Thứ ba, 03/10/2017, 09:19 GMT+7
(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Viêm gan B được coi là “sát thủ thầm lặng” bởi bệnh ít triệu chứng nhưng để lại nhiều hệ lụy cho cơ thể, thậm chí tử vong và hiện chưa có cách điều trị khỏi hoàn toàn. Dù nguy hiểm như vậy nhưng còn rất nhiều người mơ hồ về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị căn bệnh này. Vì thế, hãy tìm hiểu ngay trước khi quá muộn.
Bạn có đang bị viêm gan B?
Những triệu chứng viêm gan B không thể bỏ qua
Bệnh viêm gan B có rất ít triệu chứng, đặc biệt viêm gan B giai đoạn đầu triệu chứng rất mơ hồ, dễ nhầm với bệnh khác, người bệnh thường tình cờ phát hiện ra khi kiểm tra sức khỏe hoặc đi hiến máu.
Ở thể lành mang virus hoặc thể ngủ yên thường không có triệu chứng. Vì thế, việc nhận biết các dấu hiệu của bệnh là rất quan trọng để tránh bỏ qua giai đoạn vàng điều trị và quan trọng hơn không để bệnh chuyển sang giai đoạn nặng. Dưới đây là một số triệu chứng viêm gan B thường gặp:
• Cơ thể mệt mỏi: Bệnh nhân viêm gan B thường thấy mệt mỏi không rõ nguyên nhân, có nhiều người tự nhiên mệt như hết cả hơi sức ... Đây là triệu chứng khá thường gặp của người mắc viêm gan B.
• Sốt: Có nhiều người khi mới bị nhiễm virus viêm gan B thường có hiện tượng sốt nhẹ. Người nhiễm virus viêm gan B bị sốt là do khi virus tấn công làm tổn thương gan, khiến gan không thải hết được chất độc và chất độc bên trong dồn vào máu làm cơ thể bị sốt.
• Rối loạn tiêu hóa: Những người bệnh viêm gan B thường gặp triệu chứng rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, buồn nôn, táo bón, một số người thấy bụng trướng…
• Vàng da triệu chứng báo hiệu viêm gan B: Vàng da là một trong những triệu chứng rõ ràng nhất của viêm gan B. Tuy nhiên khi bị vàng da tức là bệnh gan đã ở mức nghiêm trọng, cần đi khám ngay. Vì vậy, nếu bạn thấy vàng da bất thường, cần nghĩ tới trường hợp mình bị viêm gan B và đi khám ngay nhé.
• Xuất huyết dưới da: Khi thấy có triệu chứng da xuất hiện ban xuất huyết hoặc chấm ứ máu hoặc mũi xuất huyết cần đi khám sức khỏe ngay bởi đây là một trong những triệu chứng biểu hiện mắc viêm gan B khá nặng.
Mệt mỏi không rõ nguyên nhân là một trong những triệu chứng của bệnh viêm gan virus B.
Nguyên nhân gây ra viêm gan B
Nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm gan B là do gan bị virus viêm gan B tấn công. Virus viêm gan B xâm nhập vào cơ thể qua 3 con đường:
• Lây truyền qua đường máu: qua các dụng cụ dính máu của người bệnh lây sang máu người lành như dụng cụ y tế không khử trùng tốt, châm cứu, xỏ tai, dùng chung bơm kim tiêm, dao cạo râu, bàn chải đánh rang, bấm móng tay… Virus HBV sống rất dai, thậm chí có thể tồn tại trong máu khô nhiều ngày nên nếu không tự bảo vệ bản thân thì khả năng nhiễm viêm gan B là rất cao.
• Lây truyền từ mẹ sang con: Nếu người mẹ nhiễm virus HBV thì nguy cơ truyền bệnh cho con rất cao. Cụ thể, trong 3 tháng đầu của thai kì, tỷ lây nhiểm chỉ khoảng 1%. Người mẹ bị nhiễm ở 3 tháng giữa thì sẽ tăng lên 10% và sẽ lên đến 60 – 70% khả năng lây nhiễm nếu như mẹ mắc bệnh ở 3 tháng cuối cùng. Nguy cơ lây từ mẹ sang con sẽ ở mức cao nhất là 90% nếu sau khi sinh không có bất cứ biện pháp nào bảo vệ đứa bé.
• Lây truyền qua đường tình dục: Việc quan hệ tình dùng không an toàn, không có biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su cũng sẽ bị lây nhiễm từ người mang bệnh.
• Cần lưu ý Viêm gan B không lây truyền qua hô hấp (hơi thở, hắt hơi...), tiêu hóa (ăn uống) và tiếp xúc bình thường như nhiều người nhầm tưởng.
Con đường lây truyền của virus viêm gan B.
Biến chứng không lường của bệnh viêm gan B
Nếu không điều trị kịp thời, viêm gan B có thể dẫn tới một số biến chứng nguy hiểm như:
• Suy gan cấp: là tình trạng tổn thương tế bào gan do virus tấn công ồ ạt, dẫn đến tình trạng cấp tính như bệnh lý não gan, suy đa tạng, rối loạn đông máu. Tỷ lệ tử vong đến 90% nếu không điều trị kịp thời hoặc không được ghép gan.
• Xơ gan: Virus HBV tấn công các tế bào gan khiến tế bào gan bị viêm, mô gan bị tổn thương và dần thay thế bằng các tổ chức xơ và làm xơ hóa lá gan.
• Ung thư gan: Người bị viêm gan B mạn tính có khả năng bị ung thư gan gấp 20 lần so với người không mắc bệnh. Ung thư gan rất khó điều trị và nguy cơ tử vong cao.
• Bệnh não do gan: Người bệnh nhân thường thấy khó chịu, bứt rứt, khó ngủ, trạng thái tâm thần không ổn định, mất định hướng về không gian và thời gian, dễ bị kích thích. Nặng hơn, người bệnh sẽ bị rối loạn tâm thần cấp tính, mê sảng rồi hôn mê sâu.
• Tăng áp suất mạch môn: Chức năng chính của gan là lọc máu. Song, khi virus viêm gan B tấn công gây mô xơ, các mô xơ mọc quanh tĩnh mạch gan sẽ xiết các mạch máu làm tăng áp xuất mạch môn và gây ra hàng loạt biến chứng như tích tụ dịch trong xoang phúc mạc, giãn tĩnh mạch thực quản và có thể tử vong nhanh chóng.
Xơ gan và ung thư gan là hai biến chứng nguy hiểm thường gặp của bệnh viêm gan virus B.
Cách điều trị bệnh viêm gan B thế nào đạt hiệu quả cao nhất ?
Khi phát hiện nhiễm virus viêm gan B, người bệnh cần thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện nay, chưa có biện pháp loại bỏ hoàn toàn virus viêm gan B ra khỏi cơ thể. Mục tiêu của việc điều trị viêm gan virus B hiện nay chỉ là ngăn chặn virus nhân lên, giảm nồng độ virus trong máu (trở về âm tính là mục tiêu cao nhất), làm giảm bớt các tổn thương tế bào gan và hạ men gan.
Mục tiêu lâu dài chính là ngăn chặn các biến chứng xơ gan, suy gan, ung thư gan. Vì thế, để đạt được hiệu quả điều trị cao nhất, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc “tam giác vàng” là chế độ sinh hoạt hợp lý, kiên trì phát đồ điều trị của bác sỹ và kết hợp dùng thuốc theo chỉ định của bác sỹ.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt:
• Người bệnh cần bỏ ngày các thói quen xấu như hút thuốc, uống rượu bia, thức khuya.
• Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế đồ ăn nhanh, đồ cay nóng, đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ, thực phẩm nhiều chất bảo quản để tránh tăng áp lực cho gan.
• Tập luyện thể dục thể thao điều độ, vừa sức tuy không thải trừ được virus nhưng giúp người bệnh nâng cao thể trạng sức khỏe.
• Sử dụng các thuốc tây chuyển hóa tại gan như paracetamol cần hỏi ý kiến bác sỹ.
Ăn uống cân bằng, hạn chế đồ chiên xào, dầu mỡ sẽ giúp gan bớt gánh nặng
Phác đồ điều trị của bác sỹ:
• Nếu là thể lành mang bệnh hoặc thể ngủ yên thì không cần điều trị bằng tây y. Nếu viêm gan virus B mãn tính thể hoạt động thì cần áp dụng ngay phác đồ điều trị bằng thuốc Tây.
• Người bệnh được chỉ định điều trị bằng thuốc ức chế sự sinh sản của virus hoặc thuốc tăng cường khả năng miễn dịch, cũng có khi là kết hợp một vài loại thuốc.
• Cần theo dõi sát sao thể trạng để xử lý kịp thời các tác dụng không mong muốn của thuốc có thể xảy ra.
• Người bệnh cần dùng thuốc liên tục, trung bình là khoảng 2 năm, có khi tới 3 năm hoặc lâu hơn thế. Do đó, người bệnh cần kiên trì theo phác đồ điều trị và tuân thủ các chỉ dẫn của bác sỹ.
• Trong quá trình điều trị, người bệnh cần phải tái khám định kỳ 3 tháng/lần để theo dõi tình trạng hoạt động và số lượng của virus. Nếu được chỉ định ngừng thuốc vẫn phải tái khám thường xuyên để kiểm soát kịp thời nếu virus hoạt động trở lại.
Phòng ngừa viêm gan B
Tiêm chủng viêm gan B là cách hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh này ở trẻ em. Bạn nên cho trẻ tiêm càng sớm càng tốt và tiêm đủ ba mũi. Với người lớn, cần làm xét nghiệm trước khi chủng ngừa. Ngoài tiêm phòng, chúng ta còn cần phòng ngừa viêm gan B bằng các cách sau:
• Sinh hoạt tình dục an toàn để tránh trao đổi các chất dịch cơ thể trong khi sinh hoạt tình dục.
• Không dùng chung bàn chải, dao cạo râu, bông tai,... với người khác, đặc biệt là người mắc viêm gan B.
• Không chạm vào máu hoặc chất dịch của bất kỳ ai mà không dùng dụng cụ bảo vệ giữa quy vị và chất có thể đã nhiễm siêu vi gây bệnh.
• Trẻ em sinh ra đã có mẹ mắc bệnh cần được chủng ngừa ngay và cần theo dõi thường xuyên.