Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Chuyên mục Sống Khỏe: Phòng trị các bệnh lý về mắt

Thứ ba, 23/05/2017, 07:11 GMT+7

Ở nước ta, các bệnh lý về mắt đang ngày càng xuất hiện phổ biến hơn, đặc biệt là ở người già. Người già dễ mắc phải các bệnh về mắt như: đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (Glaucoma), viêm loét giác mạc, sẹo giác mạc (di chứng của bệnh lý mắt hột, mộng, quặm), bệnh thoái hóa điểm vàng, bệnh võng mạc đái tháo đường.

Nguồn: Đài THĐT1

Khi ngoài độ tuổi 40, mắt mỗi người bắt đầu có hiện tượng lão hóa và dễ mắc các bệnh khô mắt, tăng nhãn áp… Mặt khác, thủy tinh thể điều tiết kém, khả năng đàn hồi giảm dễ dẫn tới bị lão thị. Do đó, để phòng tránh và giảm thiểu việc mắc phải các bệnh về mắt khi về già, mỗi chúng ta cần có những hiểu biết chung về các bệnh để từ đó có những biện pháp phòng tránh ngay từ khi còn trẻ.

1.    Đục thủy tinh thể

Bệnh đục thủy tinh thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên mù lòa. Theo kết quả nghiên cứu, có 95% người trên 70 tuổi bị bệnh đục thủy tinh thể.

Căn bệnh này sẽ khiến mắt mờ dần, không gây đau nhức, đeo kính không cải thiện được thị lực. Nguyên nhân của những triệu chứng đó là do thủy tinh thể bắt đầu bị đục.

Khi thủy tinh thể đã bị đục, cách điều trị duy nhất là phẫu thuật để thay thủy tinh thể nhân tạo. Hiện nay, với phẫu thuật Phaco (kỹ thuật phẫu thuật làm tan thủy tinh thể và hút ra), việc thay thế thủy tinh thể được thực hiện rất dễ dàng, và phục hồi thị lực nhanh sau phẫu thuật.

2.    Bệnh tăng nhãn áp (Glaucoma)

Tăng nhãn áp xuất hiện do các cấu trúc ở trong mắt bị lão hóa, mất tính đàn hồi và đường thoát của thủy dịch bị bít kín nên thủy dịch không thể thoát ra ngoài được dẫn đến áp suất trong mắt tăng lên.

Tăng nhãn áp xuất hiện do các cấu trúc ở trong mắt bị lão hóa

Ở người già, nguyên nhân khác gây nên bệnh tăng nhãn áp là do thủy tinh thể có kích thước lớn nên gây tắc nghẽn đường thoát của thủy dịch. Bệnh tăng nhãn áp nếu không được chữa trị sớm sẽ dẫn đến mù lòa.

Để phòng bệnh Glaucoma, ngoài việc thăm khám mắt định kỳ, người cao tuổi cần thường xuyên tập luyện thể dục thể thao đều đặn, vận động và xoa mắt để khí huyết lưu thông, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho mắt, giúp tế bào thần kinh được khỏe mạnh.

3.    Thoái hóa điểm vàng

Ở tuổi trên 60, vùng điểm vàng ở võng mạc dễ bị tổn thương, các tế bào ở trung tâm võng mạc suy thoái dần, gây nên bệnh thoái hóa điểm vàng. Bệnh này không gây đau nhức hay mỏi mắt nhưng khiến mắt ngày càng mờ dần. Khi tập trung nhìn một vật nào đó, người bị thoái hóa điểm vàng sẽ không thấy gì, hoặc thấy hình ảnh méo mó. Chẳng hạn như khi nhìn vào đường thẳng thì người đó sẽ nhìn thấy đó là một đường cong. Khi tuổi càng cao, nguy cơ mắc căn bệnh này càng lớn.

Thoái hóa điểm vàng là bệnh lý về mắt ngày càng phổ biến ở người già

4.    Bệnh võng mạc đái tháo đường

Võng mạc là một màng thần kinh thuộc lớp trong cùng của mắt, có chức năng thu nhận hình ảnh rồi truyền lên não để giúp chúng ta nhận biết được hình ảnh các sự vật xung quanh. Trên võng mạc có vô số các mạch máu nhỏ có vai trò nuôi dưỡng võng mạc.

Bệnh võng mạc tiểu đường là biến chứng của bệnh tiểu đường

Bệnh võng mạc đái tháo đường là biến chứng của bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường thường gây ra những tổn thương trên những mạch máu nhỏ trên võng mạc, làm cho những mạch máu đó có nguy cơ bị vỡ. Khi các mạch máu này bị vỡ sẽ gây chảy máu trong mắt và dẫn đến mù lòa.

5.    Bệnh viêm loét giác mạc

Bệnh viêm loét giác mạc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên mù lòa, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể và bệnh tăng nhãn áp.

Hình ảnh giác mạc

Khi bị viêm loét giác mạc, người bệnh thường cảm thấy bị chói sáng, nước mắt chảy ra liên tục đồng thời mắt bị đỏ do mạch máu vùng rìa giác mạc mắt bị cương tụ kèm theo các cảm giác khó chịu trong mắt như cộm, xốn, đau nhức. Ngoài ra tròng đen của mắt người bệnh còn có đốm trắng bất thường, đôi khi còn có ngấn mủ sau tròng đen. Người bị viêm loét giác mạc sẽ nhìn thấy mờ hơn, thị lực giảm. Bệnh này nếu không điều trị kịp thời hoặc điều trị nhưng không đúng cách sẽ diễn biến xấu, tình trạng bệnh sẽ ngày càng nặng hơn.

5 căn bệnh trên là những bệnh về mắt nguy hiểm dễ mắc phải ở người già và dễ gây nên biến chứng mù lòa, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh. Đồng thời gây nên những gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Vì vậy, để giữ sức khỏe cho đôi mắt và phòng tránh các bệnh lý về mắt nguy hiểm trên, mỗi người đặc biệt là người già cần ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng hàng ngày, tránh các thực phẩm độc hại cho sức khỏe; giữ gìn vệ sinh mắt để tránh bị viêm nhiễm, đồng thời hàng ngày nên luyện tập thể dục để góp phần tăng cường sức khỏe.

Và một lưu ý rất quan trọng không thể bỏ qua, đó là người già nên đến các bệnh viện, phòng khám chuyên khoa Mắt để thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng không đáng có.

Ngoài ra, mắt người già càng ngày càng kém dần, sức đề kháng kém. Do đó, ngoài việc bổ sung các chất dinh dưỡng qua đường ăn uống hàng ngày, người già nên uống bổ sung các thực phẩm chức năng hay thuốc bổ mắt tốt cho mắt để bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho mắt, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về mắt đồng thời nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh lý về mắt.


Thành Tín

Giới hạn tin theo ngày :