Thứ ba, 02/04/2024, 14:02 GMT+7
Cúm A (H5N1) lây truyền bằng cách nào?
Bệnh cúm A (H5N1) có nguồn gốc từ các loài gia cầm như gà, gà tây, ngan, ngỗng, vịt, chim cút, đà điểu, chim cảnh hoặc chim hoang dã…
Bệnh lây từ gia cầm sang người do người có tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc cận kề với gia cầm nhiễm bệnh, gia cầm chết hoặc các vật bị nhiễm phân, dịch tiết của gia cầm bị bệnh trong quá trình nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn tiết canh, ăn thịt gia cầm bệnh chưa nấu chín.
Gà, vịt,... là nguồn gốc của cúm A (H5N1)
Triệu chứng nhiễm cúm A (H5N1)
Khi bị nhiễm cúm A (H5N1), người bệnh sẽ có triệu chứng: sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ…Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như: đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy, chảy máu cam và lợi.
Sau đó là các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như khó thở, đau ngực. Ở nhiều người biểu hiện của viêm đường hô hấp dưới có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm. Khó thở tiến triển rất nhanh, trường hợp nặng gây suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.
Các biện pháp phòng chống dịch cúm A (H5N1) lây sang người
1. Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
2. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
3. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
4. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Cúm A (H5N1) rất dễ bùng phát thành vụ dịch ở gia cầm và tiềm ẩn nguy cơ lây sang người. Virus A (H5N1) có độc lực cao, các triệu chứng không quá rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn sang bệnh cúm do các chủng virus cúm khác. Do vậy, chủ động phát hiện bệnh sớm, điều trị và tuân thủ các biện pháp là yếu tố sớm đẩy lùi dịch cúm gia cầm.