Phục hồi chức năng trong y học thể thao là vô cùng quan trọng, giúp hạn chế mức độ tổn thương, giảm hoặc đảo ngược tình trạng suy giảm và mất chức năng vận động sau chấn thương thể thao.
1. Chấn thương thể thao
Chấn thương thể thao là những tổn thương do hoạt động thể thao gây ra sự giới hạn hay tạm ngưng khả năng tham gia tiếp tục các hoạt động thể dục thể thao của người vận động viên. Chấn thương thể thao được chia làm ba loại:
- Loại nhẹ: những chấn thương làm giới hạn thi đấu trong 7 ngày
- Loại vừa: làm giới hạn từ 7-21 ngày.
- Loại nặng: làm giới hạn trên 21 ngày.
Những chấn thương thể thao phổ biến gồm:
- Bong gân và căng cơ
- Chấn thương khớp gối
- Sưng cơ
- Chấn thương gân gót
- Đau dọc theo xương chày
- Chấn thương chóp xoay ở vai
- Gãy xương
- Trật khớp xương
Cầu thủ Nguyễn Xuân Son bị chấn thương khi thi đấu
2. Điều trị chấn thương thể thao
Sau chấn thương tuỳ vào mức độ cụ thể người bệnh sẽ được điều trị bằng các phương pháp phù hợp:
Nội khoa: Nội khoa được sử dụng ngay trong giai đoạn đầu chấn thương phổ biến.
Ngoại khoa: Với những chấn thương vĩ mô, không thể tự phục hồi như gãy xương, đứt dây chằng, đứt gân,... ngoại khoa là phương án điều trị tối ưu mang lại hiệu quả cao và dứt điểm cho người bệnh
Phục hồi chức năng: Đây là bước quan trọng không thể bỏ qua trong quá trình điều trị kết hợp với nội khoa và ngoại khoa được chỉ định cho hầu hết các dạng chấn thương từ nhỏ tới lớn nhằm đem đến sự hoàn thiện về mặt chức năng, hạn chế tối đa những biến chứng thường gặp sau chấn thương thể thao/phẫu thuật nhằm đưa người bệnh về đúng chức năng sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt quan trọng với những người hay chơi thể thao và vận động viên chuyên nghiệp.
3. Tầm quan trọng của phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao
Phục hồi chức năng là một quá trình hỗ trợ và tập luyện nhằm giảm thiểu tổn thất liên quan đến chấn thương cấp tính hoặc bệnh mãn tính, để thúc đẩy phục hồi và tối đa hóa năng lực chức năng, thể lực và hiệu suất sau chấn thương.
Mục tiêu lớn nhất của phục hồi chức năng là hạn chế mức độ tổn thương, giảm hoặc đảo ngược tình trạng suy giảm và mất chức năng, đồng thời ngăn ngừa, sửa chữa hoặc loại bỏ hoàn toàn khuyết tật. Sau khi trải qua quá trình này, khả năng vận động và chơi thể thao phải tương tương như trước khi bị chấn thương.
Phục hồi chức năng sau chấn thương thể thao còn là cách ngăn chặn tình trạng tái chấn thương do sự mất điều hợp giữa các nhóm cơ, mất cân bằng sức mạnh giữa nhóm cơ chủ vận và nhóm cơ nghịch vận sau chấn thương thể thao.
Tập luyện phục hồi chức năng giúp bệnh nhân nhanh phục hồi khả năng vận động, đặc biệt tránh được các nguy cơ di chứng sau chấn thương hoặc phẫu thuật và tái hòa nhập cộng đồng.
Ngoài việc hỗ trợ người bệnh thuyên giảm các tổn thương hậu phẫu và cải thiện khả năng hoạt động, phục hồi chức năng giúp người bệnh giữ được lượng cơ bắp sau thời gian nằm viện. Từ đó, rút ngắn thời gian hồi phục, người bệnh có thể nhanh chóng quay trở lại cuộc sống ngày thường, tự thực hiện các hoạt động đi lại mà không cần trợ giúp.
Tập phục hồi chức năng giúp phục hồi khả năng vận động
Một số hình thức phục hồi lại khả năng vận động trong chấn thương chỉnh hình gồm:
• Phục hồi chức năng sau gãy xương
• Phục hồi chức năng tổn thương sụn khớp
• Phục hồi chức năng cho người mang chi giả
• Phục hồi chức năng sau bong gân
Sau khi được thăm khám bởi những chuyên gia. Kế hoạch phục hồi chức năng cụ thể sẽ được đưa ra gồm: nhiệt lạnh, điện xung, xung kích hội tụ, nhiệt trị liệu, tập luyện phục hồi chức năng và cuối cùng là kiểm tra đánh giá.
Việc phục hồi chức năng của được quản lý bởi một nhóm đa ngành bao gồm, bác sĩ chấn thương thể thao, bác sĩ và kỹ thuật viên phục hồi chức năng, bác sĩ dinh dưỡng. Nhóm phục hồi chức năng phối hợp chặt chẽ với bệnh nhân để thiết lập các kế hoạch phục hồi chức năng, thảo luận về tiến trình đạt được từ các biện pháp can thiệp khác nhau và thiết lập khung thời gian để tránh tối đa các di chứng sau chấn thương và mục tiêu đưa vận động viên trở lại tập luyện và thi đấu