, 17/04/2021, 09:43 GMT+7
Qua thăm khám, cho siêu âm và nội soi đại trực tràng, các Bác sĩ Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp xác đinh bệnh nhân bị viêm manh tràng và chỉ định nhập viện để điều trị. Qua 4 ngày điều trị tại Khoa nội, bệnh nhân đã hết bệnh và được xuất viện.
Mời quý vị và các bạn tham khảo bài viết dưới đây để hiểu thêm về căn bệnh này.
Viêm manh tràng là một trong những bệnh lý viêm nhiễm ở đường ruột. Bệnh viêm nhiễm ở vị trí này không phải hiếm gặp. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng phức tạp. Đồng thời ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Vậy thì viêm nhiễm manh tràng có triệu chứng gì? Nguyên nhân và cách điều trị ra sao?
Viêm manh tràng là gì?
Đại tràng được cấu tạo từ 3 phần chính là manh tràng, trực tràng và kết tràng. Trong đó, manh tràng (còn được gọi là van hồi) nằm ở ngã ba của ruột non và ruột già. Đây là đoạn ngắn nhất có chiều dài chỉ khoảng 6cm nối liền với hồi tràng của ruột non.
Vai trò của manh tràng:
• Ngăn chặn sự trào ngược của các chất trong ruột già vào ruột non và ngược lại.
• Hấp thụ nước, tạm lưu trữ thức ăn và đào thải các chất có hại như muối kim loại nặng, thuỷ ngân, muối mật thừa từ gan,…
• Các vi sinh vật trong manh tràng có thể biến đổi các chất đơn giản trong ruột thành những chất dinh dưỡng quan trọng với cơ thể như vitamin B, vitamin K,…
Vị trí manh tràng
Viêm manh tràng được biết tới là một trong những bệnh khá phổ biến gây ra tình trạng viêm mạn tính xảy ra ở đường ruột. Viêm manh tràng là bệnh lý viêm màng gây ra viêm màng của đường tiêu hóa, có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy và ngay cả suy dinh dưỡng trầm trọng.
Viêm manh tràng có nguy hiểm không?
Nhiều người băn khoăn không biết viêm manh tràng có nguy hiểm không? Câu trả lời là viêm manh tràng nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời có thể gây nên biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe như:
– Thủng ruột: Trong trường hợp vết loét quá sâu sẽ khiến cho ruột bị thủng, lúc đó những vi khuẩn gây hại sẽ chui vào trong ruột hoặc lây nhiễm sang những bộ phận khác.
– Tắc ruột: Giai đoạn đầu của bệnh sẽ xuất hiện những vết loét nhỏ nông nằm rải rác ở trên thành bên trong của ruột. Càng lâu vết loét này sẽ càng trở nên rộng và sâu hơn và cuối cùng nó sẽ gây ra loét to tạo ra sẹo và làm cho ruột bị cứng hơn.
– Ung thư ruột già: Sau khoảng 8 đến 10 năm mắc bệnh viêm manh tràng nó sẽ chuyển sang ung thư, lúc đó sẽ gây nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe thậm chí là tử vong.
Nguyên nhân gây bệnh viêm manh tràng
Cho đến ngày nay, các công trình nghiên cứu Y học vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân gây viêm manh tràng. Theo các chuyên gia, bệnh có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như:
• Chế độ ăn uống không hợp lý.
• Do các vi khuẩn gây hại tồn tại ở ruột non và ruột già như: Escherichia coli, Enterobacter aerogenes, Bacteroides fragilis…
• Do di truyền gây viêm manh tràng ở trẻ em.
Ngoài ra những người mắc bệnh viêm đại tràng cũng có nguy cơ bị bệnh cao hơn người bình thường.
Triệu chứng cảnh báo viêm manh tràng
Tùy theo từng mức độ tổn thương viêm loét và ngưỡng chịu đau của mỗi người mà triệu chứng có thể biểu hiện ra khác nhau. Một số triệu chứng điển hình của viêm manh tràng là:
- Đau bụng. Đau bụng có thể đau âm ỉ hoặc quặn thắt phần hố chậu phải. Đau bụng giảm sau khi đi ngoài xong.
- Rối loạn đại tiện. Người bệnh thường xuyên đi đại tiện nhiều lần trong ngày. Đặc biệt là sau khi ăn các thực phẩm kích thích như rượu bia, đồ ăn cay nóng, tanh lạnh… Có khi đi ngoài tới 4 – 5 lần một buổi khiến người bệnh mệt mỏi. Thường đi ngoài xong bụng cảm thấy dễ chịu hơn.
- Rối loạn tính chất phân. Phân lỏng nát, sùi bọt, lẫn nhầy,…
- Một số triệu chứng khác như chướng bụng, đầy hơi, sôi bụng ọc ạch,…
Do các triệu chứng trên có thể khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiêu hóa khác. Nên để chính xác nhất thì người bệnh nên đến các cơ sở y tế tin cậy để thăm khám và chẩn đoán chính xác. Từ đó, có biện pháp điều trị kịp thời.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ dùng một số phương pháp như sau:
• Nội soi: Sử dụng một ống nhỏ có gắn camera luồn qua miệng đến dạ dày rồi xuống manh tràng,… Qua hình ảnh truyền về, bác sĩ sẽ quan sát được vị trí tổn thương, từ đó xác định được bệnh.
Nội soi đại trực tràng chẩn đoán để phát hiện sớm bệnh lý đường tiêu hóa
• Chụp X-quang: Trước khi chụp người bệnh nên nhịn ăn khoảng 8 tiếng để không ảnh hưởng tới kết quả phim chụp.
• Siêu âm hay chụp CT: Bác sĩ có thể dùng phương pháp siêu âm hoặc chụp để quan sát các ổ viêm tại manh tràng.
Điều trị viêm manh tràng như thế nào?
Cho tới thời điểm hiện tại, chúng ta vẫn chưa có thuốc giúp chữa trị triệt để căn bệnh này. Các biện pháp điều trị bệnh viêm manh tràng gồm:
– Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp điều trị chủ yếu. Người bệnh cần phải chú ý đảm bảo tốt 3 khâu nghỉ ngơi, ăn uống và dùng thuốc. Lưu ý, việc dùng thuốc cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.
– Điều trị bằng phẫu thuật: Chỉ định phẫu thuật được chỉ định cho các trường hợp bệnh viêm manh tràng gây thủng ruột, chảy máu không cầm được, các trường hợp biến chứng nhiễm khuẩn, trường hợp có lỗ rò giữa ruột với các cơ quan khác.
Bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh viêm manh tràng cần có chế độ dinh dưỡng và chế độ nghỉ ngơi khoa học, lành mạnh.
CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG
Chế độ ăn uống đóng vai trò hết sức quan trọng đối với người bệnh. Để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn, bạn cần nắm vững một số nguyên tắc trong ăn uống như sau:
Bệnh viêm manh tràng nên ăn gì?
Bổ sung các thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, sữa không lactose,…
• Khi bị tiêu chảy nên ăn các thực phẩm chứa chất xơ hoà tan như rau xanh, đậu đen, khoai lang,…
• Nên chế biến thức ăn ở dạng hấp luộc để tiêu hoá dễ dàng hơn.
• Tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống sôi.
Viêm manh tràng kiêng ăn gì?
• Không ăn các thực phẩm còn sống như: gỏi, tiết canh, rau sống,…
• Các chất xơ không hoà tan.
• Các loại hoa quả sấy khô cứng.
• Không ăn đồ cay nóng.
• Các đồ uống có ga, cồn, chất kích thích,…
Ngoài chế độ ăn uống, người bệnh nên kết hợp thêm với việc tập thể dục đều đặn. Việc vận động hợp lý rất tốt cho sức khoẻ cũng như hệ tiêu hoá, hạn chế các bệnh về đường ruột.
Viêm manh tràng là bệnh lý nguy hiểm, khó chữa. Ngay từ bây giờ hãy xây dựng cho mình một lối sống tích cực cũng như chế độ dinh dưỡng khoa học. Ngoài ra, hãy tiến hành thăm khám và tầm soát ung thư đại tràng định kỳ nếu trong gia đình có người mắc bệnh.