Thứ bảy, 25/03/2017, 13:04 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Phẫu thuật cắt bỏ túi mật không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nhiều người vẫn rất lo lắng khi bước vào phòng phẫu thuật. Một số thông tin cơ bản về việc chuẩn bị và cách chăm sóc hậu phẫu sẽ giúp bạn giải tỏa nỗi lo này để yên tâm điều trị.
Hàng tuần, tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp tiếp nhận hàng chục bệnh nhân đến điều trị sỏi túi mật, có trên 50% bệnh nhân buộc phải cắt bỏ túi mật do viêm túi mật cấp và các trường hợp này đều sử dụng kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Vậy, cắt túi mật có ảnh hưởng sức khỏe không, ưu điểm của phẫu thuật nội soi cắt bỏ túi mật là gì, khi nào thì nên cắt bỏ túi mật và cần chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật? đây là những câu hỏi mà hầu hết bệnh nhân thắc mắc và lo lắng trước khi phẫu thuật. Để giải tỏa những nỗi lo lắng trên, chúng tôi xin được chia sẻ những thông tin mà có thể bạn đang quan tâm.
Túi mật là gì?
Gọi là túi mật vì nó giống một chiếc túi nhỏ có chức năng lưu trữ dịch mật. Tuy là một bộ phận rất nhỏ của cơ thể nhưng đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tiêu hóa của con người. Tuy nhiên, hệ thống mật bao gồm các đường mật nhỏ trong các thùy gan, ống mật chủ và túi mật chỉ có vai trò phụ, có thể cắt bỏ được. Để tham gia vào quá trình tiêu hóa thức ăn, mỗi ngày gan tổng hợp được khoảng 500-1.000ml dịch mật cho cơ thể, khi chuyển tới túi mật, nó được cô đặc lại và lưu trữ ở đây khoảng 30-50ml dịch mật.
Túi mật là một cơ quan dạng túi thuộc hệ thống dẫn mật có chức năng chứa đựng, cô đặc và tống xuất dịch mật theo nhịp độ hoạt động của hệ tiêu hoá. Túi mật được nối thông với ống mật chủ bởi ống túi mật. Dịch mật được tiết ra từ gan theo hệ thống ống dẫn mật đi xuống ống mật chủ. Ống mật chủ dẫn mật đổ xuống tá tràng (là đoạn đầu của ruột) nhưng không phải liên tục mà là từng đợt theo nhịp độ ăn uống. Trước khi đổ xuống tá tràng, dịch mật bị cơ vòng Oddi (cơ vòng ở lỗ đổ vào tá tràng) chặn lại nên được dẫn vào túi mật. Tại túi mật, dịch mật được túi mật hấp thu bớt nước nên trở nên cô đặc hơn tức là tăng chất lượng hơn. Mỗi khi ăn, thức ăn vào đến tá tràng sẽ kích thích túi mật co bóp mạnh làm mở cơ vòng Oddi để tống một lượng mật cần thiết xuống tá tràng giúp tiêu hoá thức ăn. Như vậy, nếu không có túi mật thì dịch mật vẫn có thể tiết ra bình thường từ gan và đổ xuống tá tràng nhưng đổ xuống liên tục chứ không theo nhịp độ ăn uống như là khi còn túi mật.
Khi nào nên cắt túi mật?
Khi chúng ta ăn, dịch mật tiết ra đi vào phần ruột non, tá tràng thông qua các ống mật để tiêu hóa thức ăn. Khi túi mật “dở chứng” thì nó có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm túi mật gây đau sốt, khi túi mật căng dẫn đến thấm mật phúc mạc là một cấp cứu ngoại khoa cần phải xử lý cắt túi mật ngay, nếu chậm có thể nguy hiểm tính mạng.
Tất cả các trường hợp sỏi túi mật có triệu chứng đều có chỉ định điều trị bất kể kích thước và số lượng sỏi. Với sỏi túi mật không triệu chứng thì vai trò của cắt túi mật và các phương pháp điều trị khác là không rõ ràng. Từ các nghiên cứu theo dõi diễn tiến tự nhiên của sỏi túi mật cho thấy, không cần thiết phải cắt túi mật phòng ngừa, ngoại trừ trường hợp bệnh nhân có nguy cơ cao ung thư túi mật như túi mật sứ, sỏi kết hợp với polyp túi mật lớn hơn 10 mm, sỏi lớn hơn 25 mm…
Sau cắt túi mật có ảnh hưởng gì đến cuộc sống không?
Sau phẫu thuật cắt túi mật, bệnh nhân không nên quá lo lắng vì khi không có kho dự trữ mật (túi mật) thì gan vẫn sản xuất mật và theo ống mật chủ đổ thẳng vào ruột để tiêu hóa thức ăn.
Một số ít trường hợp có chậm tiêu với thức ăn nhiều chất béo, trứng. Vì vậy, tốt nhất là sau phẫu thuật bệnh nhân nên hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo, trứng trong vòng 3 tháng để cơ thể kịp điều chỉnh dự trữ dịch mật.
Rất ít trường hợp có tiêu lỏng sau mổ, triệu chứng này thường tự khỏi sau vài tuần.
Hiện nay phương pháp nội soi cắt túi mật (thay cho phương pháp mổ mở trước kia) đã giúp bệnh nhân đỡ đau, đỡ tốn kém do thời gian nằm viện sau mổ ngắn.
Ưu điểm của Phẫu thuật nội soi cắt túi mật?
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được thực hiện để loại bỏ túi mật điều trị các bệnh lý như sỏi mật, viêm túi mật cấp tính, sỏi túi mật, viêm teo túi mật, u túi mật…
Ưu điểm của Phẫu thuật nội soi cắt túi mật: vết mổ nhỏ, ít đau sau mổ, hồi phục nhanh và thẩm mỹ. Tại bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp, tất cả các trường hợp bệnh lý nêu trên, chúng tôi đều thực hiện phẫu thuật nội soi cắt túi mật với tỉ lệ tai biến, biến chứng rất thấp.
Chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật?
Trước khi bước vào ca mổ, người bệnh sẽ được khám lâm sàng, tìm hiểu về bệnh sử và thực hiện một số xét nghiệm (xét nghiệm máu, siêu âm túi mật …) để đảm bảo có đủ sức khỏe để lên bàn mổ.
Ngoài ra cần thông báo cho bác sĩ biết nếu đang dùng bất cứ loại thuốc nào, bao gồm cả thuốc tự kê đơn và thảo dược. Người bệnh có thể sẽ phải tạm ngừng sử dụng một số loại thuốc nhất định trước khi phẫu thuật.
Bác sĩ sẽ dặn dò chi tiết về những điều cần chuẩn bị cho cuộc mổ, chẳng hạn như:
- Loại thuốc cần uống để làm sạch ruột
- Không được ăn uống khoảng 4 giờ trước khi phẫu thuật
- Sắp xếp người nhà đi cùng để chăm sóc
- Đăng ký phòng để nghỉ ngơi tại bệnh viện sau khi phẫu thuật trong trường hợp người bệnh cần theo dõi lâu hơn.
Chăm sóc hậu phẫu để nhanh hồi phục
Để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, sớm quay lại sinh hoạt bình thường, người bệnh có thể áp dụng một số cách đơn giản sau:
- Uống nhiều nước: bắt đầu bằng một ngụm nhỏ sau khi phẫu thuật và sau đó tăng lên theo sức chịu đựng. Mất nước sẽ khiến vết thương chậm lành và làm cho người bệnh cảm thấy mệt mỏi hơn.
- Vận động nhẹ nhàng: rời giường ngay khi được cho phép sau khi phẫu thuật và đi lại nhẹ nhàng. Lưu ý trong thời gian này, tuyệt đối không nâng vác vật nặng.
- Ăn nhiều chất xơ: một chế độ ăn uống giàu chất xơ, hạn chế các loại thức ăn giàu chất béo rất tốt cho người vừa mới phẫu thuật cắt túi mật.
- Giữ cho vết mổ luôn sạch sẽ và khô: khi đã có thể tắm, người bệnh có thể dùng khăn sạch thấm nhẹ để làm khô vết mổ.
- Dùng thuốc giảm đau: uống thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ phẫu thuật. Cảm thấy đau nhức và khó chịu ở vết mổ vài ngày sau phẫu thuật là điều bình thường. Nhiều người sẽ thấy hơi đau ở vai do khí CO2 được đưa vào khi phẫu thuật chưa được giải phóng hết. Tuy nhiên tình trạng này sẽ chấm dứt trong một vài ngày.
Thông báo ngay cho bác sĩ nếu nhận thấy có những dấu hiệu của nhiễm trùng vết thương như mưng mủ, chảy máu, sưng, nóng, đỏ, người bệnh bị sốt hoặc đau không thể kiểm soát được.
Khi có những triệu chứng sau, bạn nên đến cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị để chẩn đoán và điều trị.
Khoảng 30% trường hợp có sỏi túi mật là có triệu chứng, triệu chứng của sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật (86%), với các đặc điểm sau:
- Tính chu kỳ: Những cơn đau riêng biệt kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
- Vị trí: Đau xảy ra ở thượng vị hoặc vùng bụng trên phải, với các trường hợp đau nhiều nhất ở vùng thượng vị, khiến dễ lầm với bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Mức độ: Đau nhiều và liên tục, cơn đau có thể làm cho bệnh nhân ngưng thở.
- Thời điểm: Đau xảy ra trong vòng vài giờ sau khi ăn, hoặc đau về đêm thường làm cho bệnh nhân thức giấc.
- Các triệu chứng khác bao gồm đau lưng, đau bụng trên trái, buồn nôn và nôn, đầy bụng (khó tiêu với thức ăn mỡ).