Thứ bảy, 14/07/2018, 11:03 GMT+7
Tiêm ngừa khi mang thai bao gồm việc tiêm ngừa trước và trong thai kỳ nhằm mang lại sức khỏe tốt nhất cho mẹ bầu, đồng thời bảo vệ thai nhi tránh khỏi các nguy cơ dị tật, chậm phát triển hoặc mắc bệnh nguy hiểm từ khi còn nằm trong bụng mẹ.
Khi mang thai, cơ thể người mẹ có nhiều sự thay đổi theo đó hệ miễn dịch sẽ hoạt động yếu hơn so với lúc bình thường, nguy cơ nhiễm bệnh cũng từ đó mà tăng cao. Tiêm phòng khi mang thai sẽ là phương thức hiệu quả giúp bà bầu phòng tránh được một số bệnh nguy hiểm cũng như hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dị tật thai nhi, biến chứng gây sẩy thai, sinh non, thai chết lưu…
1. Bắt đầu tiêm phòng khi dự định mang thai
Có rất nhiều loại vắc-xin và tùy vào tình trạng sức khỏe, lượng kháng thể của mỗi người mà cần tiêm phòng nhiều hay ít. Trước khi mang thai, bạn nên tiêm phòng thủy đậu và Rubella.
Khi có kế hoạch mang thai, người mẹ nên thực hiện một số loại tiêm chủng cơ bản.
Rubella là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm đối với thai phụ, dễ khiến thai chết lưu, gây sẩy thai. Thai nhi nhiễm Rubella từ trong bụng mẹ, khi sinh ra thường chậm phát triển trí não và thể lực, dị tật ở tim, bị khuyết tật như mù, điếc…
Cách duy nhất để phòng chống Rubella chính là tiêm ngừa vắc-xin trước khi mang thai ít nhất 3 tháng. Bầu cần lưu ý loại vắc-xin này không được tiêm trong thai kỳ bởi nó làm từ virus sống giảm độc lực có thể ảnh hưởng đến thai nhi.
Vắc-xin thủy đậu (Trái rạ)
Những phụ nữ đã từng bị bệnh thủy đậu hoặc đã được tiêm phòng trước đó thì trong cơ thể đã có kháng thể chống lại bệnh này và không cần tiêm phòng khi dự định mang thai.
Ngược lại, nếu chưa tiêm, bạn cần tiêm ngay khi có kế hoạch mang thai. Nếu nhiễm bệnh khi mang thai sẽ để lại nhiều hệ lụy, nhất là từ tuần thai thứ 8-12 của thai kỳ. Biểu hiện thường gặp của bệh thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da, bệnh lý võng mạc, chậm phát triển, gây sẩy thai hoặc thai chết lưu.
2. Trong thai kỳ cần tiêm vắc-xin gì?
Có 3 loại vắc-xin thường được áp dụng cho tiêm phòng khi mang thai, đó là tiêm phòng uốn ván, cúm và bạch hầu – uốn ván – ho gà. Trong đó, tiêm phòng uốn ván là phổ biến nhất và được áp dụng tại tất cả các bệnh viện. Bên cạnh đó, với tình trạng và nguy cơ có thể nhiễm viêm gan B thì phụ nữ đang mang thai cũng nên cân nhắc tiêm ngừa viêm gan B.
Tiêm phòng khi mang thai rất quan trọng, giúp phòng tránh các biến chứng nguy hiểm cũng như một số dị tật bẩm sinh ở trẻ.
Là căn bệnh cực kỳ nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh. Nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi trùng uốn ván trong lúc sinh, chủ yếu qua vết cắt rốn. Triệu chứng của bệnh là tê cứng lưỡi và hàm, sau đó co giật cứng cả người, lưng cong cứng ưỡn ngược ra sau tựa như cái đòn gánh. Khi hệ cơ của lồng ngực bị tê liệt dẫn đến khó thở và gây tử vong. Với tính chất đặc biệt nguy hiểm, bầu cần bắt buộc phải tiêm phòng khi mang thai. Mẹ nào chưa tiêm ngừa uốn ván trước khi có thai thì hoàn toàn có thể tiêm được trong thai kỳ. Tiêm ngừa được chia làm 2 mũi, mũi đầu từ tuần thứ 22 trở đi và mũi nhắc lại cách 1 tháng.
Bệnh cúm thường không gây ra những biến chứng nguy hiểm gì đối với người bình thường, tuy nhiên bà bầu bị cúm thì lại rất nguy hiểm. Nếu bị cảm cúm kéo dài trong thời gian mang thai có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, đặc biệt nhất là trong 3 tháng đầu thai kỳ.
Bà bầu có thể tiêm ngừa vắc-xin cúm trước và trong khi mang thai đều được. Bởi chúng được chế tạo từ những virut đã chết nên rất an toàn cho thai nhi vì vậy bầu có thể hoàn toàn yên tâm.
Bệnh ho gà là một trong những căn bệnh khá nguy hiểm và có thể lây từ mẹ sang bé. Cơn ho kéo dài dai dẳng hàng tháng trời có thể dẫn đến nứt xương sườn, viêm phổi và nhiều biến chứng khác. Căn bệnh này có thể đe dọa tính mạng của các bé sơ sinh dưới 1 tuổi. Chính vì vậy, việc tiêm phòng bệnh ho gà thường được khuyến khích cho các mẹ bầu để giúp bé nhận được kháng thể từ mẹ ngay khi còn chưa ra đời. Thông thường, vắc-xin ho gà sẽ được sản xuất trong cùng 1 hỗn hợp vắc-xin với 2 bệnh uốn ván và bạch hầu.
Viêm gan B
Trước khi thực hiện tiêm vắc-xin viêm gan B bầu cần làm xét nghiệm xem có bị nhiễm bệnh hay không. Nếu không may bị bệnh mẹ bầu phải được điều trị để giảm khả năng lây nhiễm sang cho con. Trường hợp thai phụ không bị bệnh nhưng có chồng hoặc người thân trong gia đình mắc bệnh viêm gan thì cần tiêm ngừa ngay. Trong một số trường hợp, bác sỹ cũng sẽ khuyến khích bạn tiêm phòng viêm gan A.
Có thể bạn quan tâm:
Tiêm ngừa khi mang thai là bước cần thiết và quan trọng trong quá trình mang thai của bà mẹ. Không chỉ vậy, bảo vệ sức khỏe cho mẹ cũng chính là bảo vệ sức khỏe cho bé yêu. Để bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé trước những loại virus gây ảnh hưởng cơ thể. Đảm bảo cả bé và mẹ có thể trải qua quá trình thai kỳ và sinh nở được an toàn nhất.