Permanent Doctor 096 242 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Những điều cần biết về đái tháo đường ở phụ nữ mang thai

Monday, 19/06/2023, 08:53 GMT+7

Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán vào giai đoạn 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Bệnh không bắt buộc sản phụ có tiền sử đái tháo đường típ 1, típ 2 trước đó. Trong 3 tháng đầu, nếu phụ nữ mang thai được phát hiện tăng glucose huyết sẽ được chẩn đoán như sau ĐTĐ chưa được chẩn đoán hoặc chưa được phát hiện và dùng tiêu chuẩn chẩn đoán ĐTĐ sẽ như người không có mang thai.

1. Sản phụ nào có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ?

Nếu như bạn có các dấu hiệu dưới đây thì bạn đã có nguy cơ trung bình bị đái tháo đường thai kỳ: là những người thổ dân da đỏ, thuộc chủng tộc Châu Á, người dân đảo thuộc Thái bình dương, vùng Trung Đông,người Châu Phi không thuộc chủng tộc da trắng,... hoặc chỉ số khối của cơ thể (BMI) từ 25 – 35 kg/m2. 

Sản phụ có nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ

Bạn được xếp vào nhóm có yếu tố nguy cơ bị đái tháo đường thai kỳ cao nếu bạn có một trong các dấu hiệu sau: chỉ số khối của cơ thể (BMI) lớn hơn 35kg/m2, thuốc an thần kinh, đã từng sử dụng các thuốc như corticosteroid, tiền sử sinh con to, hội chứng buồng trứng đa nang ,có từ 2 yếu tố nguy cơ trung bình trở lên.

2. Nên tầm soát đái tháo đường vào giai đoạn nào của thai kỳ

Nếu như bạn đã  thuộc vào nhóm nguy cơ trung bình bị đái tháo đường thai kỳ, vào lần thăm khám đầu tiên khi phát hiện mang thai, bạn sẽ được bác sĩ kiểm tra đường huyết đói.

Nếu kết quả xét nghiệm gợi ý, bạn sẽ được bác sĩ thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75 gram glucose) sử dụng ngưỡng cho người không mang thai. Nếu kết quả xét nghiệm của bạn vượt mức chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ trong tam cá nguyệt đầu tiên, tình trạng ĐTĐ thai kỳ của bạn sẽ được xem là tồn tại từ trước khi mang thai.

Ảnh minh hoạ tầm soát đái tháo đường thai kỳ

Nếu bạn rơi vào nhóm có nguy cơ cao bị đái tháo đường thai kỳ, bạn sẽ được bác sĩ cho thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose (uống 75 gram glucose) ở lần thăm khám thứ nhất khi phát hiện mang thai và cũng sẽ sử dụng ngưỡng cho người không mang thai.

Những thai phụ rơi vào nhóm có nguy cơ trung bình, thậm chí có nguy cơ cao nhưng có kết quả nghiệm pháp dung nạp glucose bình thường ở giai đoạn sớm của thai kỳ sẽ được bác sĩ cho làm lại nghiệm pháp dung nạp glucose ở thời điểm thai từ 24 – 28 tuần.

Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu gợi ý, nghiệm pháp này sẽ được thực hiện ở thời điểm sớm hơn trong quá trình mang thai.

3. Phương pháp chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ?

Ở Việt Nam, hầu hết bác sĩ đều sử dụng nghiệm pháp dung nạp glucose với 75 gram glucose. Bạn sẽ được thử đường huyết khi bạn đang đói bụng, sau đó bạn sẽ được uống 75 gram glucose và thử đường huyết vào thời điểm 1 giờ và 2 giờ sau khi uống. Đái tháo đường thai kỳ sẽ được chẩn đoán nếu có bất kỳ trị số đường huyết nào vượt mức sau: Đường huyết 2 giờ sau uống glucose ≥ 153mg/dl (8.5 mmol/l); Đường huyết đói ≥ 92 mg/dl (5.1 mmol/l); Đường huyết 1 giờ sau uống glucose ≥ 180 mg/dl (10.0 mmol/l).Lưu ý là bạn cần phải nhịn đói ít nhất 8 giờ và không vượt quá 14 giờ trước khi thực hiện nghiệm pháp. 

Ảnh minh họa chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ

4. Sự nguy hiểm của đái tháo đường thai kỳ?

4.1. Với sản phụ

Thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ có thể làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai, sinh non, thai chết lưu, tăng huyết áp trong thai kỳ, nước ối quá nhiều, viêm đài bể thận, mổ lấy thai, nhiễm trùng tiết niệu. Về sau, các thai phụ mắc ĐTĐ thai kỳ tăng nguy cơ đái tháo đường typ 2 và biến chứng khác đặc biệt là các biến chứng tim mạch. Thai phụ mắc ĐTĐ thai kỳ có nguy cơ xảy ra các tai biến trong quá trình mang thai cao hơn các thai phụ bình thường.

  • Cao huyết áp

Thai phụ mắc ĐTĐ thai kỳ dễ bị tăng huyết áp hơn các thai phụ khác. Tăng huyết áp trong thai kỳ có thể gây ra nhiều biến chứng cho thai nhi và cả thai phụ như: tiền sản giật, sản giật, suy thận, suy gan, tai biến mạch máu não, thai chậm phát triển trong tử cung, sinh non và tăng tỷ lệ chết chu sinh. Tỷ lệ các thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ bị tiền sản giật khoảng 12% cao hơn so với các thai phụ không bị đái tháo đường thai kỳ. Vì vậy trong mỗi lần khám thai định kỳ, việc theo dõi cân nặng, tìm protein niệu, đo huyết áp thường xuyên cho các thai phụ ĐTĐ thai kỳ là việc làm rất cần thiết.

  • Sinh non

Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao hơn so với các thai phụ bình thường. Nguyên nhân dẫn đến sanh non là: nhiễm trùng tiết niệu, kiểm soát glucose huyết muộn, tiền sản giật, đa ối, tăng huyết áp.

Thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ sinh non cao

  • Nhiễm khuẩn niệu

Nếu kiểm soát glucose huyết tương không tốt, thai phụ mắc đái tháo đường thai kỳ sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn niệu . Nhiễm khuẩn niệu có thể không có triệu chứng lâm sàng, nhưng làm cho glucose huyết tương của thai phụ mất cân bằng, dễ dẫn tới viêm đài bể thận cấp nếu không được điều trị, từ đó gây ra rất nhiều các tai biến khác như: nhiễm trùng ối, sinh non,...

  • Ảnh hưởng về lâu dài

Tương lai của các thai phụ có tiền sử đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ cao diễn tiến thành đái tháo đường typ 2 và những thai phụ này cũng có nguy cơ cao bị đái tháo đường trong những lần mang thai tiếp theo. Họ cũng dễ bị tăng cân quá mức sau sinh, béo phì nếu không có chế độ ăn và luyện tập thích hợp.

4.2. Với thai nhi

Con của những thai phụ bị đái tháo đường thai kỳ kiểm soát kém dễ bị to hơn bình thường (trên 4000 gram), tăng bilirubin máu, hạ đường huyết sau sanh, đẻ khó do kẹt vai,...

Trong đó, biến chứng thường gặp nhất, chiếm tỷ lệ 15 – 45% là con to, biến chứng tăng bilirubin máu chiếm tỷ lệ 10 – 13%. Hạ đường huyết sau sanh có tỷ lệ 3 – 5% và là nguyên nhân làm tăng nguy cơ co giật. Một biến chứng hiếm gặp là đẻ khó do kẹt vai, nhưng nguy hiểm vì nó có thể làm tổn thương đám rối thần kinh cánh tay, ảnh hưởng đến cảm giác, vận động cánh tay của trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, về lâu dài trẻ sẽ bị rối loạn đường huyết, tăng huyết áp,  đái tháo đường typ 2, rối loạn mỡ máu và béo phì hơn những trẻ bình thường.

5. Điều trị đái tháo đường thai kỳ

Để bảo vệ sức khỏe bản thân và thai nhi khi đã được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ, bạn cần kiểm soát lượng đường trong máu và duy trì ở mức an toàn (4). Để làm được, bạn cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống như:

  • Tuân thủ chế độ ăn có lợi cho người bệnh đái tháo đường

Chế độ này phải đáp ứng hai yêu cầu: duy trì ở giới hạn an toàn lượng đường trong máu, đồng thời vẫn cung cấp đủ chất dinh dưỡng và calo cho sự phát triển của thai nhi.

Bên cạnh đó, bạn nên duy trì cân nặng hợp lý, tránh tăng cân quá mức trong thai kỳ bằng cách dung nạp lượng calo vừa đủ, từ 2.200 – 2.500/ngày nếu có cân nặng trung bình. Nếu bạn thừa cân, con số này sẽ giảm xuống khoảng 1.800 calo/ngày.

  • Tập thể dục nhiều hơn

Bác sĩ có thể đề nghị tập thể dục nhiều hơn nếu sức khỏe của thai phụ và em bé đều ổn. Điều này sẽ giúp cơ thể sản xuất, sử dụng insulin hiệu quả hơn, từ đó kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Cố gắng thực hiện đều đặn các bài tập ở mức độ nhẹ đến trung bình trong 15 – 30 phút. Hãy hỏi ý kiến chuyên gia nếu bạn chưa rõ về những bài tập phù hợp với mình.

Tập thể dục hỗ trợ điều trị đái tháo đường thai kỳ

  • Kiểm tra lượng đường trong máu

Để đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị, xem cơ thể có đáp ứng tốt với phác đồ của bác sĩ hay không. Thai phụ sẽ được hướng dẫn cách tự kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên, trước và sau bữa ăn 1 – 2 giờ.

  • Uống thuốc

Nếu thai phụ đã thay đổi lối sống, chế độ ăn theo chỉ dẫn của bác sĩ mà lượng đường trong máu của bạn vẫn cao, bạn sẽ được kê toa thuốc tiểu đường nhằm kiểm soát lượng đường trong máu và bảo vệ thai nhi.  Một liệu pháp được cân nhắc sử dụng khác  là tiêm insulin.

Bệnh đái tháo đường thai kỳ nếu không được theo dõi và điều trị tốt, nó có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho cả thai phụ và thai nhi. Do đó, việc có kế hoạch tầm soát, chẩn đoán và điều trị đái tháo đường thai kỳ phù hợp đóng vai trò rất quan trọng vì có thể giúp theo dõi, điều trị kịp thời.

Phú An - Khoa Dược
Lê Trần Ân - Phòng Kinh doanh

TAG: