Permanent Doctor 096 242 1155
Emergency Hotline 02773 895 115
banner
mekong
Mekong Starup

Vàng da ở trẻ sơ sinh - những điều ba mẹ cần biết

Wednesday, 07/08/2024, 14:24 GMT+7

Vàng da sơ sinh là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ trong 2 tuần đầu đời và là nguyên nhân phổ biến khiến trẻ phải nhập viện lại sau khi sinh. Vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh có thể gây biến chứng vàng da nhân não, có thể khiến trẻ tử vong hoặc để lại di chứng chậm phát triển ở trẻ.
 

Cùng Tâm Trí Đồng Tháp tìm hiểu một số dấu hiệu để phân biệt vàng da sơ sinh sinh lý với vàng da bệnh lý và các tình trạng liên quan để tìm sự trợ giúp y tế ngay khi nhận thấy những bất thường thông qua bài viết sau nhé!

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi BS.CKI Nguyễn Văn Thạnh - Trưởng đơn vị Hồi sức Nhi - Sơ sinh BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp.

1_5

Vàng da là vấn đề thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh trong 2 tuần đầu đời

Vàng da ở trẻ sơ sinh là gì?

Vàng da ở trẻ sơ sinh là tình trạng da và mắt của trẻ sơ sinh chuyển sang màu vàng do sản xuất quá nhiều bilirubin hoặc do gan không thể loại bỏ bilirubin đủ nhanh so với Bilirubin tạo ra. Bilirubin là một chất màu vàng nâu được tạo ra sau khi hồng cầu bị phá vỡ, sau khi hồng cầu phá vỡ thì sẽ biến thành Bilirubin tan trong nước và không tan trong nước. Bilirubin tan trong nước sẽ được đào thải qua phân và nước tiểu. Bilirubin không tan trong nước còn tồn tại trong cơ thể và gây nên vàng da bệnh lý. Trẻ sơ sinh thường bị vàng da vào ngày thứ 2 hoặc thứ 3 sau khi sinh và điều này thường được các bác sĩ nhi khoa khám sàng lọc. Ngoài việc thăm khám, đo mức độ bilirubin trong máu của em bé là cần thiết để đánh giá mức độ vàng da và đáp ứng sau điều trị. 

Phân loại vàng da sơ sinh

Vàng da ở trẻ sơ sinh có thể được phân loại thành hai loại chính: 
- Vàng da sinh lý: thường gặp ở 60% trẻ đủ tháng và 80-100% ở trẻ non tháng tùy tuổi thai. Đây là tình trạng vàng da nhẹ, thoáng qua, tự giới hạn và tự khỏi mà không cần điều trị.
- Vàng da bệnh lý: xuất hiện sớm hơn, thường trong 24 giờ đầu sau sinh. Việc không xác định và điều trị chậm trễ vàng da bệnh lý có thể dẫn đến bệnh não do bilirubin và các di chứng thần kinh liên quan.

Nhận diện các triệu chứng vàng da

Có thể nhận diện các triệu chứng vàng da thông qua quan sát ở nơi đủ ánh sáng (tốt nhất là ánh sáng mặt trời):
  - Sự thay đổi màu vàng da sẽ dễ nhận thấy đầu tiên ở mặt, sau đó là ngực, bụng, cánh tay, cuối cùng là ở chân.
  - Có thể kiểm tra bằng cách ấn một ngón tay lên trán hoặc mũi của trẻ. Nếu trẻ có vàng da thì khi rút ngón tay ra da sẽ có màu vàng.
- Có thể theo dõi ở một số trẻ bằng cách ấn vào các điểm nổi bật của xương ở ngực, hông và đầu gối để kiểm tra xem tình trạng vàng da có trầm trọng hơn hay không.
  - Nên kiểm tra nhiều lần trước khi trẻ rời bệnh viện sau khi sinh. Nếu bà mẹ đưa bé về nhà sớm hơn ba ngày sau khi sinh, bà mẹ nên kiểm tra màu da của bé hàng ngày cho đến lần hẹn khám tiếp theo. Nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ hoặc điều dưỡng để kiểm tra trong vòng một đến ba ngày sau khi về nhà.

*Vàng da sinh lý: 
Gọi là vàng da sinh lý khi tình trạng vàng da ở trẻ thỏa đủ 5 điều kiệu sau:
   - Thời điểm xuất hiện sau 24 giờ đầu sau sinh
   - Vàng da đơn thuần, không kèm theo các triệu chứng như thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, li bì, co gồng,…
   - Vàng da chỉ ở mặt, cổ, ngực và vùng bụng trên rốn
   - Nồng độ Bilirubin trong máu không quá 12mg% nếu bú sữa công thức và không quá 15mg% nếu bú sữa mẹ
   - Tự khỏi sau 01 tuần đối với trẻ đủ tháng và 02 tuần đối với trẻ non tháng
Những dấu hiệu của vàng da nặng 
Cần cho trẻ đi khám ở cơ sở y tế ngay nếu trẻ có bất kỳ triệu chứng sau đây:
   - Vàng da xuất hiện từ qua rốn trở xuống, vàng sậm hơn (chuyển từ vàng chanh sang vàng cam) hoặc mắt vàng
   - Vàng da trước 24 giờ tuổi
   - Trẻ có sốt
   - Trẻ bú kém
   - Trẻ ngủ nhiều hơn bình thường
   - Trẻ khó đánh thức
   - Trẻ quấy khóc nhiều, khó dỗ dành
   - Trẻ ưỡn cổ hoặc cơ thể về phía sau (co gồng)

3_3
Cần cho trẻ đến các cơ sở y tế khi có dấu hiệu vàng da nặng

Vàng da ở trẻ sơ sinh là hiện tượng phổ biến và thường không gây ra vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu vàng da xuất hiện sớm sau khi sinh, kéo dài hoặc đi kèm với các triệu chứng khác, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Việc nhận biết sớm và điều trị kịp thời có thể giúp tránh được các biến chứng nghiêm trọng.

Hiện nay, với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và các trang thiết bị y tế hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp là đơn vị thăm khám và điều trị bệnh trẻ sơ sinh hàng đầu trong khu vực. Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài: 02773.875.993 hoặc Fanpage Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp.


Lê Trần Ân