Viêm tai giữa cấp tính là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, thường gặp nhất ở độ tuổi từ 6 tháng đến 2 tuổi. Bệnh lý này cần được chẩn đoán sớm, theo dõi và điều trị kịp thời nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thính lực và sức khỏe của trẻ.
*Bài viết được tham khảo chuyên môn từ Bác sĩ CKI Lý Văn Thành - Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp.
1. Viêm tai giữa cấp tính là gì?
Viêm tai giữa cấp tính là tình trạng tai giữa bị viêm cấp tính, có đợt bùng phát nhanh và ngắn với dấu hiệu và triệu chứng của nhiễm trùng tai giữa. Bệnh thường gặp ở trẻ em, kéo dài 2-3 tuần và có các triệu chứng điển hình của quá trình viêm cấp tính.
Hình ảnh nội soi bệnh viêm tai giữa
2. Triệu chứng viêm tai giữa
• Thường kèm theo đau họng hoặc viêm mũi họng, các triệu chứng bao gồm sổ mũi, họng đỏ,...
• Trẻ sốt, có thể sốt nhẹ, sốt vừa hay sốt cao từ 39 đến 40 độ C
• Đau tai, trẻ thường hay kéo tai hay dụi tai
• Bé có thể quấy khóc, bỏ bú, nôn mửa hoặc tiêu chảy
• Khám cho thấy bên trong tai, màng nhĩ bị viêm đỏ và sung huyết.
• Nếu không được điều trị sớm có thể dẫn đến thủng màng nhĩ và chảy mủ tai.
3. Điều trị viêm tai giữa cấp tính
Nội soi tai chẩn đoán viêm tai giữa tại Tâm Trí Đồng Tháp
Nguyên tắc điều trị bao gồm: điều trị đau tai, chống nhiễm trùng bằng kháng sinh và theo dõi sau điều trị. Các bước điều trị như sau:
3.1 Giảm đau, hạ sốt
Có thể sử dụng các loại thuốc để giảm đau tai và hạ sốt (khi trẻ sốt trên 38,5 độ C). Phụ huynh lưu ý nhớ chườm ấm cho trẻ khi trẻ bị sốt và mặc quần áo rộng rãi, thoáng khí; chườm ấm vùng tai cho trẻ.
3.2 Dùng thuốc kháng sinh
Thời gian dùng thuốc là 7 ngày, lưu ý sau khoảng 3-4 ngày điều trị bằng kháng sinh, nếu triệu chứng biến mất thì tiếp tục cho trẻ uống đủ liều thuốc trong 7 ngày để tránh phát triển vi khuẩn kháng kháng sinh.
Trường hợp trẻ viêm tai giữa bị chảy mủ tai: sử dụng thêm kháng sinh kết hợp với nhỏ tai, làm sạch tai và không được bịt tai của trẻ để dịch mủ được thoát ra.
3.3 Theo dõi sau điều trị
Trẻ bị viêm tai giữa cấp cần tái khám trong vòng 1 đến 4 tuần sau khi điều trị để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng đã biến mất chưa và dịch trong tai đã hết chưa. Nếu nhiễm trùng tai tái phát, các bác sĩ sẽ xem xét đó là nhiễm trùng mới hay sự tiến triển của nhiễm trùng cũ và sử dụng kháng sinh thích hợp.
4. Phòng bệnh viêm tai giữa cấp
• Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là HIB, phế cầu khuẩn, cúm…
• Giữ ấm vào mùa lạnh, vệ sinh mũi họng thường xuyên. Không nên bơi nếu bị viêm mũi, viêm xoang. Viêm mũi, viêm xoang cần được điều trị càng sớm càng tốt. Nên nạo V.A. và cắt amidan khi trẻ bị viêm V.A và amidan có chỉ định phẫu thuật, bị nhiễm trùng tai tái phát. Ở trẻ mắc bệnh sởi, cúm, thương hàn cần phải kiểm tra màng nhĩ thường xuyên.
Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ em, các bậc phụ huynh không nên chủ quan vì các biến chứng của bệnh có thể ảnh hưởng tới thính lực của trẻ suốt đời. Vì vậy, nên đưa trẻ tới bệnh viện thăm khám để được điều trị phù hợp, giúp mau khỏi bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ, tránh biến chứng nghiêm trọng.