Permanent Doctor 096 242 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Rối loạn tiêu hóa: Nguyên nhân và hướng điều trị

Tuesday, 24/10/2023, 16:04 GMT+7

*Bài viết được tư vấn chuyên môn từ Bác sĩ CKI Trần Thị Ngọc Huệ - Chuyên Khoa Nội tiêu hóa BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp

Rối loạn tiêu hóa là một phản ứng bất thường xảy ra ở hệ tiêu hóa và có thể gặp ở mọi lứa tuổi và giới tính. Thông thường, rối loạn tiêu hóa sẽ không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nó khiến người bệnh khó chịu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống. Vì vậy, việc biết rõ nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị là điều cần thiết giúp bạn phòng và chữa bệnh một cách hiệu quả nhất. 

1. Rối loạn tiêu hóa là gì?

Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng xảy ra do sự co thắt bất thường của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa, làm cho bệnh nhân rơi vào tình trạng đau bụng, khó tiêu, buồn nôn, rối loạn các chức năng đại tiện,... 

Rối loạn tiêu hóa không phải là bệnh lý mà là hậu quả của một số nguyên nhân như viêm đại tràng, loạn khuẩn đường ruột, chế độ ăn uống không khoa học… Nếu để tình trạng rối loạn kéo dài và không được điều trị, có thể dẫn đến các biến chứng như: hội chứng ruột kích thích, viêm loét dạ dày, ung thư đại tràng…

Rối loạn tiêu hóa làm bệnh nhân bị đau bụng, khó tiêu,...

2. Nguyên nhân gây ra rối loạn tiêu hóa là gì?

Hội chứng rối loạn tiêu hóa xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:

- Chế độ ăn uống không hợp lý: việc sử dụng đồ ăn không hợp vệ sinh, có nhiều dầu mỡ, thực phẩm lên men, chua cay… có thể khiến hệ vi sinh vật ở đường tiêu hóa bị rối loạn, làm mất cân bằng giữa hại khuẩn và lợi khuẩn ở ruột.

Thức ăn có nhiều dầu mỡ có thể gây rối loạn tiêu hóa

- Bệnh đường tiêu hóa: các bệnh lý như viêm dạ dày, viêm loét dạ dày – tá tràng... cũng ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa, gây ra hội chứng ruột kích thích.

- Stress kéo dài: quá trình lưu thông máu ở ruột sẽ bị cản trở khi bệnh nhân bị stress kéo dài, gây ảnh hưởng đến chức năng co bóp của dạ dày. 

- Luyện tập quá sức: các vòng cơ tại đường ruột có thể bị tổn thương nếu tập thể dục thể thao trong thời gian dài hoặc quá sức ngay sau khi vừa ăn no. 

- Tác dụng phụ của thuốc trị bệnh: một số loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm không steroid,... nếu sử dụng trong thời gian dài có thể gây tác dụng phụ lên đường tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy,...

3. Điều trị rối loạn tiêu hóa như thế nào?

Tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân của bệnh mà các bác sĩ có phương pháp điều trị phù hợp. Một số biện pháp hỗ trợ xử lý chứng rối loạn tiêu hóa người bệnh có thể tham khảo như sau:

3.1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống khoa học và hợp lý sẽ góp phần cải thiện các triệu chứng bệnh một cách hiệu quả. Người bệnh cần: 

– Bổ sung đủ nước và chất điện giải khoảng 1,5 - 2 lít mỗi ngày.

– Ăn nhiều rau xanh để bổ sung chất xơ; tăng cường ăn các loại hoa quả để tăng sức đề kháng, giúp cải thiện các triệu chứng bệnh và phục hồi các vết viêm loét.

– Thêm sữa chua vào khẩu phần ăn hàng ngày để cung cấp các lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

Sữa chua cung cấp các lợi khuẩn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.

– Không dùng các loại thức ăn ôi thiu, đồ ăn có nhiều dầu mỡ, đồ ăn cay nóng, các loại đồ ăn tái sống (như gỏi, tiết canh…).

– Hạn chế uống rượu, bia, các loại nước ngọt có gas,...

– Thực hiện đúng nguyên tắc, ăn chậm – nhai kỹ, ăn chín – uống sôi.

3.2. Thay đổi thói quen sinh hoạt

– Đi ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc, tránh lo lắng, căng thẳng.

– Hình thành thói quen đi vệ sinh đúng giờ giúp hệ tiêu hóa hoạt động theo chu kỳ thông minh.

– Không ăn quá no hoặc để quá đói và không nằm ngay sau khi ăn.

– Rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Tăng cường hoạt động thể chất và duy trì tập luyện thể dục thể thao đúng cách, vừa phải mỗi ngày để hệ tiêu hóa được khỏe mạnh.

3.3. Sử dụng thuốc

Tây y là lựa chọn phổ biến khi bệnh có các triệu chứng như đi ngoài nhiều lần, đau bụng, chướng bụng, khó tiêu, nôn mửa,... Một số loại thuốc thường được kê đơn bao gồm thuốc giảm đầy hơi, khó tiêu, thuốc chống tiêu chảy,… Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bổ sung men vi sinh và uống Oresol để bổ sung nước, chất điện giải cho cơ thể.Tuy nhiên, trước khi sử dụng thuốc, bệnh nhân cần được thăm khám và tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ để tránh tác dụng phụ không mong muốn. Không tự ý mua thuốc, tự chữa trị bệnh. Đặc biệt khi xuất hiện các triệu chứng nặng như sốt cao, đại tiện ra máu, tiêu chảy… người bệnh cần đến bệnh viện để điều trị càng sớm càng tốt. 

Rối loạn tiêu hóa là hội chứng thường gặp nhưng chúng ta không được chủ quan. Bởi nếu tình trạng này kéo dài có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và sức khỏe, đặc biệt là những biến chứng nguy hiểm của nó. Vì vậy, nếu nhận thấy những triệu chứng bất thường trong quá trình tiêu hóa, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có lời khuyên tốt nhất.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài: 02773.875.993.


Lê Trần Ân