Bác sĩ thường trực 096 232 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Bệnh tay chân miệng và những kiến thức cần biết để bảo vệ trẻ

Thứ tư, 08/06/2022, 20:30 GMT+7

Tay chân miệng là bệnh lý thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có sức đề kháng yếu. Bệnh tuy được xem là bệnh lý thông thường và có thể tự khỏi sau 1 - 2 tuần, nhưng bệnh lý cũng sẽ có thể chuyển biến nặng dẫn đến tử vong nếu như không điều trị đúng cách.

Tính từ đầu năm 2022 tính ngày 21/05, Bộ Y tế đã thống kê được hơn 5.500 ca mắc tay chân miệng trên cả nước, trong đó đã có 1 ca nặng dẫn đến tử vong vì bệnh. Bộ Y tế cảnh báo tay chân miệng rất có khả năng sẽ bùng dịch nếu không kịp thời hành động. 

Trẻ nhỏ thường không có đủ sức đề kháng khỏe để chống lại bệnh, thêm và đó là mức độ nhận thức của các bé chưa hoàn chỉnh. Việc để bé có thể tự bảo vệ mình trước những nguy cơ bệnh lý là điều gần như không thể. Vậy nên, để bảo vệ bé, đòi hỏi các bố mẹ, ông bà phải hành động từ hôm nay. 

1. Tay chân miệng là bệnh gì?

Bệnh thường xuất hiện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, đôi khi cũng bắt gặp ở người trưởng thành có sức đề kháng yếu. Người bệnh sẽ xuất hiện các phỏng nước nhỏ ở da tập trung vào các vùng như niêm mạc miệng, lòng bàn tay bàn chân, đầu gối, mông. 

Bệnh thường xuất hiện ở thời điểm giao mùa từ tháng 3 đến tháng năm và tháng 9 đến tháng 12. Tay chân miệng là bệnh do virus đường tiêu hóa gây nên, bệnh có thể lây nhiễm từ người sang người nên rất có khả năng bùng dịch. Có hai loại virus chính gây bệnh là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71, thường với các biến chứng nặng đều có nguyên nhân từ virus Enterovirus 71. 

Bệnh tay chân miệng là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ.

Các biến chứng nặng thường gặp ở tay chân miệng như: viêm não, viêm màng não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm cơ tim, tăng huyết áp, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch,... các biến chứng trên rất có thể khiến người bệnh tử vong nếu không kịp điều trị. 

2. Nguồn lây nhiễm của bệnh

Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường hô hấp và tiêu hóa. Các virus gây bệnh tồn tại trong nước bọt, dịch khi hắt hơi, sổ mũi và các dịch vỡ từ các bóng nước trên da và niêm mạc. Bệnh cũng khiến cơ thể phát sinh các bài tiết dịch tiết gây bệnh, là nguyên nhân mang đến khả năng lây bệnh cao. 

Với trẻ nhỏ khi hắt hơi, chảy nước mũi hay ngậm mút đồ chơi sẽ giúp virus bám vào môi trường xung quanh. Tại đây virus có khả năng tồn tại lâu bên ngoài cơ thể người, chúng sẽ bám vào đồ chơi, quần áo, đồ dùng gia đình. Khi trẻ khác tiếp xúc với đồ dùng có virus thì rất dễ bị virus xâm nhập. 

Bệnh sẽ rất thường xuyên xuất hiện ở môi trường nhà trẻ, mẫu giáo với không gian sinh hoạt chung của nhiều bé. Khi một bé bị nhiễm bệnh thì khả năng cao các bé cùng lớp cũng sẽ bị lây nhiễm ngay sau đó. 

3. Dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Bệnh tay chân miệng thường kéo dài khoảng 1 đến 2 tuần và tự khỏi khi được xử lý và điều trị nhanh chóng. Biểu hiện của bệnh cũng được xem là tương đối rõ ràng, có thể dễ dàng phát hiện.

Các mụn nước là biểu hiện rõ của bệnh.

Theo tính lâm sàng, bệnh được chia thành 4 giai đoạn chính:

  • Giai đoạn đầu sẽ là thời gian ủ bệnh khoảng từ 3 - 7 ngày sau khi bị nhiễm. Ở giai đoạn này trẻ thường không có quá nhiều biểu hiện của bệnh. Có thể đôi khi mệt mỏi, khó chịu. 

  • Giai đoạn 2 được xem là giai đoạn khởi phát của bệnh với các dấu hiệu như biếng ăn, sốt, đau họng, quấy khóc,... Những biểu hiện này nhìn chung chưa thể phân biệt được trẻ bị tay chân miệng với các bệnh khác. Tình trạng này sẽ thường kéo dài từ 1 - 2 ngày. Nếu nhận thấy trẻ sốt cao kéo dài thì có thể bệnh có ảnh hưởng đến não bộ. 

  • Tiếp đến ở giai đoạn tiếp theo, cơ thể trẻ sẽ phát ban và xuất hiện các mụn nước nhỏ ở các vùng miệng, lòng bàn tay, bàn chân. Tình trạng sẽ kéo dài từ 3 đến 10 ngày tùy vào mức độ bệnh của bé. Các nốt ban sẽ xuất hiện đầu tiên, dần chuyển thành các mụn nước rồi dần vỡ ra gây lở loét. Các vết loét ở miệng sẽ khiến trẻ khó chịu dẫn đến biếng ăn. Các mụn nước trên da khi vỡ nếu không được điều trị có thể gây nhiễm trùng. Các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện trong giai đoạn này. 

  • Giai đoạn cuối của kỳ bệnh sẽ diễn ra khoảng ngày thứ 7 sau khi phát bệnh. Bé sẽ dần hồi phục và không có các biến chứng kèm theo. 

Ba mẹ nên lưu ý các giai đoạn phát triển của bệnh để kịp thời phát hiện bệnh và đưa bé đến cơ sở y tế để điều trị. 

4. Làm gì khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng?

Khi trẻ có những triệu chứng bệnh và nghi ngờ mắc tay chân miệng thì ba mẹ nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và chẩn đoán bệnh. Sau khi được khám và xác định bé đã mắc bệnh thì tùy và tình trạng bệnh và các bác sĩ sẽ cho phép điều trị tại nhà hay đề xuất nhập viện để theo dõi. Thường khi trẻ mắc bệnh, các bác sĩ đều khuyên nên cho bé nhập viện để theo dõi trực tiếp và cũng như có thể hạn chế việc lây bệnh ngoài cộng đồng. 

5. Phòng bệnh tay chân miệng

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có vacxin cũng như thuốc đặc trị bệnh. Việc điều trị bệnh cũng chỉ sử dụng các biện pháp nâng cao sức đề kháng và điều trị thuyên giảm triệu chứng bằng thuốc. Do đó phòng bệnh đóng vai trò quan trọng hơn cả trong việc bảo vệ sức khỏe cho bé và gia đình. 

Tạo thói quen giữ vệ sinh cho bé sẽ giúp giảm khả năng mắc bệnh.

Giữ vệ sinh sạch sẽ

  • Tập cho bé thói quen rửa tay bằng xà phòng thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi. Tắm gội vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

  • Hạn chế cho bé cho tay vào miệng hay ngậm mút đồ chơi. 

  • Thực phẩm phải được chế biến sạch sẽ, nấu chín. Uống nước đã được đun sôi để nguội. 

  • Các vật dụng tiếp xúc thường ngày của bé như đồ chơi, bình sữa, dụng cụ học tập nên được khử khuẩn thường xuyên. Quần áo, khăn, chăn mền nên được giặt định kỳ và phơi dưới ánh nắng mặt trời. 

  • Các bề mặt tiếp xúc trong nhà cũng nên được lau dọn vệ sinh như sàn nhà, bàn ghế, tay vịn cầu thang, tay nắm cửa,...

Chế độ dinh dưỡng

  • Có chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất để giúp bé tăng cường sức đề kháng trước nguy cơ nhiễm bệnh từ môi trường xung quanh.

  • Với bé bị mắc bệnh thì cũng không có nhiều kiêng cử, chủ yếu nên cho bé ăn các thực phẩm mềm, dễ nuốt để hạn chế cơn đau từ các vết loét trong miệng. 

Cách ly trẻ khi nghi ngờ bệnh

Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu bệnh thì nên cho trẻ nghỉ học một vài ngày để theo dõi cũng hạn chế được khả năng lây bệnh cho trẻ khác. 

  • Cách ly bé bị nghi mắc bệnh với những bé khác và thông báo cho nhà trường để kịp thời khử khuẩn để tránh lây nhiễm. 

  • Nhanh chóng khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc cũng như quần áo của bé 

  • Ba mẹ khi chăm sóc bé cũng nên thực hiện giữ vệ sinh mỗi ngày

  • Không dùng chung các đồ dùng với bé như khăn mặt, khăn tắm, ly, chén,...

  • Với trẻ đã có tiếp xúc với trẻ có bệnh hoặc nghi ngờ bệnh cũng nên theo dõi sức khỏe thường xuyên cho bé. 

Tay chân miệng dễ lây nhưng cũng dễ phòng tránh nếu biết cách và kịp thời. Xây dựng thói quen giữ vệ sinh mỗi ngày cho bé từ khi còn nhỏ sẽ giúp hạn chế rất cao nguy cơ mắc tay chân miệng và các bệnh đường tiêu hóa khác. Ba mẹ hãy cùng bé trang bị những kiến thức cần thiết để nhận biết bệnh và các phòng bệnh để bảo vệ chính bé và gia đình nhé! 

Có thể bạn quan tâm: 

 

Diễm Hà

Giới hạn tin theo ngày :