Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Tiêm phòng vacxin ngừa ung thư cổ tử cung và những điều cần biết

Chủ nhật, 28/04/2024, 18:13 GMT+7

Hiện ung thư cổ tử cung không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay chính là tiêm phòng vacxin phòng bệnh. Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung và vacxin tiêm phòng để bảo vệ bản thân, những người phụ nữ thân yêu của bạn tránh các nguy cơ từ bệnh lý nguy hiểm này. 

Ung thư cổ tử cung (UTCTC) là bệnh lý nguy hiểm, độ phổ biến đứng thứ 3 ở phụ nữ toàn cầu. Theo thống kê từ WHO năm 2018, mỗi năm có đến 569.847 phụ nữ mắc bệnh ung thư cổ tử cung và 311.365 trong số đó tử vong do bệnh này. Trong số đó, ở Việt Nam chiếm 4.117 người mắc bệnh, là một con số nhỏ nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm không lường với tỉ lệ tử vong lên đến gần 60%. Dự kiến các con số này sẽ tăng nhanh nếu không có giải pháp hiệu quả cho thực trạng bệnh lý trên. 

Hiện ung thư cổ tử cung không có thuốc đặc hiệu điều trị bệnh, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay chính là tiêm phòng vacxin phòng bệnh. Tìm hiểu về ung thư cổ tử cung và vacxin tiêm phòng để bảo vệ bản thân, những người phụ nữ thân yêu của bạn tránh các nguy cơ từ bệnh lý nguy hiểm này. 

1. Ung thư cổ tử cung nguyên nhân và mức độ nguy hiểm

Virus gây u nhú ở người có tên tiếng Anh là Human papillomaviruses (viết tắt là HPV) hay còn gọi là virus HPV được xem là nguyên nhân chính của các bệnh ung thư như ung thư hậu môn, ung thư bộ phận sinh dục, ung thư hầu miệng và đặc biệt là ung thư cổ tử cung ở nữ giới. 

Loại virus này, có tỷ lệ lây nhiễm cao và lây truyền chủ yếu qua đường tình dục, hậu môn hoặc miệng. Những người có tỉ lệ mắc bệnh cao trong các trường hợp như quan hệ tình dục quá sớm, vùng da bộ phận sinh dục có vết trầy xước, có nhiều bạn tình hoặc bạn tình đã từng quan hệ với nhiều người. 

1_5

Ung thư cổ tử cung - nguy cơ cho hơn 37 triệu phụ nữ Việt Nam.

Thế nhưng, virus HPV chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vậy nên bệnh ung thư cổ tử cung có thể kéo dài và khả năng tái diễn cao. Mặc khác, chi phí để điều trị bệnh cũng tốn kém khi dao động từ 368 đến 11.400 USD tùy thuộc vào phương pháp điều trị.

Virus HPV gây nên ung thư cổ tử cung nguy hiểm cho nữ giới với thống kê có khoảng 7 phụ nữ tử vong trong ngày. Theo dự tính với mức độ tăng trưởng của bệnh thì đến năm 2025 con số tử vong hằng năm sẽ tăng thêm hơn 4000 trường hợp. Theo đó, tại Việt Nam hiện có hơn 37 triệu phụ nữ đang đứng trước nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung. 

2. Vacxin phòng ngừa virus HPV

Giải pháp hiện tại để phòng HPV nói chung và ung thư cổ tử cung nói riêng chính là tiêm vacxin dự phòng virus HPV. Theo nghiên cứu thì tỉ lệ phòng ngừa HPV khi tiêm phòng vacxin lên đến 70% hiệu quả. Không chỉ phòng ngừa ung thư cổ tử cung mà vacxin HPV còn có thể phòng được các bệnh do virus HPV gây ra như ung thư, viêm loét hậu môn sinh dục (mụn cóc sinh dục, sùi mào gà). 

vacxin-hpv

Vacxin HPV ngừa ung thư cổ tử cung. 

Tại Việt Nam, vacxin ngừa HPV phòng bệnh ung thư cổ tử cung được Bộ Y tế cấp phép lưu hành gồm 2 loại vacxin là Cervarix và GARDASIL. 

Vắc xin HPV nhị giá (Cervarix), chứa 2 tip HPV 16 và HPV 18, có tác dụng phòng khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung.

Vắc xin HPV tứ giá (GARDASIL), chứa 4 tip HPV 6, HPV 11, HPV 16 và HPV 18. Ngoài tác dụng phòng khoảng 70% các trường hợp ung thư cổ tử cung, còn phòng được các bệnh viêm loét hậu môn sinh dục.

Trong đó, vacxin tip 16, 18 mang đến hiệu quả cao giúp giảm thiểu sự bất thường ở cổ tử cung, giảm mức độ nặng của bệnh và tăng tỉ lệ miễn nhiễm đối với ung thư cổ tử cung. Theo đó, hiệu quả của tip 16 và 18 là 93,2% đối với vắc xin nhị giá (Cervarix), và 96,0% đối với vắc xin tứ giá (GARDASIL). Với vacxin GARDASIL có chứa thêm 2 tip bổ sung là tip 4 và 6, có tỉ lệ đến 99,0% phòng các bệnh sùi mào gà hay mụn cóc sinh dục.

Vacxin cũng được đánh giá là có độ an toàn cao với các phản ứng sau tiêm nhẹ và không kéo dài. Hiện nay, chưa có phản hồi nào về mức độ phản ứng gây nguy hiểm từ vacxin phòng HPV.

3. Đối tượng khuyến khích tiêm vacxin

Vacxin phòng HPV được chỉ định dành cho nữ giới từ 9 đến 26 tuổi. Các khuyến cáo về độ tuổi tiêm vacxin hiện nay là càng sớm càng tốt. Trong đó, hiệu quả vacxin được xem là cao nhất khi được tiêm ở trẻ em từ 9 đến 15 tuổi.

tre-em-tu-9-tuoi-tiem-vacxin-ung-thu-co-tu-cung

Trẻ em từ 9 đến 15 tuổi được khuyên tiêm vacxin ngừa ung thư cổ tử cung.

Nguyên nhân nên tiêm vacxin sớm chủ yếu là do đáp ứng kháng thể ở tuổi 11 đến 15 là tốt hơn so với nhóm tuổi lớn lơn. Bởi hiệu quả kháng thể có thể kéo dài hơn 10 năm. Mặc khác, ở độ tuổi 11 đến 12 có mức độ dung nạp vacxin tốt hơn, bên cạnh đó, nhóm tuổi này cũng có lịch tiêm các vacxin khác, có thế kết hợp. Vacxin HPV cũng sẽ có độ hiệu quả cao hơn đối với các đối tượng chưa từng có quan hệ tình dục. 

4. Lịch tiêm vacxin ngừa HPV

Hiện nay, vacxin phòng HPV ngừa ung thư cổ tử cung được khuyến cáo với phác đồ 3 mũi cho cả trẻ em gái lẫn phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi. Mỗi mũi (liều) tiêm đều chứa thành phần các tip theo tỉ lệ thuốc quy định. 

Lịch tiêm theo phác đồ là 0, 2, 6 tháng tức mũi thứ 2 cách mũi 1 2 tháng, mũi thứ 3 cách mũi 1 6 tháng. Với một số trường hợp không tiêm được đúng theo phát đồ, có thể linh động theo chỉ dẫn của bác sĩ. Theo đó, mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng và mũi 3 cách mũi 2 tối thiểu 3 tháng

5. Những lưu ý khi tiêm phòng vacxin 

Mặc dù vacxin HPV được đánh giá là an toàn trong hầu hết các trường hợp thế nhưng cũng cần lưu ý với một số trường hợp đặc biệt. Các trường hợp như mẫn cảm với thành phần của thuốc, phụ nữ đang mang thai, người đang sốt nhẹ, nhiễm khuẩn đường hô hấp, người bị rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu,... nên tham khảo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa trước khi tiêm. 

Lưu ý thêm, rằng vacxin không có khả năng bảo vệ 100% khỏi mắc ung thư cổ tử cung. Với các bệnh nhân đã và đang bị tổn thương trong giai đoạn tiền ung thư thì việc tiêm vacxin cũng không có tác dụng điều trị bệnh. Thuốc cũng sẽ miễn hấp thụ với những người suy giảm miễn dịch, người nhiễm HIV, người đang dùng các liệu pháp ức chế miễn dịch.

Ghi nhận một số tác dụng phụ của thuốc có thể gặp sau khi tiêm, hãy yêu cầu hỗ trợ từ bác sĩ khi có các triệu chứng như: 

- Các tác dụng phổ biến: sốt, nổi ban đỏ, đau, sưng chỗ tiêm,...

- Hiếm gặp: đau khớp, đau cơ, buồn nôn, suy nhược, khó thở, co thắt phế quản, nổi mề đay.

Khả năng lây nhiễm HPV xuất hiện trong suốt cuộc đời, ngay cả khi chưa có quan hệ tình dục thật sự. Mặc khác, với xu hướng quan hệ tình dục sớm hiện nay, nguy cơ nhiễm HPV cũng vì thế tăng cao hơn ở lứa tuổi nhỏ. Do đó, vắc xin HPV cần được tiêm phòng sớm để tăng hiệu quả bảo vệ, tăng đáp ứng miễn dịch và dung nạp tốt. Chủ động tiêm phòng vacxin HPV phòng ung thư cổ tử cung càng sớm càng tăng hiệu quả miễn nhiễm với bệnh.



Giới hạn tin theo ngày :