Thứ bảy, 25/11/2023, 15:19 GMT+7
*Bài viết được tư vấn chuyên môn từ Bác sĩ CKI Trần Thị Ngọc Huệ - Chuyên Khoa Nội tiêu hóa BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp
1. Bệnh ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là sự phát triển bất thường, không kiểm soát được của các tế bào dạ dày, dẫn đến hình thành các khối u. Khi bệnh nặng, khối u ác tính có thể lan ra xung quanh và di căn đến nhiều cơ quan xa khác, tác động xấu đến sức khỏe của người bệnh, có thể gây tử vong.
Ảnh minh họa ung thư dạ dày
2. Những nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày
Trên thực tế, rất khó để chỉ ra chính xác nguyên nhân gây ung thư dạ dày. Tuy nhiên, theo các bác sĩ cho biết, những yếu tố dưới đây có thể làm nguy cơ mắc bệnh tăng cao, bao gồm:
- Chế độ ăn uống: đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư dạ dày. Thói quen ăn quá nhanh, ăn mặn, nhiều muối, các loại thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ,... gây quá tải cho hệ tiêu hóa, khiến dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng.
- Uống nhiều thức uống có cồn (bia, rượu), nước uống có ga,...
- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): gây viêm loét dạ dày và phá hủy niêm mạc dạ dày, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
- Do nhóm máu: nhóm máu O có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao nhất.
- Yếu tố di truyền
- Người bệnh viêm dạ dày mạn tính
- Thiếu máu ác tính
- Hút thuốc lá
- Không có thói quen đi khám sức khỏe định kỳ.
3. Dấu hiệu thường gặp của ung thư dạ dày
Bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu thường không xuất hiện triệu chứng hoặc có một số biểu hiện không rõ ràng. Đa phần các bệnh nhân mắc ung thư dạ dày đều phát hiện bệnh khi tế bào ung thư đã di căn ra các cơ quan khác, khi kiểm tra bệnh lý định kỳ hoặc khi khám sức khỏe tổng quát.
Một số dấu hiệu cảnh báo ung thư dạ dày gồm có:
- Rối loạn tiêu hóa: ợ hơi, ợ chua, ợ nóng; cảm giác buồn nôn, đầy hơi, chán ăn.
- Cảm giác đau: lúc đầu đau âm ỉ, đau khi đói,... về sau đau dữ dội sau khi ăn.
- Chảy máu: thiếu máu, phân lẫn máu hoặc phân đen.
- Rối loạn dinh dưỡng: sụt cân đột ngột, hoa mắt chóng mặt, mệt mỏi.
Để chẩn đoán bệnh kịp thời và điều trị hiệu quả, người bệnh cần chủ động đến bệnh viện thăm khám, kiểm tra sức khỏe ngay nếu xuất hiện một trong các triệu chứng trên. Bệnh nhân không được chủ quan, bỏ qua các biểu hiện bất thường nào, vì nó có thể khiến bệnh tiến triển nặng, chữa trị rất khó khăn.
Ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao, vì vậy mỗi chúng ta nên phòng ngừa ung thư dạ dày thông qua chế độ ăn uống hợp lý và tích cực chủ động tiến hành tầm soát bệnh định kỳ. Việc phát hiện sớm các yếu tố làm tăng nguy cơ hoặc dấu hiệu ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu sẽ giúp việc điều trị khả quan và hiệu quả hơn.
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã triển khai xét nghiệm ứng dụng kỹ thuật giải trình tự gen thế hệ thứ 2 giúp phát hiện ctDNA từ tế bào ung thư, hỗ trợ tầm soát sớm 5 loại ung thư phổ biến nhất ở Việt Nam (ung thư phổi, gan, vú, dạ dày, đại-trực tràng).
Nếu quý khách cần được giải đáp kỹ hơn về phương pháp xét nghiệm tầm soát này, xin vui lòng đến bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp để được các bác sĩ thăm khám và tư vấn trực tiếp hoặc liên hệ tổng đài: 02773.875.993.