Thứ tư, 29/06/2016, 14:44 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Trong tất cả Sỏi Hệ tiết niệu thì Sỏi niệu quản thường hay gặp và nguy hiểm nhất. Nguyên nhân Sỏi niệu quản là sỏi từ Thận di chuyển xuống Niệu quản. Vì Niệu quản là con đường duy nhất dẫn nước tiểu từ Thận xuống Bàng quang, nếu Niệu quản bị tắc do sỏi thì Thận sẽ giãn dần, ứ nước, nhiễm trùng và Thận bị hủy hoại dẫn đến nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Ngày 27/6, Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp tiếp nhận bệnh nhân Trần Hữu N. (44 tuổi, cư ngụ tại Phường 4, TP.Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp). Anh N. vào viện vì bị đau lưng dữ dội ở phía hông bên phải. Qua siêu âm, bác sĩ thấy thận của bệnh nhân bị ứ nước độ 3, kết quả chụp X-quang cho thấy có sỏi niệu quản lưng nằm gần bể thận, kích thước 1,2 cm x 1 cm. Bệnh nhân được tiến hành phẫu thuật bằng phương pháp: nội soi sau phúc mạc, mở niệu quản lấy sỏi, đặt nằm niệu quản, dẫn lưu hố chậu. Ca mổ được tiến hành trong thời gian 30 phút, với sự hỗ trợ chuyên môn của bác sĩ Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp. 01 ngày sau phẫu thuật sức khỏe của anh đã hồi phục và sẽ xuất viện sau vài ngày nữa.
Anh Trần Hữu N. được nhân viên y tế chăm sóc
tại Khoa ngoại Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp
Anh Trần Hữu N. chia sẻ: Nhờ lên mạng internet mới biết tại Bệnh viện Tâm Trí có mổ nội soi điều trị sỏi, nên tôi rất mừng vì tôi rất sợ mổ hở, đồng thời tiết kiệm được nhiều chi phí và thời gian so với đi lên TP.HCM điều trị. Tôi xin cảm ơn các Bác sĩ, Điều dưỡng Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp đã tận tình chữa trị cho tôi.
Những biến chứng như suy thận, viêm thận, rối loạn hệ tiết niệu thậm chí tử vong, một nguyên nhân không thể bỏ qua là do sỏi niệu quản. Vậy sỏi niệu quản là gì, làm thế nào để biết một người mắc sỏi niệu quản, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu dưới đây.
Sỏi niệu quản là gì ?
Niệu quản là 1 đường ống dài khoảng 25cm dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang, càng xuống cuối niệu quản càng hẹp lại. Giống như sỏi thận, sỏi niệu quản hình thành do sự lắng đọng các khoáng chất đáng lẽ phải được thải ra ngoài bị lắng đọng lại trong niệu quản mà thành. Sỏi niệu quản làm tắc nghẽn đường lưu thông của nước tiểu và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Có đến hơn 80% sỏi thận di chuyển xuống thành sỏi niệu quản
Về nguyên nhân hình thành sỏi niệu quản thì các nhà nghiên cứu cho rằng có hai yếu tố chính là do ăn uống và do nội tại. Các loại sỏi niệu thường gặp là sỏi vô cơ như canxi, phosphat, oxalat, sỏi hữu cơ là dạng sỏi urat, xanthin, hiếm gặp dạng ceptin. Có một sự thật là đa số những người bị sỏi thận đều mắc thêm chứng sỏi niệu quản nữa bởi có trên 80% sỏi thận đều di chuyển xuống niệu quản hình thành nên sỏi. Số lượng sỏi niệu quản hình thành do nội tại cơ thể người bệnh từ lúc bẩm sinh là cực kỳ ít.
Sỏi niệu quản nguy hiểm đến mức nào ?
Nhiều người thấy sỏi niệu quản nhỏ (chỉ từ vài mm đến 1cm) liền cho rằng nó không nguy hiểm bằng sỏi thận tuy nhiên thực tế thì mức độ nguy hại của sỏi niệu quản lớn hơn sỏi thận gấp nhiều lần. Chúng cần được phát hiện sớm và có biện pháp tán sỏi kịp thời.
Sỏi niệu quản nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến suy thận
Sỏi niệu quản nhỏ nhưng có gai nhọn, khi di chuyển, cọ sát, va chạm vào đường niệu là nguyên nhân tạo ra những cơn đau sống lưng, đái ra máu, tiểu buốt, tiểu rát. Trường hợp xấu sỏi bị kẹt trong cuống đài thận làm tắc cuống đài thận, dần dần khiến thận dãn như 1 túi nước, đau quặn thắt.
Nhiễm trùng đường tiểu cũng thường xuyên diễn ra khi sỏi cọ xát vào đường niệu khiến chúng bị viêm, phù nề. Nhiễm trùng có thể dẫn đến suy thận, hoại tử đường tiểu, vỡ thận, vỡ bàng quang.
Sỏi niệu quản có thể tấn công bất kỳ ai, vì vậy, mỗi người hãy tự bảo vệ mình bằng cách uống đủ 2- 3 lít nước mỗi ngày. Nếu phát hiện dấu hiệu lạ khi đi tiểu, ứ đọng hay viêm nhiễm đường tiểu cần phải xử lý ngay. Sỏi càng nhỏ điều trị càng dễ.