Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115

Vitamin C dùng thế nào cho đúng?

Thứ sáu, 31/08/2018, 14:29 GMT+7

Vitamin C (acid ascorbic) là vitamin rất cần thiết cho cơ thể. Vitamin C có nhiều trong các loại rau quả tươi như nước cam, chanh, quýt và có hàm lượng cao trong rau xanh, đặc biệt là bông cải xanh, khoai tây, rau cải, cà chua... Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tăng sức đề kháng của cơ thể khi bị nhiễm khuẩn.

xe9fbbff70567b7e551477935d9b4bbf5.jpg.pagespeed.ic.CRq6uM0ucJ

Giúp trẻ em tăng trưởng và phòng bệnh

Vitamin C rất quan trọng với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em, giúp trẻ hấp thu hiệu quả sắt và canxi từ thực phẩm. Trong giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, trẻ rất dễ bị thiếu vitamin C do chế độ ăn không cung cấp đủ với các biểu hiện như: giảm sức đề kháng, hay ốm vặt kèm theo mệt mỏi, biếng ăn, mụn nhọt, rôm sảy, dị ứng, mẩn ngứa, phát ban, lợi sưng, dễ chảy máu chân răng, lở miệng, nhiệt miệng... Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, vitamin C giúp tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ, giúp trẻ tự bảo vệ cơ thể, hỗ trợ phòng ngừa các bệnh thường gặp do vi khuẩn, virut gây ra: cảm cúm, sốt virut, tay - chân - miệng, thủy đậu, sốt do nhiễm khuẩn, viêm đường hô hấp, hen suyễn…

Mặc dù là vi chất dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhưng vitamin C là hợp chất cơ thể không tự tổng hợp được, không bền, dễ tan trong nước nên không được tích luỹ trong cơ thể. Mặt khác, vitamin C dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao nên thức ăn chế biến sẵn hoặc để lâu dễ bị mất đi. Vì vậy, vitamin C cần được cung cấp hàng ngày. Nguồn cung cấp vitamin C cho trẻ cơ bản từ chế độ dinh dưỡng, từ rau củ (súp lơ, cải bắp, khoai lang, khoai tây…), từ các loại quả (cam, quýt, đào, lê, táo…). Tuy nhiên, lượng vitamin C sẽ bị hao hụt đi rất nhiều trong quá trình bảo quản và chế biến. Vì vậy, trẻ không nhận được đủ  vitamin C cần thiết cho cơ thể và cần bổ sung các chế phẩm chứa vitamin C.

Lưu ý khi sử dụng cùng với thuốc khác

Cần lưu ý, khi đang uống các loại thuốc kháng sinh, nhất là các kháng sinh nhóm beta lactam như penicilin, ampicilin, amoxycilin, augmentin, unacyl, cloxacylin, oxacilin... cần chú ý không được dùng nước hoa quả hay các đồ uống có vị chua bởi vì các kháng sinh này không bền ở môi trường acid. Trong khi đó, vitamin C sủi chính là dung dịch acid ascorbic. Nhiều người thường có thói quen uống thuốc xong lại cho uống viên C sủi hoặc dùng ngay dung dịch viên C sủi để uống các loại thuốc kháng sinh khác. Đây là cách dùng thuốc không đúng dẫn đến tương tác thuốc giữa kháng sinh và vitamin C vốn có bản chất là một acid nên tác dụng của thuốc kháng sinh sẽ bị ảnh hưởng trong môi trường acid của vitamin C. Vì vậy, khi đang dùng kháng sinh, tốt nhất không nên uống cùng lúc với các thuốc có vitamin C. Cũng không nên dùng các loại nước hoa quả chua, các loại nước ngọt có ga và có pH acid ngay sau khi vừa uống thuốc kháng sinh. Cần nhớ rằng, nhiều loại thuốc kháng sinh nhóm beta lactam có tên biệt dược khác như amoksiklav, clamoxyl, hiconcil, ospen, dodacin... cũng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc không uống cùng với các chất có pH acid. Vì vậy, khi đang dùng các thuốc kháng sinh đường uống, tốt nhất không nên uống với các chất có vitamin C.

Nhiều người đau dạ dày do viêm, loét thường được khuyên không nên ăn chua để tránh tăng acid dịch vị gây ra các cơn đau do kích thích ổ viêm loét. Vitamin C có vị chua nên nhiều người lầm tưởng là bệnh dạ dày thì không được dùng thuốc này. Tuy nhiên, vitamin C là một sinh tố cần thiết cho sức khỏe và có tác dụng tốt bảo vệ thành mạch. Hơn nữa, vitamin C không chỉ là thuốc và không phải chỉ có trong những trái cây chua  như chanh, cam... mà nó còn có nhiều trong những trái cây ngọt như đu đủ, dưa hấu… cũng như trong nhiều loại rau cải như bông cải trắng, bông cải xanh, ớt chuông, rau dền, măng tây, giá, hành tây...

Người bị đau dạ dày vẫn cần ăn đủ các thức ăn trên để cơ thể tăng sức đề kháng và không bị thiếu sinh tố C. Dùng vitamin C không những không hại đến dạ dày mà còn giúp giảm nguy cơ bị nhiễm vi trùng H.Pylori là nguyên nhân thường nhất gây viêm, loét dạ dày. Vitamin C có tác dụng bảo vệ dạ dày nếu tiêu thụ trong mức cho phép. Duy trì hàm lượng vitamin C bình thường trong dịch dạ dày có thể phát huy hiệu quả chức năng của dạ dày, bảo vệ bụng và tăng cường sức đề kháng cho dạ dày. Tốt nhất, nên bổ sung vitamin C từ các loại rau củ quả.

Trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường khiến cơ thể trẻ  không thích nghi kịp, các bậc cha mẹ nên duy trì bổ sung vitamin C đều đặn hàng ngày kết hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý để giúp trẻ nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ phục hồi sức khỏe cho trẻ trong điều trị các bệnh nhiễm khuẩn và các bệnh lây qua đường hô hấp do vi khuẩn và virut gây ra, tránh tình trạng bệnh tái nhiễm nhiều lần, giúp trẻ luôn mạnh khỏe. Cần có chế độ ăn uống hợp lý ngoài các chất thiết yếu cần bổ sung đầy đủ các loại rau xanh và trái cây để cơ thể không bị thiếu vitamin C. Bổ sung vitamin C cho cơ thể bằng con đường tự nhiên qua ăn uống tốt hơn là dùng thuốc. Vì đây cũng là vitamin cần thiết giúp cho cơ thể chống lại các chất ôxy hóa, giữ được nét thanh xuân cho cơ thể, nhất là biểu hiện trên da.

Phương Thanh (Khoa dược) / Nguồn suckhoedoisong.vn



Giới hạn tin theo ngày :