- Tiêm vắc xin phòng cúm mùa, sởi, thủy đậu, …
- Hạn chế tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.
- Khi có triệu chứng bất thường: ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, … cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời./.