Monday, 13/06/2016, 20:03 GMT+7
Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp
Ứng dụng phương pháp tiên tiến điều trị gãy thân 2 xương cẳng chân bằng đinh nội tủy có chốt động.
Ngày 07/06/2016, ông Đào Ngọc T. 46 tuổi (ngụ tại xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) nhập viện cấp cứu do tai nạn giao thông. Sau khi được Bác sĩ thăm khám và chụp X-Quang, kết quả bệnh nhân bị gãy thân 2 xương cẳng chân. Các Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã tiến hành phẫu thuật kết hợp thân 2 xương cẳng chân bằng kỹ thuật đinh nội tủy có chốt động, đây là một phẫu thuật rất hiệu quả, giúp bệnh nhân có thể vận động và tự phục vụ sớm, bệnh nhân có thể đi lại sau vài ngày và xuất viện sau 1 tuần điều trị.
Tìm hiểu thêm về gãy xương cẳng chân
Gãy thân xương dài, đặc biệt đối với xương chày và xương mác là loại gãy khá phổ biến trong các loại gãy xương. Hiện có nhiều phương pháp điều trị như: Nắn chỉnh bó bột, khung cố định ngoài, nẹp vít, đinh nội tủy... trong đó kỹ thuật đóng đinh nội tuỷ có chốt động là phương pháp được áp nhiều nhất tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp.
Xương cẳng chân
● Vùng cẳng chân có hai xương: xương chầy to, xương mác nhỏ. Gãy cẳng chân thường gãy cả hai xương, cũng có thể chỉ gãy một xương.
● Xương chầy là hình lăng trụ tam giác với mào chày ở phía trước nằm sát da, khi xuống 1/3 dưới là hình trụ tròn nên đây là điểm yếu rất dễ bị gãy.
● Mạch nuôi xương càng xuống thấp càng nghèo nàn (1/3 dưới), khi gãy vùng này xương khó liền.
● Các khối cơ bố trí quanh xương không đồng đều, phía sau có khối cơ chắc khoẻ, phía trước không có cơ mà ngay dưới da là xương vì vậy khi gãy rất dễ bị lộ xương.
● Cẳng chân có bốn khoang. Cấu tạo các khoang hẹp, thành khoang chắc vì vậy khi có phù nề, chảy máu trong khoang dễ gây hội chứng chèn ép khoang-một biến chứng nguy hiểm, nguy cơ cụt chân cao.
● Gãy cao dễ gây chèn ép khoang, gãy thấp dễ dẫn đến gãy hở.
Điều trị gãy hai xương cẳng chân chủ yếu là điều trị gãy thân xương chày, xương chịu lực tỳ nén chính của cẳng chân. Điều trị gãy hai xương cẳng chân còn gặp nhiều khó khăn, có không ít trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng, viêm xương, lộ xương, khớp giả, cứng khớp hoặc hạn chế vận động.
Điều trị gãy thân hai xương cẳng chân có nhiều phương pháp, mỗi phương pháp có những ưu điểm và nhược điểm riêng:
- Phương pháp điều trị bảo tồn cho kết quả tốt nhưng chỉ áp dụng trong trường hợp gãy xương đơn giản, bệnh nhân bị bất động lâu, dễ di lệch thứ phát.
- Đóng đinh Kuntscher kinh điển có kết quả rất tốt khi vị trí gãy ở 1/3 giữa thân xương chày, còn vị trí gãy ở 1/3 trên và 1/3 dưới thân xương chày lòng tủy rộng thì đóng đinh Kuntscher sẽ không vững, dễ bị di lệch xoay và di lệch gập góc.
- Kết hợp xương bên trong bằng nẹp vít thì nắn chỉnh xương tốt, nhưng trong khi phẫu thuật phải bọc lộ ổ gãy rộng, tổn thương mô mềm và phá hủy màng xương. Các biến chứng có thể xãy ra: chậm liền xương, khớp giả, gãy nẹp, cong nẹp, nhiễm trùng lộ nẹp vít nhất là gãy hở.
- Phương pháp đặt khung cố định ngoài rất hiệu quả trong gãy xương hở, gãy xương nhiễm trùng, tuy nhiên có những bất lợi của việc mang khung.
- Kết hợp xương bằng đinh nội tủy có chốt điều trị gãy hai xương cẳng chân có nhiều ưu điểm, kết hợp xương vững chắc và lành xương sinh học.
Như vậy, kỹ thuật dùng đinh nội tủy có chốt động là phương pháp kết xương vững chắc, nhanh hồi phục, giúp bệnh nhân gãy xương nhất là bệnh nhân bị tai nạn giao thông sớm phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng.
Hiện tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã phẫu thuật và điều trị thành công cho nhiều bệnh nhân bị gãy xương đùi, xương chày, xương mác, thay khớp gối và khớp háng.