Bác sĩ thường trực 096 242 1155
Hotline cấp cứu 02773 895 115
banner

Thoát vị bẹn (ruột thòng), không nên coi thường.

Thứ tư, 13/07/2016, 20:09 GMT+7

(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Thoát vị bẹn là tình trạng bệnh lý khi có các tạng trong ổ bụng như mạc nối, ruột... bị chui xuống bìu qua ống bẹn hoặc chui ra thành bụng vùng bẹn nơi có ống dẫn tinh chạy qua. Bệnh chủ yếu ở nam giới với mọi lứa tuổi: bẩm sinh, trẻ em, người lao động nặng hoặc người già có thành bụng yếu.

Ông Lê Văn B. 75 tuổi (cư ngụ tại xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) đến Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp khám tổng quát và tình cờ phát hiện mình bị thoát vị bẹn bên trái to dần khi rặn, xẹp xuống khi nằm. Theo ông B., các triệu chứng này đã xuất hiện từ 10 năm trước nhưng ông không nghĩ đó là bệnh bởi vùng bẹn tự xẹp xuống khi nằm hoặc lấy tay đẩy lên.

Bác sĩ cho nhập viện và chỉ định phẫu thuật điều trị Thoát vị bẹn bằng phương pháp nội soi. Trường hợp này nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhân như: thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột. Đây là trường hợp các tạng (ruột hoặc mạc treo của ruột) không di chuyển trở lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời, các tạng sẽ bị hoại tử.

thoat-vi-ben-1

Phẫu thuật điều trị Thoát vị bẹn bằng phương pháp nội soi
tại Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp

Sau phẫu thuật 2 ngày Ông Lê Văn B. đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.

Vậy Thoát vị bẹn là gì? Biểu hiện, nguyên nhân của bệnh? Phương pháp điều trị nào là hiệu quả nhất và biến chứng của nó như thế nào nếu không điều trị kịp thời. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu bài viết sau:

Thoát vị bẹn là gì ?

Thoát vị bẹn là tình trạng bệnh lý khi có các tạng trong ổ bụng như mạc nối, ruột... bị chui xuống bìu qua ống bẹn hoặc chui ra thành bụng vùng bẹn nơi có ống dẫn tinh chạy qua. Bệnh chủ yếu ở nam giới với mọi lứa tuổi: bẩm sinh, trẻ em, người lao động nặng hoặc người già có thành bụng yếu.

Thoát vị bẹn nếu không được phẫu thuật sẽ gây đau tức, khó khăn trong sinh hoạt và lao động. Bệnh còn có thể dẫn đến biến chứng nghẹt: các tạng thoát vị bị thít nghẹt trong ống thoát vị gây đau đớn và có thể hoại tử.

Biểu hiện của thoát vị bẹn ?

Xuất hiện khối phồng vùng bẹn, thường bị bên phải nhiều hơn bên trái. Khối này mềm, thường không đau, rõ hơn khi đứng, to lên khi rặn, ho, hắt hơi, khóc... (khi có sự tăng áp lực trong ổ bụng).

Triệu chứng của thoát vị bẹn là đau đớn, khó chịu và xuất hiện một khối u phồng ở vùng bẹn. Trong một số trường hợp, thoát vị bẹn có thể gây ra biến chứng cấp tính nguy hiểm cho bệnh nhân, thậm chí có thể xảy ra hiện tượng xoắn vặn và gây nghẹt.

thoat-vi-ben-3

Toàn bộ bụng có thể đau quặn từng cơn,
nhìn có thể thấy các quai ruột nổi lên.

Nguyên nhân của thoát vị bẹn ?

Do tồn tại ống phúc tinh mạc (bẩm sinh) hay gặp ở trẻ em; có điểm yếu của cân cơ thành bụng (mắc phải) gặp ở người trưởng thành.

thoat-vi-ben-2

Cảm giác đau, nặng và khó chịu ở vùng bẹn, 
đó là dấu hiệu sớm nhất của bệnh.

Ai có nguy cơ bị thoát vị bẹn?

Thoát vị xảy ra khi các tạng trong cơ thể ra khỏi vị trí bình thường. Bệnh thường gặp ở nam giới và tỷ lệ thuận với độ tuổi. Khoảng 5% dân số hoặc hơn bị thoát vị thành bụng nói chung, trong đó 75% là thoát vị bẹn.

Những người có áp lực ổ bụng cao, thành bụng yếu: bí tiểu do bệnh phì đại tuyến tiền liệt (u xơ tiền liệt tuyến); táo bón thường xuyên; ho mãn tính; béo phì.

Điều trị thoát vị bẹn như thế nào?

Thoát vị bẹn có thể hiểu là ổ bụng có lỗ thủng ở vùng bẹn, qua lỗ thủng này các tạng trong bụng như: ruột, mạc nối (mỡ chài)... chui ra qua lỗ này. Vì vậy, cách điều trị là phải mổ để bít lỗ này lại, có thể khâu bít, không cần lưới, khâu bít có lưới. Khâu có lưới có thể để lưới phía ngoài rồi vá như vá áo, hay có thể để lưới phía trong như trét thùng lủng xì nước.

Trong việc điều trị thoát vị bẹn cho bệnh nhân, Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Đồng Tháp đã ứng dụng phương pháp phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn. Phẫu thuật đặt lưới thường được chỉ định cho bệnh nhân ở tuổi trưởng thành, có thể tiến hành bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi. Với mục đích bịt kín chỗ thoát vị, củng cố vững chắc thành bụng (tạo vạt che hoặc dùng “mảnh vá” (surgical mesh - một lưới sợi tổng hợp) che phủ điểm yếu của thành bụng, làm vững mạnh điểm yếu và không làm căng cân cơ thành bụng - tension free repair) điểm yếu của thành bụng.

Bằng phương pháp nội soi, nhờ những hình ảnh được đưa lên màn hình lớn từ chiếc máy quay nhỏ bên trong cơ thể người bệnh mà các bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật một cách chính xác.

Phẫu thuật thoát vị bẹn bằng kỹ thuật nội soi với các ưu việt sau: bệnh nhân ít đau và nhanh chóng hồi phục sau phẫu thuật; nguy cơ nhiễm trùng thấp; thời gian phẫu thuật và lưu viện ngắn giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc; tỷ lệ tái phát rất thấp; vết rạch nhỏ, không gây xấu về thẩm mỹ; không thêm sẹo khi phẫu thuật cả 2 bên.

Thoát vị bẹn có gây biến chứng không?

Thoát vị bẹn, nếu phát hiện và điều trị muộn có thể gây biến chứng như thoát vị nghẹt gây hoại tử ruột, mạc treo ruột, buồng trứng (nữ giới). Đây là trường hợp các tạng (ruột hoặc mạc treo của ruột, buồng trứng ở nữ giới) không di chuyển trở lại ổ bụng được, bị nghẹt tại vùng cổ túi hoặc do bị xoắn, dẫn đến thiếu máu nuôi, nếu không can thiệp phẫu thuật kịp thời, các tạng sẽ bị hoại tử. Ngoài ra thoát vị bẹn có thể là một trong các yếu tố thuận lợi gây xoắn tinh hoàn, teo tinh hoàn, nghẹt bó mạch thừng tinh gây hoại tử tinh hoàn (nam giới). Ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi, thoát vị bẹn không được giải quyết sớm, sẽ luôn lo lắng, đau đớn mỗi lúc thoát vị xảy ra, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, lao động và cuộc sống.

ThS-BS Đinh Tấn Tài
Giám đốc BVĐK Tâm Trí Đồng Tháp



Giới hạn tin theo ngày :