Thứ bảy, 04/06/2016, 07:00 GMT+7
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp
Bệnh sỏi túi mật cần theo dõi & điều trị kịp thời
Túi mật có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật (được gan tiết ra). Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn có dầu, mỡ; túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật chứa trong đó vào đường mật và sau đó xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.
Chức năng của túi mật là gì ?
Túi mật dung tích 30 – 60 ml, nằm ở mặt dưới của gan, bên cạnh và nối với đường mật chính. Chiếu lên thành bụng, túi mật nằm ở bên phải, dưới bờ sườn.
Dịch mật ở trong túi mật được cô đặc rất nhiều lần, dịch này sẽ được túi mật co bóp đẩy vào đường mật chính dùng để tiêu hóa thức ăn có nhiều chất béo.
Dịch mật trong túi mật chứa nhiều chất, hòa trộn với nhau theo một tỷ lệ thích hợp để cho mật ở trạng thái lỏng. Ăn thức ăn có nhiều chất béo làm thay đổi tỷ lệ của những chất này là điều kiện tạo nên sỏi.
Bệnh sỏi túi mật ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào ?
Sỏi túi mật có thể có những biến chứng dẫn đến nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời. Các biến chứng nặng có thể dẫn tới tử vong như: viêm túi mật, nhiễm khuẩn huyết, viêm phúc mạc mật, viêm tụy…
Triệu chứng của sỏi túi mật biểu hiện như thế nào ?
Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau:
- Tính chu kỳ: Những cơn đau riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Vị trí: Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày – tá tràng.
- Mức độ: Đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân khó thở.
- Thời điểm: Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm thường làm cho bệnh nhân thức giấc.
- Các triệu chứng khác bao gồm đau lưng lan lên vai, đau bụng trên bên phải, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn mỡ), chậm tiêu.
Làm sao phát hiện được bệnh sớm ?
Viêm túi mật do sỏi thường phát hiện không khó đối với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, sau đó là với các phương tiện hiện đại như siêu âm và thử máu.
Siêu âm có thể thấy viên sỏi bị kẹt ở vùng cổ túi mật hay viên sỏi lăn khi nghiêng người bệnh. Có thể thấy vách túi mật bị dày hơn bình thường (do sưng, viêm).
Thử máu có thể thấy tăng số lượng tế bào bạch cầu do nhiễm trùng.
Các phương pháp điều trị sỏi túi mật ?
Điều trị không phẫu thuật: có uống thuốc uống tan sỏi. Các thuốc này có thể làm tan sỏi có chứa nhiều cholesterol. Tuy nhiên, sỏi ở Việt nam lại ít chloesterol nên tác dụng bị giảm đi nhiều. Giá thuốc khá mắc nên hiện tại ít người dùng. Dùng máy tán sỏi ngoài cơ thể, làm tan và lấy sỏi trực tiếp trong túi mật hay lấy sỏi túi mật qua nội soi từ miệng đều là những phương pháp mới, phức tạp với chi phí khá cao nên chưa phổ biến ở nước ta.
Kết quả điều trị của các phương pháp này không cao tùy thuộc vào loại sỏi, kích thước sỏi và giải phẫu của ống mật. Ngoài ra, các phương thức điều trị này đều có chung đặc điểm là để lại túi mật, là nơi sẽ tạo sỏi trong tương lai, do đó làm hạn chế kết quả về lâu dài.
Điều trị phẫu thuật cắt túi mật bằng phương pháp nội soi: Đây là phương pháp hiệu quả nhất hiện nay. Không phải mổ đường dài như trước mà là vài vết mổ rất nhỏ, sẹo mổ có thể mờ hẳn trong vài tháng.
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật tại Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp
• Sau mổ người bệnh nằm viện ít ngày và ít đau hơn trước với chi phí không cao.
• Cắt bỏ túi mật là chữa bệnh triệt để, không tái phát vì không để lại túi mật như các phương pháp trên.
• Phương pháp nội soi có nhiều ưu điểm: vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, hồi phục nhanh và thẩm mỹ.
Sau cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không ?
Sau phẫu thuật nội soi cắt túi mật, bệnh nhân không cần phải dùng thêm các loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa vì gan vẫn tiết ra dịch mật đầy đủ.
Bệnh nhân sẽ sẽ trở lại sinh hoạt bình thường sau từ 7 đến 10 ngày, nhanh hơn rất nhiều so với mổ hở khoảng 30 ngày và không ảnh hưởng tới tuổi thọ về sau.
Một số ít trường hợp có chậm tiêu với thức ăn nhiều chất béo, trứng. Vì vậy, tốt nhất là sau mổ bệnh nhân nên hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo, trứng trong vòng 03 tháng để cơ thể kịp điều chỉnh dịch mật.
Rất ít trường hợp có tiêu lỏng sau mổ, triệu chứng này thường tự khỏi sau vài tuần.
Làm gì để phòng ngừa ?
Ăn ít chất béo, thường xuyên vận động để không tăng cân, không tăng cholesterol là nguy cơ gây sỏi.
Nên đi khám bệnh sớm ở bác sĩ chuyên khoa, tại các bệnh viện có khoa phẫu thuật tiêu hóa. Không nên tự mua thuốc uống.