Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Hỏi đáp bệnh lý: Giải đáp các câu hỏi về bệnh lý tay chân miệng

Thứ tư, 22/06/2022, 07:23 GMT+7

Với tình trạng hiện tại, dịch tay chân miệng ở nước ta diễn biến trên địa bàn rộng và có mức lây lan nhanh ở trẻ nhỏ. Đứng trước mùa dịch mới về tay chân miệng, ba mẹ cần cảnh giác và hành động để phòng tránh bệnh ngay từ ban đầu.

Ngoài những thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh tay chân miệng mà chúng ta đã tìm hiểu ở bài viết trước (xem tại đây). Một số câu hỏi liên quan về bệnh lý cũng là thông tin bổ ích cho phụ huynh bổ sung kiến thức về bệnh lý trên. 

Hãy cùng Tâm Trí Đồng Tháp tìm hiểu qua các câu hỏi dưới đây nhé!

*Bài viết được thông qua tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ Khưu Thị Ngọc Lan, Bác sĩ chuyên khoa I - Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp

1. Bệnh Tay chân miệng có thể nghiêm trọng tới mức nào?

Nhìn chung, bệnh tay chân miệng không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, với 90% trẻ ở thể nhẹ, trẻ có thể dần hồi phục sau từ 1 đến 2 tuần điều trị. Nhưng bên cạnh đó, với chủng loại virus Enterovirus 71, trẻ bị nhiễm có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. 

Hiện nay, các trường hợp trẻ tử vong do bệnh lý tay chân miệng là không hề hiếm gặp. Ước tính tại nước ta, chỉ từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2022, đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh và nhiều trường hợp xuất hiện biến chứng nặng. 

Tay chân miệng ở thể nặng có khả năng nguy hiểm đến tính mạng.

Một số biến chứng nặng thường gặp ở trẻ bị tay chân miệng như viêm não, viêm màng não, viêm thân não, viêm não tủy, viêm cơ tim, tăng huyết áp, phù phổi cấp, suy tim, trụy mạch,...

2. Bệnh Tay chân miệng có giống với bệnh lở mồm long móng ở động vật?

Bệnh tay chân miệng và bệnh lở mồm long móng ở động vật là hoàn toàn KHÔNG giống nhau. Bệnh lở mồm long móng ở động vật được gây nên từ 1 loại virus khác và virus này không có khả năng lây truyền sang người. Còn virus gây nên bệnh tay chân miệng thường sẽ xuất hiện vào thời điểm giao mùa, chúng tồn tại ở đường tiêu hóa và hô hấp của con người. 

3. Người bị lây nhiễm bệnh tay chân miệng như thế nào?

Vì tồn tại chủ yếu bên trong đường tiêu hóa hóa và hô hấp nên các dịch từ hô hấp và tiêu hóa như nước bọt, dịch mũi, họng, phân hoặc mụn nước trên da người bệnh là nguồn lây chính của bệnh. 

Trẻ nhỏ chưa có thói quen giữ vệ sinh, các bé thường ngậm mút đồ chơi, khi trẻ khác tiếp xúc với đồ vật đó sẽ dễ bị nhiễm bệnh. Dịch thường phổ biến ở các nơi tập trung nhiều trẻ nhỏ như nhà trẻ, khu vui chơi. Ngoài ra, với người lớn khi tiếp xúc với các đồ dùng bị nhiễm bệnh hoặc dùng chung đồ với trẻ như khăn, bát muỗng, ly,... cũng dễ bị lây bệnh. 

4. Làm thế nào để phát hiện bệnh sớm bệnh sau khi tiếp xúc?

Bệnh tay chân miệng thường có thời gian ủ bệnh từ 2 - 7 ngày sau khi nhiễm bệnh. Sốt thường là biểu hiện đầu tiên của tay chân miệng, sốt thường kéo dài từ 1 đến 2 ngày. Nếu sau khi biết trẻ đã tiếp xúc với trẻ khác có triệu chứng nghi ngờ bệnh,phụ huynh nên theo dõi bé thường xuyên trong suốt 1 tuần đầu. Khi thấy trẻ có triệu chứng sốt, bứt rứt, ngủ giật mình, ăn bú kém,... thì nên nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế để bác sĩ chẩn đoán.

Quan sát các biểu hiện của trẻ khi tiếp xúc với trẻ mắc bệnh hoặc nghi ngờ bệnh.

5. Những dấu hiệu nào cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay?

Mặc dù trẻ bị mắc tay chân miệng thường chỉ ở thể nhẹ và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên có khoảng 5-10% trẻ ở thể nặng và có xuất hiện biến chứng. Do đó, phụ huynh nên lưu ý các dấu hiệu nhận biết để có thể nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. 

Khi thấy bé có những dấu hiệu sau, hãy lập tức đưa bé đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi.

  • Sốt cao trên 38,5 độ C
  • Nôn mửa nhiều
  • Hay giật mình, hoảng hốt
  • Run chi
  • Yếu liệt tay hoặc chân
  • Khó thở

6. Điều trị tay chân miệng tại nhà được không?

Đối với trẻ chỉ có triệu chứng nhẹ và được bác sĩ cho phép mới nên điều trị tại nhà. Bởi đây là bệnh lý dễ lây lan và khó kiểm soát khi chuyển biến nặng. Hầu hết các trường hợp bệnh thường được bác sĩ khuyên nhập viện để được theo dõi trực tiếp.

7. Phụ nữ mang thai có mắc bệnh Tay chân miệng không?

Phụ nữ mang thai cũng có khả năng mắc bệnh tay chân miệng khi đã tiếp xúc với nguồn lây bệnh. Mức độ bệnh ở phụ nữ mang thai thường chỉ ở thể nhẹ và không gây biến chứng ảnh hưởng đến thai kỳ. Mặc khác, ở những tuần cuối của thai kỳ thì thai phụ bị nhiễm bệnh sẽ có thể truyền sang cho thai nhi nhưng không quá nghiêm trọng. 

8. Trẻ bị tay chân miệng bao lâu thì khỏi?

Thời gian ủ bệnh thường là 2 đến 7 ngày. Sau đó trẻ sẽ xuất hiện dấu hiệu sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao, một số trường hợp trẻ không sốt. Kèm theo đó là các vết loét miệng, hồng ban, mụn nước ở tay, chân, miệng. Do các vết loét ở miệng làm cho trẻ ăn bú kém đi. 

Trẻ mắc bệnh ở thể nhẹ sẽ có thể dần khỏi bệnh sau 2 tuần.

Các triệu chứng bệnh thường diễn ra từ 7 đến 10 ngày sẽ dần khỏi. Mặc dù vậy, virus vẫn có khả năng còn tồn tại trong cơ thể trẻ sau vài ngày hoặc thậm chí vài tuần kể từ thời điểm hết triệu chứng. Vậy nên, dù đã khỏi bệnh nhưng vẫn có thể là nguồn lây bệnh. Phụ huynh cần cho trẻ cách ly và giữ vệ sinh đầy đủ với người lớn và trẻ khác sau bệnh ít nhất vài tuần. 

9. Có cần bôi thuốc cho trẻ khi bị tay chân miệng không?

Khi được bác sĩ chẩn đoán bệnh, sẽ cho nhập viện điều trị với thuốc uống và bôi theo đơn. Lưu ý chỉ dùng thuốc bôi cho trẻ khi được bác sĩ chỉ định, không nên tự ý bôi thuốc để tránh các trường hợp nhiễm trùng vết thương gây nên hậu quả nghiêm trọng. 

10. Mỗi người có thể bị lây nhiễm nhiều lần bệnh Tay chân miệng?

Tay chân miệng được gây ra bởi nhiều chủng virus khác nhau, người bệnh chỉ được miễn dịch với chủng virus đã bị nhiễm trước đó. Khả năng tái nhiễm bệnh cũng sẽ xảy ra khi bị nhiễm một loại virus gây bệnh tay chân miệng khác. Vậy nên có thể nói, người bị nhiễm tay chân miệng rất có khả năng bị lây nhiễm lại nhiều lần. 

Tìm hiểu thêm về bệnh tay chân miệng tại đây, để có thể bảo vệ bé yêu trước mùa dịch này nhé.


Diễm Hà

Giới hạn tin theo ngày :