Thứ sáu, 19/05/2023, 14:01 GMT+7
Tác nhân gây bệnh dại là Virus dại (RhabdoVirus) thuộc họ Rhabdoviridae giống LyssaVirus.
Theo báo cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại là một loại bệnh có độ phổ biến rộng khắp toàn thế giới.
Mỗi năm, thế giới có trên 10 triệu người bị các súc vật bị dại hoặc nghi bị dại cắn. Các trường hợp này phải điều trị dự phòng bằng Vaccin. Thống kê, có khoảng 60.000 – 70.000 chết do bệnh dại.
Ở Việt Nam, bệnh dại được lưu hành và có mặt ở hầu hết các tỉnh thành phố. Mỗi năm theo thống kê báo cáo có khoảng 70 đến 100 ca tử vong do bệnh dại.
Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể. Từ đó, virus đi theo dây thần kinh vào các hạch và thần kinh trung ương. Khi đến thần kinh trung ương Virus sinh sản rất nhanh rồi theo thần kinh ra tuyến nước bọt.
Ở thời điểm này, thần kinh của vật chủ chưa bị tổn thương đáng kể. Nhìn bên ngoài, con vật vẫn trong trạng thái bình thường nhưng trong nước bọt đã có virus dại.
Dần về sau, Virus dại sẽ hủy hoại dần các tế bào thần kinh dẫn đến xuất hiện các triệu chứng lâm sàng điển hình của bệnh.