Friday, 24/11/2017, 09:08 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là loại vi khuẩn sống ở lớp nhầy niêm mạc dạ dày và sản sinh một loại enzym phá hủy thành niêm mạc dạ dày, gây tổn thương và viêm nhiễm mãn tính. Đây gần như là nguyên nhân chính gây nên bệnh viêm loét dạ dày hiện nay. Vậy đâu là những nguyên nhân khiến cơ thể bị nhiễm vi khuẩn HP? Phương pháp để phát hiện vi khuẩn HP trong dạ day là gì? Bệnh viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP được điều trị như thế nào?
Mời quý vị và các bạn cùng lắng nghe Bác sĩ CKI Trần Văn Chinh (chuyên gia trị Viêm loét dạ dày tại Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) chia sẻ về chủ đề Viêm loét dạ dày do vi khuẩn HP, được phát thanh trực tiếp trên Đài phát thanh Đồng Tháp.
Vi khuẩn HP là một loại xoắn khuẩn phổ biến trong niêm mạc dạ dày, là nguyên nhân gây ra các bệnh dạ dày như viêm loét dạ dày – tá tràng, ngoài ra vi khuẩn HP còn là tác nhân hàng đầu gây bệnh ung thư dạ dày (theo WHO).
Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, trong mảng cao răng, trong niêm mạc dạ dày của người bệnh nên rất dễ lây từ người bệnh sang người lành thông qua đường tiêu hóa.
Do thói quen ăn uống của người Việt Nam như ăn chung một bát nước chấm, dùng đũa của mình gắp thức ăn cho người khác để bày tỏ sự hiếu khách, dùng chung một chén rượu, … nên tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP ở Việt Nam rất cao (khoảng 70% dân số).
Tại Việt Nam, 70% dân số hiện nay mắc vi khuẩn HP. Theo một nghiên cứu mới công bố, tại Hà Nội, cứ 1.000 người có tới 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP.HCM có tới 90% người bị viêm dạ dày có xuất hiện loại vi khuẩn này. Thực tế thì 50% dân số thế giới bị nhiễm HP, trong số đó chỉ có một số người nhiễm HP sẽ tiến triển thành bệnh loét dạ dày - tá tràng và cũng có không ít trường hợp tiến triển thành ung thư dạ dày.
TÁC HẠI CỦA VI KHUẨN HP CHO DẠ DÀY:
– Viêm cấp tính niêm mạc dạ dày: Phần lớn bệnh nhân khi mới nhiễm HP không có triệu chứng, chỉ có một số ít người trong giai đoạn nhiễm cấp tính có biểu hiện lâm sàng như: đầy bụng, buồn nôn, chán ăn.
– Viêm mạn tính niêm mạc dạ dày: Sau giai đoạn viêm cấp có triệu chứng hoặc không có triệu chứng, lâu dài sẽ gây viêm mạn tính.
– Loét dạ dày tá tràng: Loét dạ dày thường gặp ở người trên 40 tuổi, vị trí ổ loét hay gặp ở phía bờ cong nhỏ, đặc biệt là vùng nối giữa thân vị và hang vị. Loét tá tràng hay gặp ở độ tuổi từ 20-50 tuổi, vị trí ổ loét thường gặp tại phần đầu tá tràng hay còn gọi là hành tá tràng. Loét dạ dày tá tràng hay gây biến chứng chảy máu, chảy máu có thể xuất hiện và tái phát nhiều lần.
– Ung thư dạ dày: Nhiễm khuẩn HP gây ra tình trạng viêm mạn tính tại niêm mạc dạ dày. Viêm mạn tính lâu ngày làm giảm và mất các tuyến bình thường của dạ dày thay thế vào đó là tổ chức xơ hay còn gọi là viêm teo, niêm mạc bình thường được thay thế bằng biểu mô niêm mạc ruột hay còn gọi là dị sản ruột. Tình trạng viêm teo niêm mạc dạ dày và dị sản ruột gặp khoảng 50% số trường hợp bị nhiễm HP. Chính tình trạng viêm teo mạn tính nặng và dị sản ruột lan tỏa dẫn tới xuất hiện ung thư dạ dày.
Vì vậy, bị đau dạ dày mà phát hiện có vi khuẩn HP thì cần điều trị sớm để giảm nguy cơ ung thư dạ dày.