Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

[HỎI ĐÁP BỆNH LÝ] Trả lời các câu hỏi về bệnh lý tăng huyết áp

Thứ sáu, 03/06/2022, 07:04 GMT+7

Cao huyết áp hay tăng huyết áp là bệnh lý khá phổ biến hiện nay với tỉ lệ 20% dân số mắc bệnh, tức cứ 5 người sẽ có 1 người bị bệnh. Được xem là căn bệnh tiềm ẩn, cao huyết áp lại có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh.

Bệnh cao huyết áp là bệnh lý kéo dài và không thể hoàn toàn được điều trị dứt điểm. Người mắc bệnh phải điều trị bệnh theo chế độ trong suốt cuộc đời, vậy nên đòi hỏi người bệnh phải kiên trì để bệnh lý không chuyển nặng. 

Tìm hiểu thêm cái thông tin về bệnh lý cao huyết áp: Cao huyết áp: không còn là vấn đề của người cao tuổi, tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Cùng tìm hiểu một số câu hỏi phổ biến về bệnh lý cao huyết áp để có thêm kiến thức phòng và điều trị bệnh hiệu quả! 

1. Làm thế nào để biết mình bị tăng huyết áp?

Cao huyết áp là bệnh tiềm ẩn, nên hầu như không gây ra bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Chỉ khi huyết áp vượt ngưỡng và ở mức bất thường thì người bệnh mới đôi khi cảm nhận được các triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, khó thở, mệt mỏi. 

Một khi xuất hiện các triệu chứng trên thì người bệnh nên nhanh chóng thực hiện đo huyết áp bằng máy đo huyết áp tại nhà. Hoặc người bệnh có thể đến các cơ sở y tế để nhờ bác sĩ chẩn đoán xem có bị cao huyết áp hay không. 

Lưu ý, bệnh cao huyết áp diễn ra rất bất thường, với trạng thái khỏe mạnh bình thường thì cũng khó xác định được có bị cao huyết áp hay không. Vậy nên, việc nhờ sự hỗ trợ từ máy đo huyết áp và tư vấn của bác sĩ thường xuyên là điều cần thiết để xác định xem mình có bị tăng huyết áp hay không. 

2. Huyết áp bình thường là bao nhiêu? Huyết áp cao là bao nhiêu?

Các chỉ số huyết áp dùng để xác định huyết áp cao hay huyết áp thấp là chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. 

Có thể tự đo huyết áp tại nhà bằng máy đo huyết áp gia đình.

Huyết áp tâm thu/Huyết áp tâm trương:

  • Huyết áp bình thường: dưới 120mmHg/80mmHg

  • Tiền tăng huyết áp: 120 - 139mmHg/80 - 89mmHg

  • Huyết áp cao: 140mmHg/90mmHg

3. Khi bị cao huyết áp nên làm gì để nhanh chóng hạ huyết áp?

Trường hợp bị tăng huyết áp đột ngột với các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, khó thở thì người bệnh nên nhanh chóng nghỉ ngơi, không nên cố gắng tiếp tục công việc. Nếu đã được chẩn đoán cao huyết áp trước đó và có uống kê đơn từ bác sĩ thì hãy dùng thuốc khẩn cấp để điều chỉnh huyết áp tạm thời. 

Sau đó, nếu bệnh tình vẫn không được cải thiện hay tình trạng trên kéo dài nhiều ngày mà không rõ nguyên nhân hoặc có thể chuyển biến bệnh lý xấu hơn thì nên đi đến cơ sở y tế để nhờ bác sĩ hỗ trợ. 

4. Những bệnh nào làm ảnh hưởng gây tăng huyết áp?

Ngoài nguyên nhân do di truyền thì cao huyết áp cũng hình thành khi chịu sự ảnh hưởng từ các bệnh lý khác. 

  • Béo phì, tiểu đường là 2 bệnh lý liên quan đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày cùng lối sống không lành mạnh. Hầu hết những người mắc các bệnh lý này đều mắc chứng cao huyết áp.

  • Các bệnh lý về thận như viêm cầu thận, sỏi thận, hẹp động mạch thận,.. cũng là nguyên nhân ảnh hưởng làm tăng huyết áp.

  • U tủy thượng thận, cường Aldosteron, Cushing, cường giáp,.. là một số bệnh về nội tiết ảnh hưởng đến cao huyết áp. 

  • Phụ nữ mang thai mắc các bệnh như thiếu máu, tiền sản giật cũng làm tăng huyết áp. 

5. Cao huyết áp có thể làm phát sinh những bệnh lý nào?

Như đã nói, dù là căn bệnh tiềm ẩn nhưng cao huyết áp lại chứa đựng nhiều nguy cơ biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Một số bệnh lý thường gặp kèm theo khi bị tăng huyết áp như:

  • Bệnh tim mạch như suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ, cơ tim phì đại,..

  • Xơ vữa động mạch: các mảng bám và chất béo tích tụ trên thành nội mạch của mạch máu. Tăng huyết áp góp phần tích tụ làm tăng sức căng và áp lực trên thành mạch. Bệnh này có thể biến chứng thành các cơn đau tim và đột quỵ. 

  • Suy thận: huyết áp tăng kéo dài sẽ làm tổn thương các thành mạch máu và màng lọc thận, từ đó làm suy yếu các chức năng hoạt động của thận. 

  • Bệnh lý về mắt: cao huyết áp cũng có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở võng mạc gây nên các bệnh lý về mắt.

Cao huyết áp có thể làm phát sinh một số bệnh lý khác.

6. Thực hiện chế độ dinh dưỡng ra sao khi bị cao huyết áp?

Để điều trị cao huyết áp, việc thay đổi thói quen sống hàng ngày và đặc biệt là có chế độ dinh dưỡng hợp lý là giải pháp quan trọng. Chế độ dinh dưỡng ảnh hưởng đến hơn 70% quá trình điều trị cao huyết áp.

Các lưu ý trong chế độ dinh dưỡng cho người bị cao huyết áp:

  • Tránh xa các loại chất kích thích như thuốc lá, rượu bia,...

  • Giảm thiểu lượng muối khi ăn, nếu có thể nên thực hiện chế độ dinh dưỡng eatclean để giảm thiểu gia vị trong ăn uống. 

  • Giảm thiểu lượng đường trong ăn uống để phòng tiểu đường và tăng huyết áp. 

  • Giảm thiểu các thức ăn có nhiều chất béo và dầu mỡ.

  • Hạn chế ăn các loại thịt đỏ.

  • Bổ sung chất béo tốt cho cơ thể bằng các loại trái cây, rau củ và thực phẩm từ sữa béo. 

  • Ăn nhiều các loại thực phẩm giàu protein như ngũ cốc, cá, gia cầm và các loại hạt dinh dưỡng.

  • Ăn nhiều thức ăn giàu kali, magie và canxi.

7. Có bị tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị cao huyết áp không? 

Người dùng thuốc điều trị huyết áp thường xuyên cũng có thể xuất hiện các tác dụng phụ. Vậy nên đòi hỏi người bệnh nên dùng thuốc có liều lượng theo chỉ định và tránh lạm dụng thuốc quá đà. 

Các tác dụng phụ của thuốc điều trị cao huyết áp:

  • Hạ huyết áp: các thuốc điều trị cao huyết áp sẽ có chức năng làm giảm huyết áp, dùng thuốc quá liều sẽ có thể khiến huyết áp bị tụt khỏi mức ổn định. Tương tự tăng huyết áp, thì giảm huyết áp cũng xuất hiện tình trạng choáng váng, chóng mặt. 

  • Đi tiểu nhiều: một số loại thuốc điều trị huyết áp sẽ có tác dụng lợi tiểu, kích thích người bệnh đi tiểu nhiều. 

  • Khô họng, ho dai dẳng là tác dụng phụ từ các thuốc ức chế men chuyển.

  • Thuốc có tác dụng chẹn kênh canxi sẽ có một số tác dụng phụ như nhịp tim chậm, phù mắt cá chân, táo bón.

  • Thuốc chẹn beta làm giảm khả năng tình dục, mệt mỏi, buồn ngủ. 

  • Thuốc chẹn thụ thể angiotensin có thể gây tăng kali máu.

8. Có thể uống thuốc cao huyết áp kèm với các thuốc khác không?

Người mắc bệnh cao huyết áp cũng thường mắc các bệnh khác liên quan như tim mạch, xương khớp, đái tháo đường. Vậy nên việc uống thuốc điều trị nhiều loại bệnh cùng lúc với thuốc cao huyết áp là điều không thể tránh khỏi. 

Mặc khác, các chuyên gia y tế vẫn khuyên chúng ta nên uống các loại thuốc khác nhau cách thời gian ít nhất là 6 tiếng, bởi có rất nhiều loại thuốc có sự tương tác cộng hưởng hoặc phản nghịch nhau. Bên cạnh đó, một số loại thuốc khác cũng có thể là nguyên nhân gây tăng huyết áp. Do đó, việc tự ý dùng kèm các loại thuốc khác với thuốc cao huyết áp là điều không nên. 

Nếu mắc các bệnh khác ngoài tăng huyết áp thì hãy nhờ đến các bác sĩ chuyên môn để được kê đơn thuốc thích hợp. 

Nên nhờ bác sĩ tư vấn và kê đơn thuốc khi phát sinh các bệnh khác khi mắc cao huyết áp.

9. Thuốc nào có thể gây tăng huyết áp?

Một số loại thuốc điều trị bệnh khác có thể ảnh hưởng gây tăng huyết áp. Vậy nên hãy lưu ý khi bác sĩ kê đơn hoặc mua thuốc ngoài đơn. Lưu ý với dược sĩ khi lấy thuốc về việc mắc cao huyết áp để hạn chế dùng các loại thuốc có ảnh hưởng. 

Các loại thuốc như: amphetamines, Ritalin, corticosteroids, hormones ngừa thai, cyclosporine và erythropoietin là những loại thuốc có thể gây tăng huyết áp. Một số thuốc khác điều trị các bệnh như cảm cúm, hen suyễn, chán ăn cũng có tác dụng phụ làm tăng huyết áp.

10. Khi nào thì tôi nên gặp bác sĩ để nhờ hỗ trợ bệnh tăng huyết áp?

Người mắc bệnh cao huyết áp không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà mà hãy nên đến cơ sở y tế để nhận tư vấn từ bác sĩ chuyên môn. Bởi cao huyết áp ở mỗi người sẽ có mức độ khác nhau, cũng có sự ảnh hưởng khác nhau đến các bệnh lý liên quan. Vậy nên, việc không hiểu rõ bệnh tình và tự uống thuốc điều trị sẽ có thể gây tác dụng phụ phát sinh biến chứng khó lường. 

Người bệnh khi phát hiện tăng huyết áp hãy nhanh chóng đến tham khám tại các cơ sở y tế để bác sĩ kiểm tra và kê đơn thuốc điều trị theo bệnh tình. Việc thường xuyên tham khám định kỳ cũng là điều cần thiết, từ tiến triển bệnh mà bác sĩ sẽ điều chỉnh đơn thuốc hoặc phương pháp điều trị hợp lý.

Một số trường hợp khác cần được bác sĩ hỗ trợ nhanh chóng khi thuốc điều trị không có tác dụng, gặp các tác dụng phụ của thuốc, tình trạng bệnh kéo dài và chuyển biến xấu. 

Cao huyết áp là bệnh lý phổ biến hiện nay không chỉ riêng người lớn tuổi. Tỉ lệ mắc bệnh ở người trẻ ngày càng cao chủ yếu xuất phát từ lối sống không lành mạnh và áp lực từ công việc. Thấu hiểu bệnh lý là yếu tố quan trọng trong việc điều trị bệnh. 

 

Diễm Hà

Giới hạn tin theo ngày :