Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Phòng và điều trị trào ngược dạy dày thực quản

Thứ hai, 09/12/2019, 09:20 GMT+7

(Tâm Trí) Trào ngược dạ dày thực quản là một bệnh khá phổ biến, tỉ lệ ngày càng gia tăng ở Châu Á và Việt Nam. Bệnh thường gặp ở trẻ em và người lớn. Mặc dù là bệnh thường gặp nhưng cũng nhiều trường hợp không được chẩn đoán đúng.

Triệu chứng đặc hiệu của bệnh là chứng ợ nóng. Bệnh cũng có thể biểu hiện dưới dạng các triệu chứng tinh vi hơn gây nhằm lẫn với các bệnh lý khác như là đau ngực, ho kéo dài, đau rát họng, bệnh lý tim phổi, viêm họng...; cũng có khi trào ngược dạ dày thực quản không có biểu hiện gì cả, khi nội soi hoặc đến khi có biến chứng thì mới phát hiện bệnh.

Nguồn: THĐT1

Những dấu hiệu chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản

Ợ hơi, ợ chua, ợ nóng có thể là dấu hiệu sinh lý bình thường nếu như nó chỉ xảy ra thoáng qua và không gây cảm giác khó chịu. Nếu các triệu chúng này xảy ra thường xuyên, ở một mức nặng hơn, làm cho người bệnh cảm thấy khó chịu hoặc gây viêm thực quản thì được xem như là bệnh lý.

Chứng trào ngược dạ dày thực quản được bác sĩ chẩn đoán, chủ yếu dựa trên triệu chứng mà người bệnh mô tả. Triệu chứng điển hình của trào ngược dạ dày thực quản là ợ chua, ợ hơi, nóng rát sau xương ức, đau rát họng, vị chua trong miệng. Triệu chứng này trầm trọng hơn vào ban đêm, ở tư thế nằm.

Nếu người bệnh có các triệu chứng điển hình này và không có dấu hiệu báo động của bệnh lý nghiêm trọng như: nuốt khó, nuốt đau, sụt cân, chán ăn, thiếu máu, chảy máu đường tiêu hóa, triệu chứng mới xuất hiện gần đây ở người lớn tuổi (trên 50 tuổi), người bệnh sẽ được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản và tiến hành điều trị trong khoảng thời gian 4-8 tuần.

Sau giai đoạn điều trị, nếu không hết người bệnh sẽ được nội soi thực quản dạ dày để chẩn đoán. Trong việc chẩn đoán cần phải lưu ý xem người bệnh có các triệu chứng cảnh báo như trên hay không. Đó là những dấu hiệu cảnh báo có khả năng có bệnh lý nghiêm trọng như là ung thư thực quản, ung thư dạ dày.

Các phương tiện chẩn đoán cận lâm sàng sẽ được dùng đến nếu người bệnh có triệu chứng không rõ ràng, còn nghi ngờ về chẩn đoán, không đáp ứng với điều trị, hoặc có dấu hiệu báo động bệnh lý nghiêm trọng. Phương tiện xét nghiệm thường dùng chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản là nội soi thực quản dạ dày; đo áp lực cơ vòng dưới thực quản, đo pH thực quản chỉ áp dụng cho các trường hợp đặc biệt.

Biến chứng

trao-nguoc-da-day-la-gi-1

Trào ngược dạ dày thực quản dẫn đến viêm loét thực quản, nếu nặng và kéo dài đưa đến hẹp thực quản. Viêm loét thực quản cũng có thể gây chảy máu.

Trào ngược dạ dày thực quản diễn ra trong một thời gian lâu làm cho niêm mạc thực quản biến đổi tựa như niêm mạc ruột, gọi là Barrett thực quản. Barrett thực quản là tổn thương tiền ung thư, có thể chuyển thành ung thư thực quản. Khi đã chuyển thành barrett thực quản thì không thể điều trị hết bằng thuốc, mà cần theo dõi kỹ bằng nội soi, nếu có dấu hiệu nguy cơ cao chuyển sang ung thư thì can thiệp bằng thủ thuật hoặc là phẫu thuật.

Ở một số bệnh nhân, đặc biệt là trẻ em và người già có thể gây nên viêm phổi do hít dịch trào ngược vào đường thở.

Chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh

Thay đổi lối sống là bước điều trị đầu tiên và quan trọng nhất:

- Thay đổi chế độ ăn: kiêng rượu bia, cà phê, thuốc lá, thức ăn có nhiều dầu mỡ, thức ăn chua, cay, nước uống có ga.
- Thói quen ăn uống: Không ăn bữa ăn quá no, nên chia làm nhiều bữa ăn ít hơn, không ăn muộn vào buổi tối, không nằm trong 2 giờ sau khi ăn, không uống quá nhiều nước trong khi ăn.
- Ngủ nằm đầu cao 15cm so với chân.
- Giảm cân nếu thừa cân, béo phì.
- Ngưng các thuốc kích thích dạ dày.
 Những thức ăn người bị chứng trào ngược dạ dày thực quản không nên ăn:
- Thức ăn có nhiều dầu mỡ. Những thức ăn này làm sức co của cơ vòng dưới thực quản giảm, làm cho thức ăn tồn đọng lâu trong dạ dày, do đó làm trào ngược dễ xuất hiện.
- Trái cây tốt cho sức khỏe, tuy nhiên cũng có một số trái cây làm cho trào ngược dạ dày thực quản nặng thêm: cam, chanh, bưởi, cà chua, cóc, me... các loại trái cây này có thành phần acid nhiều. Người bị trào ngược dạ dày thực quản nên hạn chế ăn, đặc biệt là trái cây chua.
- Chocola: có chứa chất là methyxanthine chất này làm giảm co thắt cơ vòng dưới thực quản, do đó trào ngược dịch dạ dày vào thực quản.
- Tiêu, ớt, hành, tỏi, bạc hà... gây kích thích dạ dày làm tăng khả năng trào ngược.

Các thức ăn dưới đây có thể làm bớt triệu chứng trào ngược:

- Yaourt
- Bơ làm từ đậu phộng
- Các thực phẩm giàu chất xơ: các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho sức khỏe, tốt cho vấn đề tiêu hóa và làm giảm trào ngược dạ dày thực quản. Thực phẩm giàu chất xơ: đu đủ, các loại đậu, táo, bơ, bông cải, atiso...

Đây là một bệnh mãn tính vì vậy việc điều trị phải lâu dài, ngay cả khi đã hết triệu chứng. Thay đổi lối sống phối hợp, cộng thêm một số thuốc trong thời gian dài là cách thức điều trị có hiệu quả.

Những bệnh nhân có triệu chứng trào ngược dạ dày thực quản mãn tính, tái phát nhiều lần nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị hiệu quả nhất.


BS.CKI Hà Phước Duy

Giới hạn tin theo ngày :