Bác sĩ thường trực 096 232 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Mức độ nguy hiểm của cúm gia cầm (H5N1): cách phát hiện và biện pháp phòng ngừa

Thứ năm, 16/03/2023, 07:22 GMT+7

1. Cúm gia cầm là gì?

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Cúm A/H5N1 là một phân nhóm của virus cúm A. Phân nhóm này có nguồn lây xuất phát từ các loài chim, gia cầm và một số động vật khác, chúng có khả năng lây bệnh sang người và mang đến nguy cơ tử vong. 

Bệnh có xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới vào hơn 100 năm trước tại Italy. Từ đó, bệnh lây lan toàn cầu và trở thành một trong những dịch bệnh đáng lo ngại. 

Có hai loại virus cúm gia cầm là LPAI - virus động lực thấp và HPAI - virus động lực cao. Ở virus động lực thấp, khi bị nhiễm vật chủ sẽ không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ ở gà, gia cầm như xù lông hay giảm sản lượng trứng. Với virus động lực cao sẽ gây cho vật chủ bệnh nặng và gây tử vong cao ở các loại gia cầm mắc bệnh. 

Theo thống kê, cúm gia cầm (H5N1) là một trong những chủng virus cúm ở gia cầm phổ biến nhất. Chúng gây tử vong với tỷ lệ là 60%.

2. Đường lây truyền:

Theo nghiên cứu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) - Hoa Kỳ, chim và gia cầm nhiễm bệnh sẽ thải virus qua nước bọt, chất nhầy và phân. Virus tồn tại trong khí dung hoặc bụi khí, từ đó xâm nhập vào các cơ quan mắt, mũi, miệng của con người. Virus H5N1 cũng có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc, khi chúng ta chạm vào bề mặt của vật thể mang virus, sau đó đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh xảy ra khi con người tiếp xúc gần và kéo dài với gia cầm mắc bệnh mà không có biện pháp bảo vệ như đeo găng tay, khẩu trang. Nhìn chung, các nguy cơ lây nhiễm sẽ phụ thuộc vào mức độ tiếp xúc. Cụ thể là khoảng cách và thời gian tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh.

3. Cách phát hiện bị cúm gia cầm (H5N1)

Người nhiễm virus cúm gia cầm có thể sẽ không xuất hiện triệu chứng hoặc có những biểu hiện nhẹ như ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, đau họng, đau đầu, đau mỏi cơ, viêm kết mạc. Một số khác sẽ có các biểu hiện ít gặp hơn như tiêu chảy, buồn nôn, nôn cho đến co giật. Người bệnh có thể chuyển biến nặng với các biểu hiện bao gồm khó thở hoặc viêm phổi. Bệnh có thể tiến triển đến suy hô hấp, dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

4. Cách phòng ngừa lây nhiễm bệnh cúm gia cầm (H5N1)

Bệnh có thể được phòng với nhiều biện pháp hạn chế lây lan virus sang người. Cục Y tế dự phòng đề xuất một số phương pháp phòng bệnh với khuyến cáo người dân:

  • Không ăn thịt gia cầm và các sản phẩm được làm từ gia cầm ốm, chết hay không rõ nguồn gốc, xuất xứ
  • Đảm bảo luôn ăn chín, uống sôi. 
  • Không thực hiện giết mổ, vận chuyển hay mua bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. 
  • Không giết, mổ hoặc sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân. 
  • Bệnh cạnh đó, cần thường xuyên giữ vệ sinh cá nhân với rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.

Khi xuất hiện các biểu hiện của cúm H5N1 và có tiền sử liên quan đến việc tiếp xúc với gia cầm, cần nhanh chóng cách ly người bệnh. Thực hiện tránh tiếp xúc với người thân và luôn đeo khẩu trang y tế khi tiếp xúc với người khác. Bên cạnh đó, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời. 

https://i1-suckhoe.vnecdn.net/2023/02/25/Web-So-sanh-trieu-chung-AH5N1-3940-9878-1677295039.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=2&fit=crop&s=VGerhjQPuTRU8QGGoUblUA

 

ĐD. Võ Thanh Long

Giới hạn tin theo ngày :