Permanent Doctor 096 242 1155
Emergency Hotline 02773 895 115

Thuốc nào gây hại dạ dày?

Monday, 07/09/2020, 07:03 GMT+7

Bất kỳ một loại thuốc nào nghiên cứu ra đều có mục đích là chữa bệnh. Tuy nhiên, hầu hết các loại thuốc dùng điều trị đều có thể gây tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ), trong đó có một số thuốc điều trị một bệnh nào đó nhưng gây hại cho dạ dày. Vì vậy, người dùng cần biết để phòng tránh tác dụng bất lợi này.

Có phải ai cũng bị bệnh lý dạ dày khi dùng thuốc?

Chúng ta biết, khi dạ dày bị bệnh (viêm, loét, chảy máu, thủng, ung thư...) có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, trong đó có nguyên nhân do thuốc (trong bài viết này chỉ đề cập đến một số thuốc Tây y). Không phải bất kỳ thuốc nào cũng làm hại dạ dày.

Tuy nhiên, cùng một loại thuốc đó nhưng có thể gây hại cho dạ dày người này nhưng không có hại cho dạ dày người khác. Tác dụng bất lợi này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như tiền sử mắc bệnh dạ dày, việc sử dụng thuốc (uống trước ăn hay sau ăn...). Có nhiều loại thuốc có thể gây ra các tác dụng không mong muốn cho dạ dày, trong đó phải kể đến các loại thuốc chứa corticoid và nhóm thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid (piroxicam, aspirin, indomethacin, diclofenac...).

Các nhóm thuốc này được sử dụng rất phổ biến ở nước ta. Do không lường trước được những tác dụng phụ, do đó có một số người tự ý sử dụng và hậu quả đáng tiếc là gây viêm, loét dạ dày - tá tràng hoặc chảy máu dạ dày, thậm chí gây thủng dạ dày.

Da_day_2

Hình ảnh dạ dày bị loét.

Một số thuốc chính gây hại dạ dày

Corticoid là thuốc rất quý do có tác dụng chống viêm, giảm đau, chống dị ứng, ức chế hệ miễn dịch. Nhưng corticoid còn có nhiều tác dụng không mong muốn khác nhau ảnh hưởng đến sự chuyển hóa chất đường, chất đạm, chất béo, đến sự cân bằng nước và muối khoáng (gây phù), hệ tim mạch (tăng huyết áp), thần kinh, cơ xương (loãng xương), cùng nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt là ảnh hưởng xấu cho dạ dày. Bởi vì, corticoid có thể gây viêm, loét, xuất huyết dạ dày, trong đó cần lưu ý, không chủ quan với corticoid dạng tiêm bởi vì chúng có khả năng đào thải qua niêm mạc dạ dày cho nên có thể gây viêm, loét, chảy máu...

Thuốc giảm đau hạ sốt có thể làm ảnh hưởng xấu đến dạ dày, đặc biệt là thuốc aspirin. Aspirin có tác dụng giảm đau, hạ sốt nhanh, nhưng nếu lạm dụng hoặc không theo chỉ định và tư vấn của bác sĩ khám bệnh có thể rất nguy hiểm, ngoài tác dụng phụ gây tập kết tiểu cầu, chống đông máu, thuốc có khả năng gây viêm loét, chảy máu dạ dày - tá tràng, nhất là người đang loét dạ dày - tá tràng tiến triển.

Các loại thuốc kháng viêm không steroid (diclofenac, indomethacin...) có tác dụng chống viêm, giảm đau, được sử dụng trong điều trị chứng thoái hóa khớp, viêm đa khớp, thoái hóa cột sống, đau lưng, viêm khớp dạng thấp, đau bụng kinh... Tuy vậy, nếu lạm dụng thuốc, dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ có thể gây hiện tượng trướng bụng, đầy hơi, đau bụng, buồn nôn, nôn, viêm loét dạ dày - tá tràng, nặng hơn là gây chảy máu dạ dày - tá tràng, thủng dạ dày, nhất là đối với người sử dụng thường xuyên. Một trong những nguyên nhân dẫn đến viêm loét dạ dày - tá tràng khi sử dụng nhóm thuốc này là do các nhóm thuốc này tan kém trong môi trường acid dạ dày, tích tụ thành đám trong dạ dày, khi đạt đến lượng lớn sẽ kích thích trực tiếp lên niêm mạc gây viêm, loét hoặc chảy máu.

Một số thuốc như celecoxib, celebrex là thuốc thuộc nhóm không steroid và ức chế chọn lọc COX-2 sử dụng điều trị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, đau, các triệu chứng liên quan đến kinh nguyệt, giảm lượng polyp ở kết tràng và trực tràng, nhưng một số tác giả cũng khuyên nên thận trọng với người bệnh đang viêm loét dạ dày tiến triển, bởi vì, chúng có thể gây viêm, loét, chảy máu dạ dày - tá tràng. Ngoài ra, thuốc betaserc là thuốc điều trị hội chứng rối loạn tiền đình gây buồn nôn, nôn nhưng vẫn có tác dụng phụ đối với dạ dày - tá tràng, đặc biệt là người bệnh đang gặp phải loét dạ dày - tá tràng tiến triển.

Nên làm gì để hạn chế thuốc tác hại đến dạ dày?

Ngày nay, để hạn chế tác dụng phụ bất lợi cho người sử dụng, các nhà khoa học đã nghiên cứu ra nhiều cách để giảm tối đa những tác hại mà thuốc Tây ảnh hưởng lên sức khỏe, đặc biệt đối với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng. Ví dụ như bào chế viên thuốc không tan trong dạ dày mà tan trong đường tiêu hóa, do đó sẽ làm giảm đi sự tổn thương viêm loét, dạ dày. Hoặc trước khi dùng các thuốc có nguy cơ làm hại dạ dày nên uống một loại thuốc tráng niêm mạc dạ dày (gastrophulgit, pepsane...) trước khi ăn 15-30 phút hoặc sau khi ăn no mới sử dụng thuốc đó. Bên cạnh đó, khi sử dụng thuốc Tây y thì tốt nhất người sử dụng cần được bác sĩ chỉ định và tuân thủ theo hướng dẫn dùng thuốc.


DS. Hương Sen