Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Hành trang đi sinh của mẹ bầu cần những gì?

Thứ bảy, 09/07/2022, 15:52 GMT+7

Hành trang đi sinh luôn là vấn đề trăn trở của mẹ bầu và gia đình khi chuẩn bị vượt cạn đón bé yêu, đặc biệt là với những lần đầu đi sinh của các mẹ bầu dù sinh dường hay sinh mổ. Mẹ bầu có thể sẽ được người thân là các bà, các cô, dì hỗ trợ về những kiến thức trang bị khi đi sinh, thế nhưng với các mẹ bầu thì đây đều là những bỡ ngỡ.

Việc mang theo quá nhiều đồ sẽ có thể gây vướng víu, nặng nề trong lúc đi sinh, gia đình sẽ khó quản lý. Còn mang quá ít đồ thì lại thiếu hụt, phải vội vàng tìm chỗ mua, tốn thời gian và chi phí. Vậy chuẩn bị hành trang đi sinh thế nào là đủ và hợp lý cho mẹ bầu?

1. Trang bị chung khi đi viện

Tương tự với bệnh nhân khi đi nằm viện điều trị thì khi đi sinh, một số vật dụng cơ bản cần thiết hỗ trợ sinh hoạt hàng ngày là không thể thiếu.

  • Bình thủy đựng nước nóng: khi ở viện, nước sôi luôn cần thiết, dùng để pha sữa hay pha nước tắm khi trời lạnh. 
  • Cốc (ca) có nắp, muỗng dài để khuấy nước: dùng để uống nước, ca có nắp sẽ đảm bảo vệ sinh hơn.
  • Tô hoặc hộp đựng thực phẩm, muỗng, đũa ăn: dùng để đựng đồ ăn cho mẹ và người thân. 
  • Khăn giấy ăn, khăn giấy vệ sinh, khăn ướt: để vệ sinh, lau chùi đảm bảo môi trường sạch sẽ. 
  • Chậu nhỏ để rửa mặt hay giặt giũ. 
  • Túi đựng rác, túi đựng đồ bẩn: trang bị một số túi nilon vừa và lớn để đựng rác thải hay dùng khi cần thiết. 

Các đồ dùng cần thiết trên đều sẽ có bán ở các căn tin của Bệnh viện, nên để hạn chế mang quá nhiều đồ thì, gia đình có thể trang bị sau khi đã nhập viện nhé. 

2. Chuẩn bị đồ cho mẹ

Với mẹ bầu, đi sinh là một giai đoạn đầy khó khăn, mẹ bầu phải bảo dưỡng cơ thể thật tốt kể cả trước và sau sinh. Mọi kiêng cữ cần thiết là điều không thể thiếu, những vật dụng trang bị giúp bảo vệ mẹ sau sinh là vô cùng quan trọng. 

  • Quần áo: dù khi đến bệnh viện, mẹ bầu sẽ được cung cấp quần áo chuyên dụng khi đi sinh, nhưng cũng nên chuẩn bị 1-2 bộ quần áo thoải mái cho mẹ để phòng các trường hợp đồ bẩn, thiếu đồ hoặc mặc về sau sinh.
  • Đồ giữ ấm như áo khoác, khăn choàng, tất chân, mũ trùm: giai đoạn sau sinh sẽ vô cùng nhạy cảm với mẹ, cơ thể dễ bị lạnh, suy nhược. Vậy nên, việc trang bị đồ dùng giữ ấm cho mẹ là điều quan trọng. Mỗi thứ ít nhất 2-3 bộ để thay đổi hằng ngày.
  • Gòn nhét tai, đồ trùm tai: sau sinh mẹ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những âm thanh lớn, để hạn chế thì các vật dụng giúp cản âm thanh và giữ ấm tai cũng cần thiết. Có thể mua gòn y tế loại nhỏ dạng tròn, 1 túi nhỏ là đủ. 
  • Băng vệ sinh: dù là sinh thường hay sinh mổ thì khi sinh, bộ phận âm đạo của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng, khiến tình trạng đi đứng, tiểu tiện khó khăn. Trang bị băng vệ sinh, đặc biệt là các loại băng lớn (có thể dùng băng ban đêm hoặc dùng tã người lớn), sẽ giúp mẹ giảm áp lực và thoải mái hơn. Chuẩn bị từ 10-15 chiếc là vừa vặn.

chuan-bi-di-sinh

Đồ dùng cho mẹ sau sinh là vô cùng cần thiết.

  • Quần lót giấy: để tiện lợi, các mẹ thường sẽ dùng đến các loại quần lót giấy, vừa sạch, vừa đỡ công giặt giũ tại Bệnh viện. Hãy chuẩn bị từ 7-10 cái để thay khi cần nhé.
  • Miếng lót chống thấm: đối với các mẹ sinh mổ thì nên trang bị thêm miếng lót chống thấm loại dùng cho bệnh nhân phẫu thuật. Dùng miếng lót sẽ sạch sẽ, đỡ bẩn giường khi thay băng. Chuẩn bị ít nhất 5 miếng là đủ. 
  • Vật dụng vệ sinh cá nhân như dầu gội, sữa tắm, dung dịch vệ sinh, kem đánh răng, sữa rửa mặt, khăn tắm, khăn mặt, lược, chun buộc tóc,...
  • Dép đi trong nhà: chuẩn bị cho mẹ 1 đôi dép đi trong nhà, tránh trơn trượt đặc biệt là khi đi vào nhà tắm, nhà vệ sinh. 
  • Sữa, trà, các loại thức uống lợi sữa, bổ dưỡng cho mẹ bầu sau sinh.

Ngoài các vật dụng như quần áo cá nhân thì khi thiếu, gia đình có thể bổ sung tại căn tin của Bệnh viện, thường nơi đây sẽ có đầy đủ những thứ cần thiết.

3. Chuẩn bị đồ cho bé

Khi đón bé chào đời, ba mẹ đều mong muốn cho con những thứ tốt nhất, đẹp nhất, nên các ông bố, bà mẹ chắc sẽ phải đắn đo rất nhiều khi chuẩn bị đồ cho bé. 

  • Quần áo sơ sinh cho bé: chọn mang theo ít nhất 10 bộ với chất liệu vải mềm mại, dễ chịu, vì da bé yêu sẽ rất nhạy cảm nên gia đình lưu ý nhé.
  • Mũ trùm, bao tay, tất chân cho trẻ sơ sinh: nên chuẩn bị ít nhất 3 bộ để thay phiên cho bé để giúp giữ ấm. 
  • Khăn quấn thân trẻ: chuẩn bị 2-3 chiếc khăn lớn, đủ ấm để quấn thân cho bé.
  • Gối, khăn đắp người: chọn khăn đắp người loại vừa phải không quá dày cũng không quá mỏng với chất liệu mềm, dễ chịu. Chuẩn bị ít nhất 2 chiếc để thay khi ướt. Với gối kê đầu cho trẻ, nên chọn lại chuyên dụng cho trẻ sơ sinh với độ dày vừa phải hoặc bạn có thể dùng khăn để kê đầu cho trẻ cũng tiện để chỉnh dáng nghiêng đầu. 
  • Khăn tắm: chọn loại khăn mềm mỏng có tính thấm hút nhanh để khi đưa trẻ đi tắm hoặc lau người.
  • Khăn sữa nhỏ: chuẩn bị từ 10 - 20 chiếc khăn sữa nhỏ để lau cho bé khi uống sữa hoặc khi tắm.
  • Gòn miếng: da bé sau sinh sẽ vô cùng nhạy cảm với môi trường xung quanh, với các loại khăn có chất liệu tương đối thô sẽ làm bé bị tổn thương, tốt nhất nên chuẩn bị gòn miếng cho bé. Có thể sử dụng khi vệ sinh cho bé, pha ít nước ấm, nhún gòn, vắt ráo và lau. 
  • Tã vải, tã giấy, miếng lót: chuẩn bị 1 loại ít nhất 15-30 cái, những ngày đầu sẽ có thể dùng nhiều do trẻ tiểu hay đi phân su.
  • Miếng lót chống thấm: Khi thay tã hay vệ sinh cho trẻ, nên chuẩn bị miếng lót chống thấm khoảng 10 miếng.
  • Nước muối sinh lý: dùng để lau vệ sinh cho bé mỗi buổi sáng.
  • Băng gạc: chuẩn bị mỗi thứ 1 cuộn/túi để băng rốn cho bé.
  • Sữa bột: dùng để pha cho bé uống kèm nếu mẹ thiếu sữa hoặc bé không bú mẹ.
  • Bình sữa và đồ vệ sinh bình.

quan-ao-so-sinh

Việc chuẩn bị đồ dùng cho bé luôn được ưu tiên cho những lựa chọn tốt nhất. 

Đây là một số vật dụng cơ bản để chuẩn bị cho bé yêu, có thể sẽ phát sinh thêm một số vật dụng khác như máy hút sữa, bình đựng khi mẹ ít sữa. Tùy theo yêu cầu của điều dưỡng, ba mẹ có thể trang bị thêm các vật dụng khác.

4. Chuẩn bị đồ cho bố, người thân 

Ngoài nhân vật chính là mẹ và bé, thì bố và người thân khi đi theo cũng cần chuẩn bị một số vật dụng sinh hoạt và phục vụ nhu cầu cho mẹ và bé. 

  • Quần áo: Người thân nên mang theo ít nhất 2 bộ đồ để thay đổi.
  • Các vật dụng cá nhân như dầu gội, sữa tắm, kem đánh răng, khăn mặt, khăn tắm.
  • Gối: người thân khi đi theo chăm cũng không kém phần mệt mỏi, vậy nên việc nghỉ ngơi cũng nên đảm bảo. Tùy vào dịch vụ phòng của từng Bệnh viện, bố có thể tham khảo trước để chuẩn bị thêm chiếu lót, gối, mềm cho người thân nếu cần.
  • Điện thoại, dây sạc, sạc dự phòng: khi đi sinh người thân cũng sẽ phải liên lạc nhiều. Gọi về nhà báo tin hay liên lạc với nhau cũng sẽ cần thiết. Bởi ai cũng trông chờ bé yêu chào đời mà. 
  • Tiền mặt, thẻ ATM: chuẩn bị tiền mặt để làm các thủ tục đăng ký sinh hay cần thiết để mua các vật dụng khi thiếu. Mặc khác, chỉ nên chuẩn bị tiền mặt vừa dùng, không nên quá nhiều, để tránh kẻ gian lấy trộm. Hiện ở các bệnh viện hoặc gần đó đều sẽ có máy ATM, nên các bố và gia đình không cần quá lo lắng.

Người thân đi theo chăm không cần chuẩn bị quá nhiều đồ, chủ yếu là những vật dụng cơ bản. Nếu thiếu có thể về trang bị ngay sau đó. 

5. Hồ sơ, giấy tờ cần thiết mang theo nhằm làm thủ tục đi sinh

Khi đi sinh tại Bệnh viện, thì các thủ tục đăng ký là bắt buộc. Tại bước này, gia đình phải có đầy đủ các loại hồ sơ và giấy tờ cần thiết.

  • Sổ khám thai của mẹ: nếu mẹ bầu khám thai thường xuyên tại Bệnh viện sẽ có sổ theo dõi thai kỳ, hoặc khám bên ngoài thì cũng cần mang theo các kết quả khám thai như phiếu siêu âm, X quang, ECG (nếu có) và các phiếu xét nghiệm trong thời kỳ mang thai.
  • Chứng minh thư dân dân/thẻ căn cước công dân.
  • Thẻ bảo hiểm y tế (nếu có).

Có thể bạn quan tâm:

Chuẩn bị hành trang đi sinh cho mẹ bầu quả thật là điều không hề đơn giản kể cả với những mẹ bầu đi sinh lần 2, lần 3. Gia đình phải chuẩn bị rất nhiều thứ, chuẩn bị thật kỹ và thật sớm để đến khi sinh không phải thiếu, khiến cả nhà bối rối. Chuẩn bị đầy đủ sẽ giúp mẹ và cả nhà yên tâm hơn, với một tâm lý thật vững vàng chào đón bé yêu trong không khí hạnh phúc. 

 

Diễm Hà

Giới hạn tin theo ngày :