Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Thoái hóa cột sống, điều trị như thế nào?

Thứ hai, 08/04/2024, 10:11 GMT+7

Trong những năm qua, bệnh lý thoái hóa cột sống đang có xu hướng trẻ hóa. Tại BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp thường xuyên tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân bị thoái hóa cột sống ở các độ tuổi khác nhau. Vì vậy, tự trang bị kiến thức đủ và đúng về thoái hóa cột sống có thể giúp mọi người chủ động hơn trong việc phát hiện, kiểm soát và điều trị hiệu quả, đồng thời hỗ trợ giảm thiểu nguy cơ bệnh xảy ra.

*Bài viết được tư vấn chuyên môn từ Bác sĩ CKI Hồ Minh Đức - Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp

web1_1

Thoái hóa cột sống là căn bệnh phổ biến

Thoái hóa cột sống là gì?
Thoái hóa cột sống là thuật ngữ y khoa được sử dụng để mô tả tình trạng viêm xương khớp tại cột sống. Đây là một căn bệnh mãn tính, có thể xảy ra ở cột sống cổ, cột sống ngực (trên và giữa lưng) hoặc cột sống thắt lưng (phần lưng dưới). Trong đó, thoái hóa đốt sống cổ và thoái hóa cột sống thắt lưng là tình trạng phổ biến nhất.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết thoái hóa cột sống

Hầu hết bệnh nhân đều có biểu hiện đau nhức khó chịu. Tùy theo vị trí đốt sống bị thoái hóa mà các cơn đau ở mỗi trường hợp sẽ không giống nhau, ví dụ như:
- Thoái hóa cột sống thắt lưng: người bệnh thường cảm thấy đau ở vùng lưng dưới, mông, bẹn và sau đùi. Nếu không được kiểm soát tốt, tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến bắp chân, cẳng chân và cả bàn chân.
- Thoái hóa đốt sống cổ: khu vực cổ, vai, lưng trên và lưng giữa (đôi khi) đau nhức khó chịu. Khi bệnh trở nặng, cơn đau còn có thể lan xuống cánh tay, bàn tay và thậm chí là các ngón tay. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bị đau đầu thường xuyên.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác
Bên cạnh những cơn đau khó chịu, thoái hóa cột sống còn có khả năng gây ra nhiều triệu chứng, dấu hiệu khác. Chúng bao gồm:
- Cột sống cứng và kém linh hoạt, đặc biệt là vào sáng sớm hoặc sau khi người bệnh ngồi lâu, gây khó khăn cho việc duy trì tư thế tốt.
- Các cơn đau lưng dưới xuất hiện liên tục
- Có âm thanh “lạo xạo, lục cục” mỗi khi bệnh nhân cúi người hoặc ưỡn ngực, thường liên quan đến tình trạng khô khớp do thiếu dịch nhờn.
- Người bệnh có xu hướng gù hoặc cong vẹo cột sống.
- Khu vực có đốt sống bị viêm có thể sưng đau và mềm, ấm khi sờ vào.

Phương pháp điều trị bệnh thoái hóa cột sống

Thoái hóa cột sống lưng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ kiểm soát được bệnh, đem lại cuộc sống bình thường cho người bệnh. Một số phương pháp điều trị thoái hóa cột sống lưng phổ biến hiện nay là:
1. Chữa thoái hóa cột sống bằng thuốc
Để điều trị thoái hóa cột sống dựa theo triệu chứng lâm sàng, có thể sử dụng một số loại thuốc như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm, thuốc giãn cơ,... Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý, về cơ bản các loại thuốc chỉ hỗ trợ “khóa” cơn đau tạm thời, không thể phục hồi tác động tới các cấu trúc cột sống đã bị thoái hóa. 
2. Vật lý trị liệu kết hợp phục hồi chức năng
- Thông qua hệ thống máy móc và các bài tập sẽ giúp bệnh nhân phục hồi vận động và tăng cường sự dẻo dai cho xương khớp ở vùng cột sống lưng. Một số loại máy được ứng dụng để trị liệu thoái hóa cột sống lưng bao gồm: máy kéo giãn, xung kích, laser, điện xung giao thoa, từ trường,… 
- Phương pháp vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân lấy lại tầm vận động nhanh chóng, tăng cường tuần hoàn máu, đồng thời ngăn chặn biến chứng như teo cơ, liệt chi, điều trị thoái hóa cột sống lưng hiệu quả, hạn chế lạm dụng thuốc.
- Phương pháp nắn chỉnh cấu trúc cột sống bị sai lệch vào đúng vị trí, giải phóng các chèn ép lên dây thần kinh, kích thích quá trình tự chữa lành của cơ thể, ngăn ngừa cơn đau cột sống lâu dài, tránh tái phát.
3. Châm cứu, cấy chỉ hỗ trợ giảm đau
Châm cứu giúp khai thông khí huyết, khôi phục cân bằng của khí, kích thích cơ thể tự chữa lành. Ở góc độ khoa học, kim châm cứu tác động vùng cột sống bị tổn thương, đồng thời kích thích cơ thể sản sinh chất giúp giảm đau và chống viêm tự nhiên.

web3_1
Châm cứu hỗ trợ giảm đau

4. Phẫu thuật cột sống
Đây là cách chữa thoái hóa cột sống nên được thực hiện sau cùng khi các phương pháp điều trị nội khoa không đạt kết quả. Phẫu thuật cột sống để giải quyết tình trạng thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống và hẹp ống sống kéo dài, gây ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống. 
5. Tập luyện một số bài tập tăng cường sức khỏe cột sống
Luyện tập có thể giúp hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống. Các bài tập giúp kéo giãn cột sống một cách tự nhiên, thúc đẩy phục hồi các tổn thương ở đốt sống, đồng thời hệ thống các khớp cũng trở nên linh hoạt và dẻo dai. Mặt khác, luyện tập thường xuyên là cách để người bệnh thoái hóa cột sống có tinh thần minh mẫn và cảm thấy thoải mái hơn.

web2_3
Luyện tập có thể giúp hỗ trợ điều trị thoái hóa cột sống

Cách phòng ngừa bệnh thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống là một quá trình diễn biến tự nhiên theo tuổi tác mà không có yếu tố nào có thể ngăn chặn. Song, chúng ta có thể làm chậm quá trình này bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống khoa học và luyện tập thể dục thường xuyên.
1. Chế độ dinh dưỡng phòng ngừa thoái hóa cột sống
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin (C,D) và khoáng chất tốt cho xương khớp vào bữa ăn hằng ngày như Ca hoặc Mg.
- Bổ sung đường tự nhiên từ các loại thực phẩm chức năng.
- Uống nhiều nước lọc, tối thiểu 1,5 lít – 2 lít/ngày
- Không dùng các chất kích như thuốc lá, rượu bia, cà phê.
2. Thói quen sinh hoạt và luyện tập lành mạnh
- Hạn chế các công việc nặng nhọc, dùng sức nhiều, chú ý điều chỉnh tư thế, giảm các áp lực dồn lên cột sống.
- Thường xuyên thay đổi tư thế khi ngồi nhiều, khoảng 60 phút nên đứng lên đi lại để cột sống và xương khớp được thư giãn.
- Giữ cho tinh thần thoải mái, kiểm soát căng thẳng và áp lực bằng cách đọc sách, nghe nhạc, dạo phố, đi du lịch.
- Tập luyện thường xuyên và đúng cách các bài tập như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu để tăng năng lượng, tăng cường cơ bắp và cải thiện độ linh hoạt của các khớp xương.
- Kiểm soát cân nặng ở mức hợp lý.
- Thực hiện các bài tập giúp chữa thoái hóa cột sống, tăng cường độ dẻo dai của cơ thể.
Thoái hóa cột sống là căn bệnh xương khớp mãn tính phổ biến hiện nay. Mặc dù không ảnh hưởng tới tính mạng, nhưng các đốt sống bị tổn hại khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt và vận động hằng ngày. Do đó, khi phát hiện các dấu hiệu của bệnh, bạn cần gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm xảy ra.

Hiện nay, với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm và các trang thiết bị y tế hiện đại, bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp là đơn vị thăm khám và điều trị các bệnh cơ xương khớp hàng đầu trong khu vực. Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp, quý khách vui lòng liên hệ tổng đài: 02773.875.993


Lê Trần Ân

Giới hạn tin theo ngày :