Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Phòng và điều trị viêm khuẩn đường hô hấp ở trẻ

Thứ tư, 04/12/2019, 14:59 GMT+7

(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Thời tiết lạnh là điều kiện thuận lợi để các loại virus đường hô hấp phát triển, trong khi sức đề kháng của trẻ chưa đủ mạnh.

Mời quý vị và các bạn xem video clip phỏng vấn Bác sĩ CKI Lâm Trần Thạch Hải Đăng Thu, Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp về vấn đề trên.

Nguồn:  THĐT1

Các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thường gặp ở trẻ trong mùa lạnh

Vào mùa lạnh trẻ rất dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (NKHHCT): viêm hô hấp trên (từ cảm ho thông thường - do rhinovirus, cho đến cúm - do virus cúm, viêm mũi họng, viêm tai…), hay các bệnh viêm hô hấp dưới (như viêm phổi và đặc biệt là viêm tiểu phế quản).

Trong trường hợp trẻ chỉ bị viêm hô hấp trên, bệnh thường nhẹ, đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 – 14 ngày nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khoảng 20-25% trẻ sẽ diễn tiến thành viêm phổi, cần điều trị kháng sinh thích hợp để tránh biến chứng và tử vong. Hiện nay, viêm phổi vẫn là nguyên nhân tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi tại các nước đang phát triển: ước tính có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi mỗi ngày, cứ mỗi 20 giây sẽ có một trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới và 90% là ở các nước đang phát triển.

Viêm tiểu phế quản là một bệnh chỉ gặp ở trẻ dưới 2 tuổi. Tuy ít gây tử vong hơn so với viêm phổi, nhưng bệnh rất dễ lây và chính là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ phải nhập viện trong mùa lạnh.

Các triệu chứng cần biết khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp

• Triệu chứng đơn giản gợi ý NKHHCT là ho dưới 30 ngày

• Triệu chứng xuất hiện sớm nhất khi trẻ bị viêm phổi là thở nhanh. Để nhận biết trẻ có thở nhanh hay không, ta cần đếm nhịp thở của trẻ trong 1 phút, với đồng hồ có kim giây. Tốt nhất là chỉ đếm nhịp thở khi trẻ nằm yên không quấy, khóc.

- Trẻ dưới 2 tháng: thở nhanh khi nhịp thở từ  60 lần /phút  trở lên

- Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng: thở nhanh khi từ  50 lần /phút  trở lên

- Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi: thở nhanh khi từ  40 lần /phút  trở lên

Khi thấy trẻ thở nhanh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được điều trị sớm vì  đây là triệu chứng sớm nhất báo hiệu là trẻ đã bị viêm phổi.

• Triệu chứng cho biết trẻ đã bị viêm phổi nặng là thở co lõm lồng ngực: khi trẻ hít vào phần dưới lồng ngực sẽ bị lõm vào thay vì nở ra như bình thường. Cần cho trẻ nhập viện vì đây là triệu chứng cho biết trẻ đã bị viêm phổi nặng, cần điều trị tích cực để tránh biến chứng và tử vong.

• Các dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay: tím tái, bỏ bú hoặc bú kém (bú ít hơn một nữa lượng sữa bình thường) (với trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (với trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), ngủ li bì - khó đánh thức, co giật, thở có tiếng rít. Đặc biệt trẻ dưới 2 tháng nếu có sốt hoặc hạ nhiệt độ, thở khò khè thì cũng là dấu hiệu bệnh nặng cần đưa trẻ đi khám ngay. Khi trẻ có dù chỉ 1 trong các triệu chứng kể trên, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay vì có khả năng tính mạng trẻ đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Chăm sóc trẻ bị ho, cảm lạnh tại nhà như thế nào?

• Tiếp tục cho trẻ ăn hoặc cho bú nhiều lần hơn. Không kiêng ăn.

• Cho trẻ uống đủ nước.

• Giảm ho, đau họng bằng thuốc nam an toàn ( tắc chưng đường, mật ong, tần dầy lá, hoa hồng bạch, nước trà loãng - ấm…)

• Dùng thuốc điều trị sốt, ho, khò khè… theo hướng dẫn của thầy thuốc.

• Không lạm dụng thuốc kháng sinh vì không hiệu quả, tốn kém, thậm chí có thể có tác dụng phụ hay làm cho vi trùng kháng thuốc.

• Làm thông thoáng mũi giúp trẻ dễ thở, dễ bú hơn.

• Chú ý phát hiện các dấu hiệu của bệnh viêm phổi hay các dấu hiệu nguy hiểm kể trên để đưa trẻ đến bệnh viện khám ngay.

Phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cho trẻ khi trời trở lạnh

Khi thời tiết trở lạnh, các bậc cha mẹ cần lưu ý giữ ấm cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn mặc đủ ấm phù hợp với mức độ lạnh bên ngoài: mặc thêm áo ấm, nón len, mang thêm bao tay, vớ, khăn, … nhất là khi cần thiết phải đưa trẻ ra ngoài nhà.

Rửa tay cũng là biện pháp hữu hiệu để phòng chống các bệnh hô hấp nói chung, đặc biệt là viêm tiểu phế quản và kể cả viêm phổi nữa. Tuy là bệnh đường hô hấp nhưng đường lây quan trọng của các bệnh này là qua trung gian bàn tay nhiễm bẩn.

Cần tránh để trẻ tiếp xúc gần gũi với người lớn hay trẻ khác đang cảm ho – dù chỉ là cảm ho thông thường. Virus gây bệnh viêm tiểu phế quản là loại virus có khả năng lây lan cao và gây bệnh cho mọi người. Tuy nhiên, nếu trẻ lớn và người lớn nhiễm virus này thì chỉ có biểu hiện cảm ho thông thường nhưng sẽ là nguồn lây bệnh quan trọng cho trẻ nhỏ. Trong khi trẻ dưới 2 tuổi nhiễm virus này sẽ bị viêm tiểu phế quản và trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng.

Và khi tình hình bệnh hô hấp thật sự đã gia tăng, nên tránh cho trẻ đến nơi đông người nếu không thật cần thiết.

Các bậc cha mẹ cũng cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ đúng mức vì nếu kiêng tắm, vệ sinh thân thể kém thì trẻ cũng dễ dàng mắc nhiều bệnh khác chứ không chỉ là bệnh hô hấp. Tuỳ theo mức độ lạnh bên ngoài, chúng ta mỗi ngày cũng cần cho trẻ tắm hoặc lau người trẻ lần lượt từng phần bằng nước ấm vào thời điểm ấm nhất trong ngày, ở nơi kín gió. Sau đó cho trẻ mặc thêm quần áo ấm, vớ, bao tay,…

Cha mẹ cũng cần tiếp tục cho trẻ ăn uống đầy đủ để trẻ đủ dinh dưỡng, năng lượng, sức đề kháng chống với cái lạnh cũng như các bệnh hô hấp.

Các bậc cha mẹ nên cho trẻ chủng ngừa cúm nếu trẻ nhỏ hơn 5 tuổi (đặc biệt trẻ 6-23 tháng tuổi), trẻ có bệnh mãn tính (như hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim chẳng hạn). Những trẻ này được xem là đối tượng có nguy cơ cao, dễ có biến chứng nặng khi bị cúm.


Bác sĩ CKI Lâm Trần Thạch Hải Đăng Thu

Giới hạn tin theo ngày :