Thứ ba, 28/06/2016, 13:34 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, đây là một điều mà các Bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân của mình. Có những căn bệnh có thể chữa trị một cách dễ dàng nhưng có những căn bệnh thì vấn đề chữa trị gặp rất nhiều khó khăn. Với những căn bệnh có những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như bệnh tiểu đường thì việc phòng bệnh là một điều quan trọng.
Vậy cách phòng chống bệnh tiểu đường như thế nào? Bài viết sau đây sẽ chỉ cho bạn những cách ngăn ngừa bệnh tiểu đường một cách tốt nhất.
Để giúp độc giả quan tâm có thêm những kiến thức về cách phòng ngừa bệnh tiểu đường, chúng tôi có cuộc phóng vấn Bác sĩ Lê Thanh Nhàn xoay quanh vấn đề này.
PV: Thưa Bác sĩ Lê Thanh Nhàn, Bác sĩ hãy cho biết: Bệnh tiểu đường là gì? Các thể bệnh tiểu đường thường gặp và làm gì để ngăn ngừa bệnh tiểu đường?
Bác sĩ trả lời:
Theo nghiên cứu, hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường là do sự kết hợp của 5 yếu tố cơ bản là thói quen hút thuốc, hoạt động thể chất, sử dụng đồ uống có cồn, chế độ ăn uống và chỉ số chất béo trong cơ thể. Tuy nhiên chỉ cần 1 trong 5 yếu tố nêu trên đạt trên mức lành mạnh là có thể giảm thiểu được tối thiểu 35% nguy cơ mắc bệnh. Bên cạnh đó có một số bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường loại 2 do gen di truyền, gen có thể là yếu tố quyết định mức sản sinh Insulin trong máu, trường hợp này chúng ta hoàn toàn không thể tác động. Nhưng số bệnh nhân ở loại này chỉ chiếm một phần rất nhỏ, vì vậy việc kết hợp các yếu tố lành mạnh trên có thể giảm thiểu được hầu hết nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Mặc dù tiểu đường là căn bệnh khá phổ biến và là một căn bệnh nguy hiểm, nhưng nếu biết cách phòng tránh bạn sẽ không phải gánh chịu những hậu quả mà bệnh này gây nên. Chỉ cần tập và duy trì thói quen hàng ngày dưới đây, chắc chắn bệnh tiểu đường không còn cơ hội để xâm nhập vào cơ thể bạn được nữa.
Vậy bệnh tiểu đường là gì ?
Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) là một bệnh rối loạn chuyển hóa cacbonhydrat, lúc này hóc môn insulin của tuyến tụy bị thiếu hụt hoặc giảm tác động ở bên trong cơ thể. Tiểu đường nói một cách dễ hiểu nhất là hiện tượng dư đường trong cơ thể, đặc biệt là lượng đường trong máu ở mức cao. Các hiện tượng đi tiểu nhiều, tiểu về đêm hay khát nước là những dấu hiệu ban đầu của bệnh tiểu đường.
Thức ăn vào cơ thể sẽ được chuyển hóa hết thành đường glucose, đây là loại năng lượng chính cho cơ thể hoạt động. Sau khi chuyển hóa thành đường glucose sẽ được insulin do tuyến tụy sản sinh ra giúp vận chuyển đến tất cả các tế bào trong cơ thể để lấy năng lượng thực hiện nhiệm vụ của mình. Khi lượng insulin không đủ để vận chuyển đường đến các tế bào thì nó sẽ tích tụ lại và sinh ra căn bệnh tiểu đường khiến lượng đường trong máu luôn ở mức cao.
Căn cứ theo nguyên nhân sâu xa gây bệnh mà người ta chia căn bệnh tiểu đường ra làm 2 dạng khác nhau: Loại 1 là do tuyến tụy không tiết ra insulin và loại này chỉ chiếm 5 - 10%; Loại 2 thì do nguyên nhân tuyến tụy giảm tiết insulin hoặc sức đề kháng của insulin bị giảm đi, loại này chiếm đa số tới 90 - 95%.
Các thể bệnh tiểu đường thường gặp
Qua nghiên cứu và kiểm nghiệm, các chuyên gia y học đã phân loại được bệnh tiểu đường gồm hai thể bệnh chính:
Bệnh tiểu đường loại 1 (tuýp 1): Lí do gây bệnh bởi tụy tạng không tiết Insulin, phần lớn loại này thường bắt gặp ở trẻ em và lứa tuổi vị thành niên dưới 20 tuổi. Tỉ lệ các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 chỉ chiếm từ 5-10%. Các triệu chứng của tiểu đường loại 1 thường diễn biến một cách nhanh chóng và đột ngột, khiến cho bệnh nhân không kịp thời nắm bệnh. Chúng ta có thể phát hiện tiểu đường loại 1 qua các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều và gầy nhiều (4 nhiều), trẻ sụt cân nhanh chóng, dễ bị nhiễm trùng và chậm phát triển. Nếu không điều trị, bệnh sẽ phát triểu nhanh chóng, càng ngày các triệu chứng càng biểu hiện rõ rệt hơn. Đến giai đoạn toàn phát sẽ nhiễm Ceton và đường huyết tăng nhanh chóng do thiếu Isulin tuyệt đối.
Bệnh tiểu đường loại 2 (tuýp 2): Phát sinh do cơ thể mất khả năng sử dụng tốt Insulin để duy trì đường huyết ở trong mức bình thường, thường gặp ở lứa tuổi trên 40, tuy nhiên gần đây xuất hiện ngày càng nhiều ở lứa tuổi 30. Khi mắc bệnh, lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao hơn bình thường và không biểu hiện rõ nét qua triệu chứng bên ngoài. Bệnh nhân thường chỉ phát hiện bệnh khi tình cờ đi xét nghiệm máu để điều trị các bệnh lý khác. Thông thường, chúng ta chỉ tìm đến bác sĩ khi tiểu đường đã biến chứng như nhiễm trùng da kéo dài, nhồi máu cơ tim, liệt dương hay nhiễm trùng âm hộ.
Tuy nhiên, chúng ta có tới 90% cơ hội phòng tránh bệnh tiểu đường, những trường hợp này ở các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 2. Đó là nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Archives of Internal Medicine do tiến sĩ Dariush Mozaffarian đến từ Trường Y tế cộng đồng Harvard, Hoa Kỳ thực hiện.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tiểu đường ?
Theo định nghĩa đơn giản, bệnh tiểu đường tương ứng với hàm lượng đường trong máu cao hơn 1,2g/L lúc nhịn ăn và cao hơn 2g/L bất cứ lúc nào trong ngày. Nếu vượt quá tỉ lệ này, sẽ xuất hiện các biến chứng về mắt, suy thận, cao huyết áp, viêm động mạch các chi dưới và lở loét bàn chân.
Vậy làm thế nào để hạn chế căn bệnh này. Dưới đây là một số phương pháp phòng bệnh tiểu đường:
1. Khống chế trọng lượng
Trọng lượng là vấn đề rất cần được quan tâm đối với bệnh nhân mắc tiểu đường, đặc biệt tiểu đường tuýp 2.
Béo phì đồng nghĩa với dư thừa chất béo trong cơ thể. Vừa béo phì vừa mắc tiểu đường tuýp 2 là điều kiện thuận lợi cho hàm lượng insulin tăng trong máu. Các chuyên gia khuyên bạn nên bằng cách này hay cách khác phải “tiêu bớt” chất béo dư thừa trong cơ thể để cải thiện tình hình.
2. Bỏ thuốc lá
Nếu bạn là “đệ tử” của thuốc lá, việc điều trị bệnh sẽ gặp bất lợi. Người có tiền sử mắc bệnh tiểu đường thường bị tắc mạch ngoại vi, nhất là ở các chi. Hút thuốc lá càng làm mạch chi bị tắc nhiều hơn, trong trường hợp xấu, đôi khi phải dùng đến thủ thuật cắt cụt chân.
Không chỉ dừng lại ở đó, hút thuốc lá còn có thể khiến đàn ông “bất lực”. Khi hút thuốc, hàm lượng LDL cholesterol (cholesterol xấu) tăng, kéo theo khả năng mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ cũng tăng.
3. Ăn ít chất béo
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo, chế độ ăn uống khoa học là vấn đề then chốt khống chế bệnh tiểu đường. Một chế độ ăn lành mạnh, bao gồm các loại thực phẩm ít chất béo và calo, ăn nhiều rau xanh, trái cây, nếu ăn thịt chỉ nên ăn thịt nạc.
4. Ăn nhiều rau xanh
Nếu bạn thường ăn sáng với những đồ ăn nhiều dầu mỡ như bánh mì bơ, phomat bơ, khoai tây chiên… hãy đổi vị bằng món salad mỗi sáng. Bổ sung nhiều rau xanh thường xuyên là cách đơn giản nhất để phòng tránh bệnh tiểu đường. Đây cũng là cách hữu hiệu để giảm thiểu cân nặng, giữ lượng đường trong máu được ổn định.
Chất xơ trong rau xanh có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường, bởi nó có thể hạ thấp tỷ lệ đường trong máu. Ngoài ra, chất xơ còn có tác dụng trong việc phòng chống bệnh tim mạch.
5. Bổ sung thêm ngũ cốc
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn ngũ cốc như là một thành phần chủ đạo trong bữa ăn. Bên cạnh đó, bạn có thể ăn bổ sung bánh mì hay các loại bánh được chế biến từ bột mì cũng đem lại tác dụng như ý.
6. Hạn chế đường, chất béo và cácbon-hydrat
Cơ thể chúng ta có khả năng hòa tan nhiều loại thức ăn khác nhau theo những tỷ lệ khác nhau: mất từ 5 phút – 3 giờ để tiêu hóa cacbon – hydrat (có nhiều trong khoai tây), 3 – 6 giờ để tiêu hóa protein và phải mất 8 giờ hoặc hơn để “tiêu thụ” hết. Đó là lý do tại sao các loại thức ăn khác nhau có những ảnh hưởng khác nhau tới hàm lượng đường trong máu (ví dụ ăn kem sẽ làm tăng hàm lượng đường trong máu nhanh hơn so với ăn khoai tây). Tuy nhiên, bệnh nhân tiểu đường không nhất thiết phải kiêng vĩnh viễn đồ ngọt. Có điều bạn nên hạn chế và ăn có điều độ.
7. Bỏ qua thức ăn nhanh
Thức ăn nhanh là cơn ác mộng tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống lại bệnh tiểu đường. Vì vậy, bạn nên hạn chế loại đồ ăn này bất cứ lúc nào có thể.
8. Uống cà phê mỗi ngày
Cà phê giúp bạn tránh được bệnh tiểu đường rất tốt. Một số nghiên cứu cho thấy, cà phê hoặc đúng hơn là caffeine có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường một cách an toàn. Chúng ta nên uống đều đặn 1 ly cà phê mỗi sáng để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh.
9. Luyện tập thể dục, thể thao
Luyện tập thể dục thể thao không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Mỗi ngày bạn nên luyện tập khoảng 30 phút. Hãy lựa chọn hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe như: đi bộ, đạp xe, bơi lội hay ngay cả khi thay việc đi thang máy bằng việc leo cầu thang bộ cũng đem lại hữu ích.
10. Khám bệnh thường xuyên
Cách phòng và chữa trị bệnh dễ dàng nhất là khám bệnh thường xuyên để phát hiện bệnh sớm. Bạn cần phải biết lượng đường trong máu bạn như thế nào, đặc biệt là trong gia đình bạn đã có người bị tiểu đường. Hãy xét nghiệm máu định kỳ và làm theo những lời khuyên của bác sĩ để phòng bệnh tốt nhất.
Tiểu đường là một bệnh hiểm nghèo với nhiều biến chứng trầm trọng nếu không được kiểm soát tốt. Vì vậy, phát hiện sớm bệnh tiểu đường để được theo dõi điều trị là việc cần thiết.
PV: Cảm ơn Bác sĩ.