Bác sĩ thường trực 096 232 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Bạn đừng bao giờ làm những điều này nếu không muốn bị suy thận và chạy thận

Thứ ba, 03/12/2019, 07:37 GMT+7

(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Suy thận là hiện tượng suy giảm chức năng của thận, khi đó thận không còn đảm nhiệm tốt những chắc năng tự nhiên như: Lọc các chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, đồng thời loại bỏ những chất cặn bã ra bên ngoài, hay việc điều chỉnh cũng như ổn định lượng nước đi nuôi cơ thể.

than-1

Thận là cơ quan nội tạng có hình như 2 hạt đậu với kích thước bằng nắm tay và ở vị trí hai bên cột sống, gần với lưng. Thận có chức năng quan trọng trong việc lọc sạch máu, điều chỉnh lượng nước cho cơ thể với mục đích giúp cơ thể duy trì tình trạng không thừa và không thiếu nước. Bên cạnh đó, thận đóng vai trò điều chỉnh các ion quan trọng như natri, kali, giúp cơ thể có một tình trạng ổn định về các ion này. Ngoài ra, thận còn tham gia tạo máu, tham gia điều hòa ổn định huyết áp, giúp chuyển hóa xương.

Suy thận là một bệnh lý âm thầm nhưng trong thời gian dài nên trong nhiều trường hợp có thể tránh được nếu phát hiện và điều trị kịp thời, phát hiện bệnh sớm có thể giúp ngăn ngừa suy thận và việc điều trị sẽ dễ dàng hơn tránh phải chạy thận hoặc ghép thận. Được chia làm 2 loại suy thận cấp tính và suy thận mãn tính. Biết là nguy hiểm nhưng muốn phòng tránh được suy thận thì trước hết chúng ta phải hiểu nguyên nhân gây suy thận là gì.

Thận là cơ quan nội tạng quan trọng trong hệ tiết niệu. Suy thận rất nguy hiểm nhưng không phải ai cũng biết nguyên nhân gây ra. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu.

Nguyên nhân gây suy thận là gì?

Những thói quen sống thiếu khoa học và khẩu phần ăn nhiều chất độc hại có thể khiến thận suy giảm chức năng:

- Sử dụng thuốc giảm đau lâu dài hoặc với liều lượng lớn sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏecủa thận.

- Uống nước ngọt và nước có ga sẽ khiến nồng độ pH trong cơ thể bị thay đổi, mà thận là cơ quan chính để điều chỉnh độ pH của cơ thể. Nên khi uống các loại nước trên trong thời gian dài và liên tục sẽ tạo gánh nặng cho thận và làm tăng xác suất hư hại thận.

- Bánh mỳ ngọt chứa nhiều chất phụ gia để làm bánh mềm và thơm ngon hơn. Nhưng những chất này sẽ tác động xấu cho hệ thần kinh trung ương, máu và thận.

- Lạm dụng muối: chế độ ăn mặn với quá nhiều muối dễ gây ra huyết áp cao. Khiến lượng máu trong thận khó lưu thông ổn định, dẫn đến những tổn hại cho sức khỏe của thận.

- Uống nước ít sẽ làm giảm lượng nước tiểu nghĩa là các chất thải và độc tố trong nước tiểu sẽ tăng lên. Các bệnh lâm sàng thường thấy như sỏi thận và thận ứ nước có mối quan hệ chặt chẽ với việc không uống đủ nước mỗi ngày. Lười uống nước, lạm dụng thức uống có gas là những thói quen xấu.

than-2

Triệu chứng bệnh suy thận

Dấu hiệu toàn thân: mệt mỏi (thường xuyên mệt hoặc chỉ mệt khi hoạt động thể lực), khó tập trung, giảm trí nhớ và mất ngủ... có thể do thiếu máu, do chức năng thận suy giảm nên không loại bỏ được các chất độc. Những triệu chứng này cũng xuất hiện vì các nguyên nhân khác, do đó cần thăm khám tỉ mỉ và làm các xét nghiệm.

Suy thận có thể do sự tích tụ các chất độc hại trong cơ thể: Có vị tanh trong miệng hoặc hơi thở hôi, choáng váng, buồn nôn, mất cảm giác ngon miệng, sợ ăn thịt, khó tập trung, bị ngứa.

Suy thận do tích tụ nước trong cơ thể: phù ở mặt, chân hoặc tay, khó thở, hụt hơi (do có nước ở trong phổi). Giữ nước biểu hiện bằng các triệu chứng: phù, tăng huyết áp và khó thở. Phù trắng, mềm, ấn lõm, đôi khi chỉ nặng hai mi mắt hoặc nặng hơn là phù to toàn thân, tăng cân nhanh chóng. Tăng huyết áp cả số tối đa và số tối thiểu. Sự mất cân bằng giữa lượng muối và nước uống, có thể làm nước tích tụ. Vì vậy, ở giai đoạn đầu, bệnh nhân phải ăn nhạt và dùng thuốc lợi tiểu. Nhưng liệu pháp này có thể không kéo dài được lâu và bệnh nhân phải lọc máu. Do đó bệnh nhân suy thận, khi thấy những triệu chứng trên cần phải đến khám để được điều trị phù hợp, kịp thời.

Suy thận có thể do thận bị tổn thương: đi tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, nước tiểu có bọt hoặc bong bóng, đi tiểu ra máu.

Suy thận có thể do thiếu máu: mệt mỏi, yếu sức, luôn thấy lạnh, khó thở, lú lẫn...

Ngoài ra còn nhiều dấu hiệu xuất hiện ở bệnh nhân suy thận như: ngứa ngoài da, có thể là do hàm lượng phospho và canxi trong máu cao. Nhưng có một số bệnh nhân, mặc dù đã điều chỉnh hàm lượng phospho và canxi máu nhưng triệu chứng ngứa vẫn còn, có lẽ do kích thích thần kinh trong da, do sự tích tụ các độc tố bởi thận không có khả năng lọc. Đối với trường hợp này, phải tiến hành chạy thận nhân tạo để điều trị. Bệnh nhân có thể thấy đau ở chân tay, nếu xác định bệnh nhân bị đau dây thần kinh do thận thì cần phải lọc máu.

than-3

Những thói quen làm hại thận

Nếu bạn muốn đảm bảo thận khỏe mạnh và thực hiện tốt chức năng của nó trong những năm tới thì cần tránh xa những thói quen gây hại cho thận như trong danh sách dưới đây.

1. Uống nước soda

Một nghiên cứu tiến hành trên các nhân viên làm việc tại Đại học Osaka ở Nhật Bản nhận thấy rằng uống 2 lon soda trơe lên mỗi ngày (cả soda cho người ăn kiêng) đều có thể liên quan đến nguy cơ mắc bệnh thận cao hơn. Nghiên cứu được tiến hành với 12.000 người tham gia và protein được tìm thấy trong nước tiểu của những người uống một lượng lớn soda. Đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tổn thương thận.

2. Ăn uống thiếu vitamin B

Chức năng khỏe mạnh của thận cũng phụ thuộc vào chế độ ăn uống lành mạnh, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng nhất định. Theo một nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Maryland, thiếu vitamin B làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận. Đối với chức năng thận khỏe mạnh, một người nên có ít nhất 1,3 miligam vitamin B6 trong thực phẩm mỗi ngày. Để tăng cường vitamin B, hãy bổ sung các thực phẩm như cá, khoai tây, rau quả tinh bột, trái cây... trong bữa ăn hàng ngày.

3. Lười vận động

Một cách khác để bảo vệ thận của bạn là tập thể dục. Một nghiên cứu toàn diện được xuất bản vào năm 2013 trong Tạp chí Hiệp hội Nephrology Hoa Kỳ cho thấy những phụ nữ sau mãn kinh đã tập thể dục có nguy cơ phát triển thành sỏi thận giảm 31%.

4. Hút thuốc

Điều này không có gì ngạc nhiên, hút thuốc có liên quan đến chứng xơ vữa động mạch - sự hẹp và cứng của các mạch máu - ảnh hưởng đến việc cung cấp máu tới tất cả các cơ quan quan trọng, bao gồm cả thận. Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Pharmacology and Therapeutics, chỉ cần hút 2 điếu thuốc/ngày là đủ để tăng gấp đôi số tế bào nội mô (các tế bào dòng máu) trong máu của bạn. Đây là một dấu hiệu của tổn thương động mạch.

5. Không uống đủ nước

Uống đủ nước là một trong những điều quan trọng nhất giúp thận thực hiện chức năng. Nếu không uống đủ nước, chất độc sẽ tích tụ trong máu vì không có đủ chất lỏng để đưa chúng qua thận. Tổ chức Thận Quốc gia Hoa Kỳ (National Kidney Foundation) khuyến cáo nên uống ít nhất 10-12 ly nước mỗi ngày.

6. Nhịn tiểu

Nếu bạn thường xuyên nhịn tiểu tức là bạn đã làm tăng áp lực của nước tiểu lên thận. Điều này có thể dẫn đến suy thận hoặc tiểu mất kiểm soát.

7. Ngủ không ngon giấc

Theo Science Daily, mất ngủ kinh niên có thể gây ra bệnh thận. Tiến sĩ Michael Sole, bác sĩ chuyên khoa tim, cũng là giáo sư sinh lý học thuộc Đại học Toronto, nói: Mô thận được làm mới trong đêm khi chúng ta ngủ, vì thế nếu giấc ngủ bị gián đoạn liên tục, thận của chúng ta sẽ bị tổn thương trực tiếp.

8. Ăn quá mặn

Tiêu thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng huyết áp và gây nhiều căng thẳng lên thận. Vì vậy, theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo, bạn nên hạn chế 5-10 gram muối mỗi ngày.

than-4

9. Uống quá nhiều rượu

Các chất độc trong rượu không chỉ gây tổn thương gan. Theo Kidney Health Australia và Quỹ thận Hoa Kỳ, một cách tốt để tránh bị suy thận là kiểm soát lượng rượu chúng ta uống hoặc tránh uống rượu sẽ càng tốt.

Theo Viện Quốc gia về Bệnh Tiểu đường và Tiêu hóa và Bệnh thận của Hoa Kỳ (National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases), nếu thận không làm việc tốt, bạn cần điều trị để khắc phục kịp thời. Dù chọn cách điều trị nào, bạn cũng cần phải thực hiện một số thay đổi trong cuộc sống, bao gồm kế hoạch ăn uống và vận động. Nhưng với sự trợ giúp của các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, gia đình và bạn bè, hầu hết những người bị suy thận vẫn có cuộc sống đầy đủ và tích cực.


BS.CK1 Đặng Văn Tuấn

Giới hạn tin theo ngày :