Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp vật lý trị liệu

Thứ sáu, 06/01/2023, 09:22 GMT+7

*Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Hồ Minh Đức, Bác sĩ Trưởng khoa Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp. 

Tắc tia sữa là tình trạng khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh, đặc biệt là trong tuần lễ đầu tiên. Theo thống kê, có khoảng 15% phụ nữ cho con bú bị cương cứng, căng tức, tắc tia sữa hành sốt hay tắc tia sữa có cục, co cứng.

1. Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa là do sữa mẹ bị giữ lại bên trong các ống dẫn sữa ở bầu ngực, không chảy ra được. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo sữa, làm giảm lượng sữa tiết ra hàng ngày, khiến việc cho con bú cũng như hút sữa gặp nhiều khó khăn và đau đớn. 

Tuy tắc tia sữa không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ. Tắc tia sữa làm viêm tuyến vú dẫn đến nhiễm trùng hay áp xe, lâu ngày trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú sau này. 

Nguyên nhân gây tắc tia sữa có thể là: 

  • Không cho bé bú sớm và thường xuyên: sữa non chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, độ sánh cao nếu không cho bé bú sớm và liên tục sẽ dễ gây ra hiện tượng tắc sữa.
  • Động tác bú: bé chưa quen với việc bú sữa mẹ hoặc bú không đủ mạnh làm sữa dư nhiều trong vú gây tắc sữa.
  • Tư thế cho bé bú của mẹ không đúng: làm gập các ống dẫn sữa, gây chèn ép, dẫn đến tắc nghẽn.
  • Người mẹ không vắt sữa thừa sau khi cho con bú, sữa tồn đọng, đóng vón trong từng tia sữa, cũng dẫn đến bít tắc.
  • Nhiễm khuẩn: vì nhiều nguyên nhân, vi khuẩn có thể xâm nhập qua đầu vú vào hệ thống ống tuyến vú. Khi hệ thống ống dẫn sữa bị nhiễm khuẩn sẽ bị hẹp gây cản trở sữa thoát ra ngoài.
  •  Đầu vú bị tổn thương: đầu vú bị nứt nẻ, trầy xước tạo thành ổ viêm trong mô vú, dần dần sẽ gây viêm ống tuyến sữa.
  • Mặc áo ngực quá chật: làm ống dẫn tuyến sữa bị đè nén gây tắc sữa.
  • Cai sữa đột ngột cho con: sữa tiết ra nhiều mà không được đưa ra ngoài, gây ứ đọng rồi nghẽn lại.
  • Stress: trong thời gian chăm sóc bé, người mẹ có thể bị áp lực tâm lý hoặc chế độ ăn uống chưa phù hợp.

Hình ảnh tắc tia sữa do mô vú bị viêm

2. Triệu chứng của tắc tia sữa

Tắc tia sữa thường diễn ra chậm rồi tăng dần, đôi khi cũng xuất hiện đột ngột với cơn đau ngực dữ dội hay sốt cao. Một số triệu chứng tắc tia sữa mà các mẹ bỉm cần biết để kịp thời điều trị:

  • Người mẹ cảm thấy căng tức, đau nhói ở một hoặc hai bên vú, sữa tiết ra ít, cơn đau tăng dần, khiến cho người mệt mỏi hoặc thậm chí là sốt cao.
  • Khi sờ vào bầu vú, ta sẽ thấy một hoặc nhiều điểm cứng, bề mặt gồ ghề với nhiều kích thước khác nhau, chạm vào thì rất đau. Đôi khi, có mảng đỏ trên bề mặt và sưng tấy.

3. Điều trị tắc tia sữa bằng phương pháp vật lý trị liệu

Hiện nay, tại khoa Vật lý trị liệu – Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã có các phương pháp điều trị tắc tia sữa sau sinh như: massage nắn bóp, dùng sóng siêu âm, đắp parafin và chiếu đèn...Với nhiều ưu điểm vượt trội: không dùng thuốc, không nặn bóp đau đớn, giảm triệu chứng ngay từ lần đầu áp dụng và đặc biệt không có tác dụng phụ.

Sản phụ dùng máy hút sữa sau khi được thực hiện các biện pháp điều trị

Đây là các phương pháp kết hợp giữa Y học cổ truyền và công nghệ tiên tiến làm tan các khối sữa bị ứ đọng đã đông kết, giúp lưu thông hệ thống ống tuyến sữa và ngăn ngừa sự xuất hiện của những khối sữa đông mới. Giải quyết được triệu chứng và hạn chế hậu quả do tắc tuyến sữa gây nên như: viêm tuyến vú, áp xe vú, xơ hóa tuyến vú...

3.1. Massage nắn bóp

Massage vú trong tắc tia sữa chỉ là một trong nhiều cách giúp làm mất khối sữa đang tắc nghẽn. Phương pháp này người mẹ có thể được hướng dẫn tập luyện và thực hiện tại nhà.

  • Massage nhẹ nhàng nhưng phải tạo được 1 lực chắc chắn tương đối lên vị trí đang bị tắc, massage từ nơi tắc hướng về phía núm vú.
  • Thực hiện massage vú bằng cách dùng 2 lòng bàn tay xoa bóp nhẹ nhàng 2 bầu ngực (khoảng 30 giây) rồi dùng 5 ngón tay chụm lại vê quầng vú.
  • Thời điểm massage là bất kỳ lúc nào, có thể trước, trong hoặc sau khi cho con bú.

Massage được thực hiện trong điều trị tắc tia sữa tại BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp

3.2. Sóng siêu âm đa tần kết hợp với dòng điện xung

Ưu điểm nổi bật của phương pháp này là không gây đau. Mỗi lần thực hiện khoảng 20 phút, điều trị khoảng 2 – 3 lần sẽ thấy hiệu quả rõ rệt.  

Điều đặc biệt của sóng siêu âm đa tần số là khả năng làm tan nhanh sữa đông kết, lỏng độ đặc quánh của sữa, giãn nở ngay cả chỗ ống dẫn sữa bị tắc nằm sâu. Do đó tuyến sữa được khai thông nhanh chóng. Không những thế, vùng bị tắc giảm đau và giảm sưng, mô tuyến vú mềm và kích thích sự phóng sữa ra ngoài. Sau khi điều trị, tia sữa hết tắc nên việc cho bé bú hay hút sữa rất dễ dàng.

Dùng máy siêu âm điều trị tắc tia sữa cho sản phụ

3.3. Chườm parafin làm ấm

Paraffin là phương pháp điều trị tắc tia sữa tiên tiến và mang lại hiệu quả điều trị rất cao. Tia hồng ngoại và sức nóng của Parafin có tác dụng làm tăng nhiệt độ trên da, đánh tan các cục sữa vón cục trong bầu ngực, đồng thời giảm đau, giãn mạch và giãn cơ. Sử dụng đèn hồng ngoại kết hợp đắp Parafin chữa tắc tia sữa cấp tính 2 lần/ngày, mỗi lần từ 10 -15 phút. Đối với trường hợp tắc sữa mãn tính, tái phát nhiều lần sẽ điều trị 1 lần/ngày, mỗi lần 15 – 20 phút.

Chườm parafin làm ấm điều trị tắc tia sữa

4. Một số biện pháp phòng ngừa tắc tia sữa

Tắc sữa có thể lặp đi lặp lại trong thời gian cho con bú, để tránh tắc tia sữa các bà mẹ cần lưu ý:

  • Cho bé bú sớm nhất có thể, bú thường xuyên và đúng tư thế.
  • Người mẹ cần uống gấp đôi lượng nước so với thường ngày, chế độ ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng.
  • Người mẹ hạn chế hoặc không sử dụng chất béo bão hòa.
  • Vệ sinh đầu vú: thường xuyên dùng nước muối sinh lý để vệ sinh đầu vú trước và sau khi cho con bú. Đồng thời kết hợp massage làm mềm bầu vú, giúp sữa lưu thông tốt hơn.
  • Người mẹ cần lựa chọn áo ngực có kích thước phù hợp.

Tắc tia sữa sau sinh rất phổ biến, tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người mẹ. Dẫn đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc bé gặp nhiều khó khăn. Để được điều trị tắc sữa sau sinh an toàn và hiệu quả, các bà mẹ có thể liên hệ với Khoa Vật lý trị liệu – Bệnh viện đa khoa Tâm trí Đồng Tháp để được các bác sĩ thăm khám và điều trị tốt nhất cho từng trường hợp.  

Nguyễn Thị Kiều Trinh

Phòng Kinh Doanh - Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp

 


Giới hạn tin theo ngày :