Thứ ba, 07/06/2016, 10:34 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Bệnh nội tiết là bệnh gây ảnh hưởng đến cơ quan nội tiết trong cơ thể như bệnh tiểu đường, suy giáp, cường giáp, suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận... Vậy làm thế nào để phòng tránh các bệnh về nội tiết ?
Tuyến nội tiết là các tuyến quan trọng trong cơ thể con người. Rối loạn các tuyến nội tiết gồm cường hoặc suy chức năng đều gây nguy hiểm cho người bệnh. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của xã hội hiện đại với lối sống thay đổi, các bệnh lý rối loạn chuyển hoá như béo phì, đái tháo đường, hội chứng chuyển hoá ngày càng gia tăng.
Trong các bệnh lý rối loạn chuyển hóa, đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa hay gặp nhất và có nhiều biến chứng mạn tính để lại những hậu quả nặng nề cho người bệnh. Vì vậy, phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ để có thể chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường cũng như nắm vững được các biến chứng của bệnh là hết sức cần thiết.
Bên cạnh các bệnh lý về rối loạn chuyển hoá. Các bệnh lý nội tiết khác cũng gây biến chứng nếu không được phát hiện và điều trị sớm.
Sơ đồ các tuyến nội tiết phân bố trong cơ thể
Tiểu đường
Tiểu đường là căn bệnh khá phổ biến, tuy nhiên đa số người mắc lại không hề biết mình có bệnh. Bệnh tiểu đường, còn gọi là Đái tháo đường hay Bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao; trong giai đoạn mới phát thường làm bệnh nhân đi tiểu nhiều, tiểu ban đêm và do đó làm khát nước.
Nhiều yếu tố quyết định bệnh tiểu đường như gen, môi trường, ăn uống, vận động thể lực, stress… Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin).
Insulin, được sản xuất từ tuyến tuỵ , một tuyến nằm sau dạ dày, giúp cho các tế bào của cơ thể sử dụng đường từ máu của bạn. Glucose là một nguồn năng lượng cho các tế bào, Glucose được tạo ra từ thức ăn (tinh bột) và thức uống ngọt.
Biến chứng bệnh tiểu đường gây nên rất nguy hiểm như suy thận, mù mắt, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, hoại tử và có nguy cơ tử vong...Ngoài ra, người bệnh tiểu đường cũng giảm khả năng chăn gối một cách rõ rệt.
Cường giáp
Cường giáp là một trong những bệnh lý tuyến giáp thường gặp và theo thống kê thì hiện nay tỷ lệ người mắc bệnh có dấu hiệu gia tăng mạnh. Bệnh thường kèm theo sự gia tăng kích thước của tuyến giáp, một số ít người mắc bệnh sau chấn thương tinh thần. Nữ giới mắc nhiều hơn nam giới và chủ yếu ở độ tuổi 30 - 45 tuổi. Biểu hiện của bệnh cường giáp là dễ cáu gắt, hồi hộp, cân nặng giảm mạnh không rõ nguyên nhân, ngón tay run giật, mắt lồi và tuyến giáp to.
Suy giáp
Suy giáp là hội chứng đặc trưng bằng tình trạng suy giảm chức năng tuyến giáp, sản xuất hormon tuyến giáp không đầy đủ so với nhu cầu của cơ thể, gây nên tổn thương ở các mô, cơ quan, các rối loạn chuyển hoá trên lâm sàng và xét nghiệm. Suy giáp có thể biểu hiện bằng các hình thái khác nhau tuỳ thuộc vào tuổi bệnh nhân và vào mức độ giảm tiết hormon giáp trạng. Độ tuổi có vai trò quan trọng về mặt biểu hiện của bệnh.
Bệnh thường gặp ở phụ nữ, chiếm tỷ lệ 2% trong khi ở nam giới chỉ có 0,1%. Suy giáp bẩm sinh gặp ở 1/5.000 trẻ sơ sinh. Khi bệnh còn nhẹ thường ít được lưu ý nên hay bị bỏ sót vì vậy bệnh nhân thường đến với thầy thuốc khi bệnh cảnh lâm sàng đã rõ.
Suy tuyến yên
Suy tuyến yên là một rối loạn hiếm gặp, trong đó tuyến yên hoặc không sản xuất hoặc không sản xuất đủ một hoặc nhiều hormone. Tuyến yên là một tuyến nhỏ hình hạt đậu nằm ở đáy não, phía sau mũi và giữa hai tai. Mặc dù kích thước của nó nhỏ, tuyến này tiết ra kích thích tố có ảnh hưởng đến hầu hết các phần của cơ thể.
Trong suy tuyến yên, thiếu một hoặc nhiều kích thích tố tuyến yên. Thiếu hụt này có thể ảnh hưởng đến bất kỳ các chức năng thông thường của cơ thể, chẳng hạn như áp lực tăng trưởng trong máu và sinh sản. Có thể sẽ cần thuốc cho phần còn lại của cuộc sống để điều trị suy tuyến yên, nhưng các triệu chứng có thể được kiểm soát.
Suy tuyến thượng thận
Bệnh suy tuyến thượng thận là tình trạng tuyến thượng thận ngừng sản xuất các hormone quan trọng cần thiết cho các chức năng sống của cơ thể. Có hai loại chính là: suy thượng thận nguyên phát còn gọi là bệnh Addison và thứ phát. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi và cả nam lẫn nữ. Các triệu chứng chính bao gồm, mệt yếu cơ, sút cân, tụt huyết áp, đôi khi có xạm da vùng tiếp xúc với ánh sáng và cả vùng không tiếp xúc với ánh sáng. Điều trị chủ yếu là bù lại lượng hormone thiếu hụt.
Viêm tuyến giáp
Viêm tuyến giáp là bệnh tổn thương tuyến giáp do nhiễm vi khuẩn, vi rút, thuốc hoặc miễn dịch… Bệnh có thể gây ra tình trạng suy giáp, cường giáp (nhiễm độc giáp) hoặc cả hai trường hợp.
Các dạng viêm tuyến giáp
Có nhiều loại viêm tuyến giáp, phổ biến là: viêm tuyến giáp mạn tính, cấp và bán cấp.
Viêm tuyến giáp mạn tính là trường hợp thường gặp nhất
Viêm tuyến giáp mạn tính (hashimoto) là nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng suy giáp, xảy ra do rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch.
Thông thường, hệ thống miễn dịch có chức năng bảo vệ cơ thể chống lại các vi khuẩn và vi rút, nhưng trong bệnh viêm tuyến giáp mạn tính, hệ miễn dịch lại sản sinh ra những kháng thể gây tổn thương và phá hủy nhu mô tuyến, dẫn đến ức chế tổng hợp hoóc-môn tuyến giáp.
Hậu quả là tuyến giáp không sản xuất đủ lượng nội tiết tố mà cơ thể cần, do đó, dẫn đến tình trạng suy giáp. Lúc này, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng giảm nhịp tim, giảm cung lượng tim và tốc độ tuần hoàn, giảm độ co cơ, giảm nhu động ruột, giảm tạo máu và thân nhiệt giảm, mệt mỏi, tăng cân, da, tóţ khô, khó tập trung,…
Viêm tuyến giáp mạn tính thường gặp ở khoảng 5% người trưởng thành và có xu hướng tăng lên theo tuổi.
Viêm tuyến giáp bán cấp thường xuất hiện sau một đợt bị viêm hầu họng hoặc viêm đường hô hấp trên, có nhiều khả năng do virus gây ra.
Thời gian đầu, tuyến giáp bị phá hủy đã giải phóng ra nhiều nội tiết tố dự trữ, gây cường giáp tạm thời.
Sau 1-2 tháng, bệnh nhân lại rơi vào tình trạng suy giáp do tuyến giáp không còn khả năng sản xuất hormon, hơn nữa, lượng nội tiết tố dự trữ đã sử dụng hết. Nếu không được điều trị, bệnh nhân có thể sẽ bị suy giáp vĩnh viễn.
Viêm tuyến giáp cấp (hay còn được gọi là viêm tuyến giáp sinh mủ) thường do vi khuẩn gây ra. Bệnh nhân thường kèm theo mệt mỏi, sốt cao, vùng cổ sưng nóng và đau. Trong điều trị, phương pháp nội khoa bằng kháng sinh liều cao và chích tháo mủ được sử dụng rộng rãi.
Hầu hết, các triệu chứng của viêm tuyến giáp đều không điển hình, nhất là khi bệnh còn ở giai đoạn đầu nên việc chẩn đoán tương đối khó khăn. Do đó, đa số trường hợp được phát hiện bệnh khi đã ở giai đoạn muộn.
Suy sinh dục
Dấu hiệu ban đầu của suy sinh dục dễ nhận thấy, đó là giảm ham muốn tình dục, khi quan hệ không làm thoả mãn bạn tình.
Từ khoảng 30 tuổi, nồng độ testosteron trong máu cứ mỗi 10 năm sẽ giảm khoảng 10%. Chất protein kết hợp với testosteron sẽ gia tăng. Chất này sẽ kết hợp với testosteron làm giảm testosteron tự do trong máu, do vậy làm giảm tác dụng của testosteron trên các mô của cơ thể.
Testosteron được sản xuất từ tinh hoàn và tuyến thượng thận, là nội tiết tố sinh dục của nam, giống như estrogen của nữ. Testosteron giúp tổng hợp protein, cần thiết cho hoạt động tình dục và làm cương dương vật. Nó cũng ảnh hưởng đến nhiều hoạt động chuyển hóa như sản xuất tế bào máu trong tủy xương, tạo xương, chuyển hóa mỡ, đường, chức năng gan và làm tuyến tiền liệt to ra.
Suy tuyến sinh dục khởi phát muộn thường kèm với giảm testosteron. Hầu như bất kỳ người đàn ông nào cũng giảm testosteron nhưng mỗi người có biểu hiện mỗi khác. Mặc dù nồng độ testosteron ở nam giới giảm theo tuổi nhưng không phải ai cũng vậy.
Xét nghiệm máu có thể giúp chẩn đoán chính xác, việc điều trị sớm sẽ giúp cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của bệnh nhân. Bổ sung testosteron là phương pháp điều trị hiệu quả sau 3-6 tháng. Nó có tác dụng tăng sức sống, tăng ham muốn tình dục, cải thiện khả năng cương, cải thiện tinh thần, giảm buồn rầu hay giận dữ, giảm mệt mỏi...