Thứ sáu, 05/10/2018, 14:02 GMT+7
Polyp mũi xoang có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi, tần suất của polyp mũi xoang gia tăng theo tuổi và đạt mức cao nhất ở tuổi từ 40-50.
Polyp mũi là một khối u lành tính thường gặp trong hốc mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang. Polyp mũi xoang là những quá phát cục bộ của niêm mạc trong đó tổ chức đệm bị phù nề, căng phồng và mọng nước. Polyp là hậu quả của quá trình phù nề kéo dài do nhiều nguyên nhân gây ra.
Polyp mũi xoang là những khối mềm phồng lên có cuống hoặc không có cuống, có màu ám vàng hay xám đục, trơn. Polyp có thể xuất phát từ bất cứ vùng nào của niêm mạc mũi hay niêm mạc xoang cạnh mũi. Chúng là những tổn thương phổ biến nhất xảy ra ở mũi là hậu quả của quá trình phù nề kéo dài do nhiều nguyên nhân gây ra
Mời quý vị và các bạn xem video clip phỏng vấn Thạc sỹ.BS Trần Duy Phong – Chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp về vấn đề trên.
Nguồn:
Sự hình thành polyp mũi
Polyp mũi hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang thường do hậu quả của viêm mũi dị ứng, viêm xoang mạn tính không được điều trị triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các vi nấm. Các viêm mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi xoang tăng tính thấm tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp. Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch. Bệnh thường gặp nhiều ở người trên 40 và ở trẻ em mắc các bệnh như hen phế quản, viêm mũi, xoang dị ứng do nấm, viêm xoang mạn, sổ mũi mùa và xơ nang phổi.
Polyp mũi thường xảy ra ở hai bên và được tìm thấy ở trong xoang hàm, xoang sàng và xoang bướm, mặc dù chúng xuất phát từ bất cứ vùng nào của mũi xoang nhưng nhìn chung chúng thường được xuất phát từ xoang sàng và từ phức hợp lỗ thông khe.
Các triệu chứng chính của polyp mũi xoang
– Nghẹt mũi một bên hoặc 2 bên
– Giảm hay mất khứu giác
– Xuất tiết mũi: Thanh dịch hoặc dịch nhầy, kèm theo đau nhức (Cảm giác tưng tức) vùng mặt. Khởi đầu giống viêm mũi thông thường, chảy mũi kéo dài nhiều tháng nhiều năm
Biến chứng của polyp mũi xoang
Chính sự hình thành khối u polyp mũi đã ngăn cản dòng không khí đi vào các xoang, khoang mũi và phổi, và gây ra những biến chứng đó là:
– Gây nên tình trạng tắc nghẽn hoặc ngưng thở khi ngủ
– Tình trạng nhiễm trùng xoang hoặc mãn tính xảy ra thường xuyên
– Có khả năng liên kết với xơ nang
Phương pháp điều trị bệnh polyp mũi
Việc điều trị nhằm mục đích giảm kích thước của khối u hay loại bỏ khối u và điều trị các rối loại như dị ứng, một trong những nhân tố góp phần gây nên tình trạng viêm mạn tính ở mũi và xoang.
– Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc dạng xịt mũi corticosteroid để giảm thiểu viêm, giúp thu nhỏ các khối u hoặc có thể loại bỏ ra khỏi cơ thể hoàn toàn. Nếu như các loại xịt mũi không hiệu quả, người bệnh có thể sử dụng thuốc uống hoặc dùng kết hợp cả hai dạng thuốc. Ngoài ra có thể dùng kháng sinh để điều trị nhiễm trùng mãn tính, hay thuốc kháng nấm điều trị dị ứng do nấm.
– Với trường hợp điều trị bằng thuốc không giúp làm giảm hay loại bỏ được polyp, người bệnh sẽ được chỉ đinh phẫu thuật để có thể loại bỏ được polyp. Có 2 phương pháp:
+ Cắt bỏ polyp bằng cách sử dụng thiết bị hút khí nhỏ hoặc microdebrider giúp cắt và chất chiết xuất từ các mô mềm.
+ Phẫu thuật nội soi xoang giúp loại bỏ khối u và các vấn đề viêm nhiễm của xoang và sự phát triển của khối u.
Cách phòng tránh bệnh polyp mũi
Cách tốt nhất để có thể giảm thiểu nguy cơ phát triển của polyp mũi hay polyp mũi tái phát sau điều trị đó là:
– Tránh các chất kích thích: vì các chất kích thích khiến cho tình trạng viêm hay kích thích của các xoang như gây ra dị ứng, đó là các chất ô nhiễm không khí và hóa chất.
– Giữ vệ sinh tốt bằng cách thường xuyên rửa tay, chống lây nhiễm vi khuẩn, virus có thể gây ra các bệnh viêm mũi, viêm xoang.
– Quản lý các bệnh hen suyễn hay dị ứng: vì đây là những căn bệnh dễ gây nên polyp mũi nên cần phải kiểm soát, quản lý thật chặt chẽ
– Thực hiện rửa mũi thường xuyên cũng giúp cho việc lưu thông không khí trong mũi được dễ dàng, loại bỏ các chất gây dị ứng và chất kích thích khác.
Thường xuyên rửa và vệ sinh mũi cũng là cách phòng tránh hiệu quả
– Giữ độ ẩm cho môi trường xung quanh: trong nhà nên giữ cân bằng độ ẩm để cải thiện tình trạng hô hấp ở các xoang, tránh tắc nghẽn và viêm.